Chính trị

Bước đột phá trong cải cách tư pháp tại Toà án

Mai Thoa-Nguyên Thảo-Thanh Trà-Mạnh Hùng 30/11/2023 09:23

Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 là cơ sở pháp lý đầu tiên quan trọng nhằm tiến tới xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

anh-bia-b3-3-.png

Ngày 10/1/2022, TANDTC đã tổ chức Lễ khánh thành Trung tâm Tư liệu - Thư viện; Trung tâm Giám sát, điều hành Tòa án nhân dân và ra mắt phần mềm Trợ lý ảo. Sau hơn một năm triển khai, hoạt động Toà án các đã bước đến một tầm cao mới, được đánh giá là điểm sáng trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo chuyển đổi số quốc gia.

tit1-b3-3-.png

Như đã đề cập đến ở những bài trước, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; phù hợp với chủ trương của Đảng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Các nghị quyết của Đảng, bên cạnh việc khẳng định quan điểm của Đảng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, còn xác định nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm là cải cách hành chính, cải cách tư pháp với mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, trong đó có xây dựng Tòa án điện tử.

anh-bia-2-6-.png

Ngày 10/1/2022, TANDTC đã tổ chức Lễ khánh thành Trung tâm Tư liệu - Thư viện; Trung tâm Giám sát, điều hành Tòa án nhân dân (TAND) và ra mắt phần mềm Trợ lý ảo.

Trung tâm Giám sát, điều hành hoạt động TAND là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số Tòa án cũng như xây dựng Tòa án điện tử; được xây dựng nhằm mục đích tạo ra “bộ não số” của Tòa án với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có, tạo ra bức tranh tổng thể trên mọi lĩnh vực hoạt động của Tòa án.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết, để kịp thời triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, TANDTC đã chủ động chỉ đạo xây dựng hệ thống xét xử trực tuyến đồng bộ về hạ tầng truyền dẫn, phần cứng và phần mềm và đạt các tiêu chuẩn về chất lượng âm thanh, hình ảnh, bảo mật, an toàn thông tin để triển khai áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống TAND.

Hệ thống phần mềm Trợ lý ảo được phát triển với các mục tiêu: Thực hiện số hóa các tri thức, kinh nghiệm xử án của các thế hệ Thẩm phán giỏi, giàu kinh nghiệm; tạo ra Thư ký ảo làm việc trực tuyến 24/7 để hỗ trợ cho Thẩm phán trong quá trình nghiên cứu, phân tích, giải quyết vụ án; bảo đảm việc áp dụng đúng, thống nhất pháp luật; hỗ trợ cán bộ hành chính tư pháp Tòa án tiếp nhận và xử lý các loại đơn tư pháp; cung cấp dịch vụ chỉ dẫn pháp luật và đoán định tư pháp cho người dân.

anh-bia-2-1-.png

Trung tâm Tư liệu – Thư viện được xây dựng là trung tâm tư liệu, thư viện chuyên ngành với nguồn tài nguyên thông tin chuyên sâu về Tòa án và pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu nghiên cứu một cách đầy đủ, tin cậy, kịp thời, chuyên nghiệp, hiện đại phục vụ nhu cầu thông tin của các Tòa án, các đơn vị cũng như của các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của Tòa án. Trung tâm Tư liệu – Thư viện được hoạt động theo phương thức truyền thống và phương thức Thư viện số.

Tại buổi Lễ ra mắt, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và biểu dương những kết quả công tác, thành tích nổi bật mà TAND đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời nhấn mạnh, thời gian tới, Tòa án các cấp cần thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án. Các Tòa án cần nỗ lực phấn đấu hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng giao phó.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Tòa án nhân dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức, hoạt động, coi đó là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng công tác. Tòa án các cấp đã quán triệt và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số là giải pháp then chốt để khắc phục nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác Tòa án; từ đó hỗ trợ các Thẩm phán hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Việc khánh thành, đưa vào sử dụng “Nền tảng xét xử trực tuyến” cùng với việc ban hành “Thông tư liên tịch quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến” ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33 đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm, lỗ lực lớn của hệ thống Tòa án trong việc đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp kịp thời, phù hợp và hiệu quả để chủ động thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đến hoạt động tố tụng tại Tòa án.

Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch và bảo đảm sự giám sát của Nhân dân, cử tri đối với hoạt động của các Tòa án; tiếp tục đổi mới thủ tục tố tụng tư pháp tại Tòa án nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, cho doanh nghiệp; nghiên cứu đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả chế định nhân dân tham gia xét xử.


