Vĩnh Phúc: Vững vàng vượt qua khó khăn, đưa kinh tế, xã hội phát triển
Nhờ việc nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, tỉnh Vĩnh Phúc có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh kinh tế - xã hội qua 11 tháng của năm 2023.
Top đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, giải ngân vốn đầu tư công được kỳ vọng là một trong những động lực để vực dậy đà tăng trưởng của tỉnh trong năm 2023. Việc kiểm soát và duy trì ổn định giá vật liệu xây dựng, đồng thời đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, đã tạo ra những tác động tích cực đối với vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý.
Kết quả, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện ước đạt 1.255 tỷ đồng, tăng 24,46%. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 679 tỷ đồng, giảm 0,68%, vốn ngân sách cấp huyện đạt 429 tỷ đồng, tăng 56,02%, vốn ngân sách cấp xã đạt 147 tỷ đồng, tăng 194,11% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng của năm 2023 ước đạt 8.361 tỷ đồng, tăng 22,58% so với cùng kỳ năm trước và đạt 77,38% kế hoạch giao. Tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cao nhất ở các công trình, dự án có vốn đầu tư nước ngoài (ODA) với 281,4 tỷ đồng, hoàn thành 71,06% kế hoạch giao.
Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 4.213 tỷ đồng, tăng 5,66%, vốn ngân sách cấp huyện đạt 3.165 tỷ đồng, tăng 32,79%, vốn ngân sách cấp xã đạt 983 tỷ đồng, tăng 118,38% so với cùng kỳ năm trước
Theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đến ngày 15/11/2023, toàn tỉnh đã thu hút được 29 dự án DDI (13 dự án cấp mới, 16 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 21,28 nghìn tỷ đồng, tăng 74,15%. Trong tháng, không có dự án đăng ký mới hoặc điều chỉnh vốn đăng ký tăng thêm.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 70 dự án FDI (26 dự án cấp mới, 44 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 583,32 triệu USD, tăng 83,45% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành mũi nhọn về thu hút đầu tư FDI với 66/70 dự án. Các đối tác đầu tư truyền thống (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc) vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Vốn đầu tư của các nhà đầu tư Đài Loan tăng mạnh (đạt 176,18 triệu USD, chiếm 30,20% tổng vốn đăng ký), đứng đầu trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh trong 11 tháng đầu năm 2023.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng, tuy nhiên, sự suy giảm của số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và gia tăng của số lượng doanh nghiệp rút lui cho thấy dấu hiệu của những khó khăn và thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối mặt trong môi trường kinh doanh hiện nay.
Tính đến ngày 15/11/2023, toàn tỉnh có 1.364 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 10.287 tỷ đồng, dự kiến giải quyết việc làm cho 8.798 lao động, tăng 10,45% về số doanh nghiệp, nhưng giảm 5,83% số lao động và giảm 51,36% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Các ngành dịch vụ là nhóm có mức tăng cao nhất với một số ngành có số lượng doanh nghiệp tăng cao so với cùng kỳ như: Ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 120%; ngành giáo dục tăng 88,89%; ngành vận tải kho bãi tăng 48%; thông tin và truyền thông tăng 60%;...
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng đầu năm 2023 là 344 doanh nghiệp, giảm 10,18% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên 1.708 doanh nghiệp (trung bình mỗi tháng có 155 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động). Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục có chiều hướng gia tăng, lũy kế 11 tháng đầu năm có 831 doanh nghiệp, tăng 37,13% so với cùng kỳ, bao gồm 695 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 136 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Trung bình mỗi tháng có 75 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, chính sách giảm thuế và các chi phí khác đã được triển khai nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và dân cư. Tính đến 15/11/2023, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 22.582 tỷ đồng, giảm 25,43% so với cùng kỳ, bằng 69,84% dự toán giao đầu năm.
Thị trường bất động sản trầm lắng làm cho các khoản thu từ nhà đất giảm 51,03% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 56,45% tổng thu ngân sách trên địa bàn giảm 26,43% là những nguyên nhân chính tác động làm thu nội địa 11 tháng đầu năm giảm 24,79%. Thu từ Hải quan đạt 4.234 tỷ đồng, giảm 28,34% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách nhà nước đến ngày 15/11/2023 đạt 21.817 tỷ đồng, tăng 15,21% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển (bao gồm cả tạm ứng) tăng 19,77%; chi thường xuyên tăng 9,39% so với cùng kỳ. Nhìn chung, công tác quản lý chi ngân sách đã được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng vẫn bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhằm giảm áp lực tài chính và kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại đã giảm mặt bằng lãi suất cho các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới với mức giảm từ 1,5-2%/năm. Đồng thời, tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với các ngành ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và các lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay tháng 11/2023 trên địa bàn phổ biến từ 4-11%/năm đối với từng kỳ hạn và đối tượng; lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến từ 0,2-7%/năm đối với từng kỳ hạn.
Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đến 30/11/2023 đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 9,51% so với cuối năm 2022. Tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn khiến các tổ chức kinh tế không có tiền nhàn rỗi, các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước và chuyển sang sử dụng dịch vụ của ngân hàng nước ngoài làm cho nguồn tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm 2,47% so với cuối năm 2022. Ngược lại, nguồn tiền gửi tiết kiệm trong dân duy trì đà tăng trưởng tốt, ước đạt 80.700 tỷ đồng, tăng 16,48% so với cuối năm 2022, chiếm 67,25% tổng nguồn vốn huy động. Ngoài nguồn vốn huy động tại địa phương, các tổ chức tín dụng trên địa bàn nhận vốn điều hoà từ Hội sở chính để tăng nguồn, bù đắp thanh khoản, đáp ứng các nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Tổng dư nợ cho vay ước tính đến 30/11/2023 ước đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 7,96% so với cuối năm 2022, chủ yếu ở các khoản vay ngắn hạn, có tính thanh khoản cao. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn tăng 7,13%; dư nợ cho vay trung và dài hạn tăng 10,04%. Theo đối tượng vay vốn, dư nợ khu vực hộ gia đình, tư nhân, cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 56,65% tổng dư nợ; khu vực doanh nghiệp chiếm 43,20%, tăng 10,69% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 1%, ước đạt 0,84% tổng dư nợ.
Tháng cuối của năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người sản xuất mở rộng sản xuất, sử dụng hết năng lực hiện có, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh… Đồng thời, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội và phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh.