Chính sách nghị trường mang hơi thở cuộc sống
Sự ra đời của Nghị quyết số 33 tạo ra một phương thức mới trong tổ chức công tác xét xử của Tòa án, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cam kết quốc tế; thể hiện việc thích ứng và bắt kịp các giá trị của nền tư pháp văn minh trong thời đại số và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam hiện nay.
Sự ra đời của Nghị quyết số 33 tạo ra một phương thức mới trong tổ chức công tác xét xử của Tòa án, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cam kết quốc tế; thể hiện việc thích ứng và bắt kịp các giá trị của nền tư pháp văn minh trong thời đại số và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam hiện nay.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 33, TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 để hướng dẫn thi hành Nghị quyết nói trên, đồng thời chủ động ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức các phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến.
TANDTC đã tổ chức các Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Nghị quyết số 33 trong toàn hệ thống Tòa án, trong đó nhiều hội nghị có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài để học tập, trao đổi kinh nghiệm, từ đó nâng cao kỹ năng cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, đảm bảo việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đạt hiệu quả cao.
Để bảo đảm các điều kiện kỹ thuật và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho các Tòa án tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, ngay sau khi Nghị quyết số 33 có hiệu lực pháp luật, TANDTC đã đề xuất và được Quốc hội bổ sung kinh phí để đầu tư dự án “Trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên tòa trực tuyến”, với mục tiêu xây dựng nền tảng xét xử trực tuyến dùng chung để tạo ra các phòng xét xử trực tuyến kỹ thuật số và đầu tư trang thiết bị cho phòng xét xử trực tuyến của Tòa án các cấp.
Để sớm đưa Nghị quyết 33 của Quốc hội vào thực tiễn, TANDTC đã chủ động chỉ đạo các Tòa án khắc phục khó khăn, sử dụng tối đa khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất tại các Tòa án; tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng; tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương để tổ chức xét xử trực tuyến. Tại một số Tòa án, việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đã được chính quyền địa phương hỗ trợ từ nguồn ngân sách, như Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Bình…
Với sự nỗ lực từ nhiều phía, ngay những ngày đầu năm 2022, phiên tòa trực tuyến đầu tiên đã được xét xử trong bối cảnh tình dịch bệnh covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Theo đó, ngày 8/1/2022, tại trụ sở TANDTC, Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND kết nối phiên tòa xét xử trực tuyến tại điểm cầu TAND cấp cao tại Hà Nội; TAND TP Hải Phòng; TAND tỉnh Bắc Giang - Trại tạm giam Công an tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng một số lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã dự phiên tòa trực tuyến đầu tiên tại Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND tại trụ sở TANDTC.
Tại đầu cầu Bắc Giang, TAND tỉnh xét xử bị cáo Nguyễn Văn Tuấn, 27 tuổi, về tội Cướp giật tài sản. Phiên tòa được tổ chức ở 3 điểm cầu gồm Hội đồng xét xử ở TAND tỉnh Bắc Giang; bị cáo Tuấn hầu tòa từ Trại tạm giam Công an tỉnh; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ở điểm cầu TAND huyện Tân Yên.
Hai phiên tòa trực tuyến khác diễn ra trong sáng 8/1 gồm: TAND cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm bị cáo Phạm Tiến Giang, bị tuyên sơ thẩm 2 năm tù về tội Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ; TAND TP Hải Phòng xét xử vụ án hành chính của đương sự kiện UBND huyện Thủy Nguyên về quyết định hành chính trong công tác bồi thường, thu hồi đất.
Tất cả phòng xét xử trực tuyến trong 3 vụ án trên được lắp đặt camera quét nhiều góc độ, thiết bị giải mã hình ảnh, trình chiếu tài liệu, thiết bị lưu điện, đường truyền mạng riêng kết nối trực tiếp với Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND tại trụ sở TANDTC. Hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến có các chức năng như: Quản lý thông tin, hồ sơ vụ án; điều khiển thiết bị camera, âm thanh, trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; chức năng quay video toàn bộ diễn biến phiên tòa; chuyển đổi giọng sang văn bản để hỗ trợ Thư ký ghi biên bản phiên tòa.
Sau phiên tòa đầu tiên đó, các Tòa án cũng đã triển khai xét xử trực tuyến tại nhiều địa phương. TAND TP. Hòa Bình mở phiên tòa trực tuyến xét xử bị cáo Nguyễn Quốc Huy (SN 1995), trú tại Mỹ Hội Đông, Chợ Mới (An Giang) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174, Bộ luật Hình sự. Phiên tòa được kết nối giữa hội trường xét xử TAND TP. Hòa Bình với Trại tạm giam Công an tỉnh An Giang. Đây là lần đầu tiên trong cả nước diễn ra phiên tòa theo hình thức trực tuyến được tổ chức tại 2 điểm cầu cách xa nhau cả nghìn km.