tit1-b3-2-.png

Sau hơn một năm triển khai Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội và đưa vào hoạt động Trung tâm Tư liệu - Thư viện; Trung tâm Giám sát, điều hành Tòa án nhân dân và ra mắt phần mềm Trợ lý ảo, hoạt động Toà án đã bước đến một tầm cao mới, được đánh giá là điểm sáng trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo chuyển đổi số quốc gia. TANDTC triển khai phần mềm trợ lý ảo đến tất cả Tòa án trên cả nước, các Thẩm phán đều được cấp tài khoản và mật khẩu sử dụng phần mềm này.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV vừa diễn ra, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết, trong các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp, bên cạnh việc triển khai đồng bộ 17 giải pháp trọng tâm, việc tăng cường công nghệ thông tin, đưa vào sử dụng phần mềm trợ lý ảo, được coi là giải pháp căn cơ.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho hay: Tại hội nghị về chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ đánh giá cao việc sử dụng phần mềm trợ lý ảo của TAND. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đưa vào sử dụng phần mềm trợ lý ảo đem lại nhiều hiệu quả trong công tác chuyên môn và Tòa án được đánh giá là điểm sáng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số quốc gia.

anh-bia-2-7-.png

“Việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh. Các Tòa án tiếp tục sử dụng và khai thác có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến; cùng với đó là triển khai áp dụng các phần mềm nội bộ dùng chung và cung cấp các dịch vụ tư pháp công của TAND lên nền tảng số.

Về triển khai sử dụng phần mềm Trợ lý ảo, đến nay đã có hơn 11.000 Thẩm phán, Thư ký được cung cấp tài khoản với tổng số hơn 3 triệu lượt truy cập sử dụng trợ lý ảo; tổ chức xét xử trực tuyến đối với 13.617 vụ án, đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí và thời gian đến phiên tòa...Việc công khai bản án được thực hiện nghiêm túc, đến nay đã công bố được hơn 1,2 triệu bản án, quyết định với tổng số hơn 167 triệu lượt nghiên cứu bản án", Chánh án TANDTC cho hay.

Các Thẩm phán cũng đánh giá ứng dụng phần mềm trợ lý ảo có ý nghĩa quan trọng trong việc trao đổi nghiệp vụ xét xử. Trợ lý ảo sẽ cung cấp cho Thẩm phán công cụ tham khảo kinh nghiệm từ các đồng nghiệp ở các Tòa án trên cả nước.

Thẩm phán Lê Thị Khanh, TAND quận Cầu Giấy đánh giá, việc sử dụng trợ lý ảo này rất hiệu quả. Thẩm phán có nhiệm vụ phải công khai bản án trên trang web của TANDTC. Trước đây, khi chưa có phần mềm trợ lý ảo, các Thẩm phán sẽ phải mã hóa dữ liệu trong bản án theo cách thủ công, bằng tay, nhưng đến nay việc đó đã dễ dàng thuận lợi hơn rất nhiều, việc mã hóa diễn ra rất nhanh, thậm chí chỉ mất 30-40 phút là đã có thể mã hóa và đăng 10-15 bản án nhờ có phần mềm hữu dụng này.

Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Bường cũng nhận định, chủ trương của Quốc hội về xét xử trực tuyến và là nền tảng xây dựng Tòa án điện tử, là đúng đắn, được nhân dân, cơ quan chính quyền rất ủng hộ và đánh giá cao. Vì vậy, trong thời gian qua, dù điều kiện phương tiện, kỹ thuật chưa đồng bộ, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện xét xử được 75 phiên tòa trực tuyến. Trong đó, nhiều vụ án hành chính, cầu truyền hình, cầu trực tuyến được nối đến tận văn phòng Tòa án nhân dân cấp tỉnh, các cấp chính quyền địa phương. Hiệu quả của phiên tòa trực tuyến rất rõ ràng, tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức cho đương sự, chính quyền và Tòa án.

Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang Lương Xuân Lộc đánh giá: Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội được coi là nền tảng quan trọng để Toà án thực hiện cải cách tư pháp, trong đó có việc xây dựng Toà án điện tử.

Triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết này của TANDTC, đến nay, TAND hai cấp tỉnh Bắc Giang đã xét xử trực tuyến 558 vụ án. Năm 2022, TAND tỉnh Bắc Giang được TANDTC biểu dương biểu dương khen thưởng là đơn vị đứng thứ 2 toàn quốc về số vụ án được xét xử trực tuyến. Việc xét xử trực tuyến đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

Xét xử trực tuyến với nhiều ưu điểm vượt trội, mang lại nhiều giá trị cho xã hội nói chung và cho ngành Tòa án nói riêng; góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm áp lực trong điều kiện các vụ việc ngày càng tăng nhưng biên chế giảm, Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang Lương Xuân Lộc chia sẻ.

luong-xuan-loc.jpg
Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang Lương Xuân Lộc: "Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội được coi là nền tảng quan trọng để Toà án thực hiện cải cách tư pháp, trong đó có việc xây dựng Toà án điện tử".

TUYẾN BÀI: “Quyết sách của Quốc hội và sự đột phá trong cải cách tư pháp tại Tòa án”:
Bài 1:
Phiên tòa trực tuyến tiên phong ứng dụng thành công chuyển đổi số của Toà án
Bài 2:
Chính sách Nghị trường mang hơi thở cuộc sống
Bài 3:
Bước đột phá trong cải cách tư pháp tại Toà án

Thực hiện: Mai Thoa - Nguyên Thảo - Thanh Trà - Mạnh Hùng

Mai Thoa-Nguyên Thảo-Thanh Trà-Mạnh Hùng