Vào ngày 28/11, TAND huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, đã phối hợp cùng TAND huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La), Nhà tạm giữ Công an huyện Phù Yên tiến hành xét xử trực tuyến thành công, khi hai điểm cầu cách nhau gần 1.800km. Bị cáo Nguyễn Văn Hiệp (SN 1966) bị xét xử sơ thẩm về hành vi "tàng trữ trái phép chất ma túy". Lúc phiên tòa diễn ra, bị cáo đang chấp hành bản án do TAND tỉnh Sơn La tuyên phạt 15 năm tù với cùng tội danh trên.
Ông Lê Bá Khuyến, Thẩm phán, chủ toạ phiên toà nhận định, phiên tòa trực tuyến đã có nhiều sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian cho quá trình xét xử, khi không phải làm các thủ tục, trích phạm nhân, áp giải..., có thể mất nhiều thời gian và chi phí. Phiên tòa trực tuyến với 2 điểm cách nhau gần 1.800km là phù hợp với xu hướng hiện nay, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử mà TANDTC đang thực hiện, đáp ứng chủ trương, yêu cầu cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án.
Xét xử trực tuyến, không chỉ tiện lợi cho người dân và cơ quan chức năng vì có thể rút ngắn khoảng cách xa hàng ngàn cây số, mà còn tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hành chục tỷ đồng.
Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV được tổ chức sáng 6/9/2023, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết: Nhờ sự chủ động của TANDTC và sự hỗ trợ của các cơ quan có liên quan, hàng ngàn phiên tòa xét xử trực tuyến đã được các Tòa án tổ chức thực hiện trong thời gian qua. Tính từ ngày 01/01/2021 đến ngày 5/9/2023, các Tòa án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được 9.856 vụ án.
Việc triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hình thức xét xử này đã giúp hạn chế tập trung đông người tại phòng xử án, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh; giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định.
Nhiều trường hợp nhằm đảm bảo tính nhân văn trong quá trình giải quyết vụ án (như vụ án hình sự có liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục hoặc bị hại là trẻ em, người bị hại không cần xuất hiện trực tiếp tại phiên tòa); tiết kiệm chi phí dẫn giải, thuận lợi cho việc bảo vệ phiên tòa; khắc phục tình trạng người bị kiện không tham gia phiên tòa, từ đó góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần trong giải quyết các vụ án hành chính; tiết kiệm chi phí cho người dân…
Điển hình như TAND cấp cao tại Đà Nẵng, trung bình một năm đơn vị tổ chức khoảng 40 hội đồng về các Tòa án địa phương để xét xử phúc thẩm, thời gian cho mỗi đoàn là 10-15 ngày. Chi phí cho mỗi đoàn từ 60 đến 100 triệu đồng (chưa tính chi phí áp giải tội phạm của cơ quan Công an), như vậy, trung bình một năm TAND cấp cao tại Đà Nẵng chi 3,2 tỷ đồng cho việc tổ chức hội đồng đi xét xử tại các Tòa án địa phương. Nhưng từ khi triển khai tổ chức xét xử trực tuyến đã giúp đơn vị tiết kiệm khoảng 50% chi phí, tương ứng 1,6 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, theo tính toán, việc xét xử trực tuyến trên cả nước đến thời điểm này ước tính tiết kiệm được 47,64 tỷ đồng/ 9.856 vụ đã xét xử. Ngoài giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, còn giúp cho người dân giảm chi phí do không phải đi lại xa; giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao thông; giảm thiểu hao mòn tài sản; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; bảo đảm sức khỏe và an toàn cho cán bộ thi hành công vụ; tiết kiệm toàn bộ chi phí áp giải phạm nhân đến tòa, bảo đảm an toàn trong việc áp giải phạm nhân và tránh một số tác động của xã hội.
Kết quả trên cho thấy chủ trương của Quốc hội cho phép TAND tổ chức phương thức xét xử bằng hình thức trực tuyến là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn hoạt động của các Tòa án; tuân thủ các cam kết quốc tế cũng như phù hợp với xu thế chung của các nền tư pháp tiên tiến trên thế giới. Việc chủ động triển khai thực hiện tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến tại các Tòa án trong thời gian qua đã giúp cho việc tổ chức công tác xét xử của Tòa án hiệu quả hơn, đem lại nhiều lợi ích cho Nhà nước, các cơ quan, tổ chức và người dân”.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du
Từ thực tiễn triển khai tại đơn vị mình, Thẩm phán Nghiêm Hoài Anh - Chánh án TAND TP. Hòa Bình chia sẻ, qua xét xử thực tế thấy rằng, việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến đem lại nhiều lợi ích, thuận lợi cho công tác giải quyết các vụ án. Việc xét xử trực tuyến với các vụ án hình sự, bị cáo được bố trí ngồi tại điểm cầu trại tạm giam thay vì phải dẫn giải trực tiếp đến Tòa án. Ngoài ra, xét xử trực tuyến còn đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, giảm thiểu chi phí, thời gian, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án.
Điển hình như trong vụ án Nguyễn Quốc Huy, nếu tiến hành xét xử bằng phiên tòa trực tiếp thì phải dẫn giải bị cáo từ An Giang ra Hòa Bình và dẫn giải bị cáo từ Hòa Bình về lại An Giang sau khi hoàn thành xong các thủ tục tố tụng. Việc này không chỉ mất thời gian, công sức mà chi phí ngân sách phải chi trả cũng rất lớn.“Với phương thức xét xử trực tuyến, chúng tôi chỉ mất chi phí thuê đường truyền với số tiền trên 4 triệu đồng, nhưng vẫn tổ chức được phiên tòa xét xử đảm bảo đúng quy trình tố tụng như phiên tòa trực tiếp. Điều này đã góp phần quan trọng tạo bước đột phá trong cải cách tư pháp của ngành tòa án trong thời gian tới”, Thẩm phán Nghiêm Hoài Anh chia sẻ.
Đánh giá cao công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các phiên tòa trực tuyến, ông Phạm Văn Cần - Kiểm sát viên cao cấp, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng, trong hoạt động tố tụng tại phiên tòa xét xử phúc thẩm theo hình thức trực tuyến, quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng đều được đảm bảo. Chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt, các bên đều nghe rõ, đối đáp được đầy đủ, đúng theo quy định tố tụng.
Chia sẻ về công tác này, Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trung Uy cho hay, trong năm qua, TAND hai cấp tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai 162 phiên tòa xét xử trực tuyến mang lại sự thành công và hiệu quả rất lớn, góp phần nâng cao tỷ lệ án và chất lượng xét xử. Đặc biệt, đối với các vụ án hành chính, dân sự có người tham gia tố tụng đang sinh sống tại huyện đảo Lý Sơn đều được TAND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức xét xử trực tuyến 100% nhất là trong mùa mưa bão. Các phiên tòa trực tuyến được diễn ra đúng trình tự, thủ tục tố tụng; thiết bị hiển thị hình ảnh và hệ thống âm thanh đảm bảo; thiết bị ghi hình rõ nét hình ảnh; tín hiệu truyền, nhận từ điểm cầu trung tâm đến điểm cầu thành phần thông suốt..., những người tham gia tố tụng đều nói, nghe, trả lời rõ ràng.
Theo đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh), qua theo dõi trực tiếp một số phiên tòa trực tuyến tại địa phương và các tỉnh, nghe ý kiến đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và nhân dân cho thấy, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đảm bảo các quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng được thực hiện như phiên tòa trực tiếp.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) nhận định, mặc dù trong bối cảnh khó khăn, chưa bố trí được kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ cho phiên tòa trực tuyến, nhưng hệ thống Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến được hàng ngàn vụ trong năm 2022 là con số ấn tượng; qua đó cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng mà nòng cốt là các Tòa án, khắc phục khó khăn trước mắt để đưa Nghị quyết của Quốc hội thực thi trên thực tiễn, góp phần đảm bảo tư pháp không chậm trễ.
Là người trực tiếp theo dõi một số phiên tòa, đại biểu đánh giá, việc tổ chức phiên tòa đã đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật, chất lượng hình ảnh, âm thanh rõ nét. Đặc biệt là việc tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ giúp đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở những vùng có dịch, vùng bị thiên tai hoặc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn dễ dàng tham gia phiên tòa mà không phải đến trực tiếp, giúp bảo vệ quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức, góp phần trong công tác phòng, chống dịch và ổn định trật tự xã hội. Kết quả đã chứng minh cho thấy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng và tạo được niềm tin trong nhân dân. Nghị quyết cũng là nền tảng pháp lý bước đầu cho việc triển khai thực hiện Tòa án điện tử trong thời gian tới.
TUYẾN BÀI: “Quyết sách của Quốc hội và sự đột phá trong cải cách tư pháp tại Tòa án”:
Bài 1: Phiên tòa trực tuyến tiên phong ứng dụng thành công chuyển đổi số của Toà án
Bài 2: Chính sách Nghị trường mang hơi thở cuộc sống
Bài 3: Bước đột phá trong cải cách tư pháp tại Toà án
Thực hiện: Mai Thoa-Nguyên Thảo-Thanh Trà-Mạnh Hùng