Mạo danh cán bộ Văn phòng Chính phủ, chiếm đoạt hơn 16 tỉ đồng
Ngày 4/12, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử Vũ Thị Hương Lan (41 tuổi, ở Quảng Ninh) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".
Theo cáo trạng, Lan biết doanh nghiệp nào đang có nhu cầu vay vốn thì chủ động liên hệ với họ, hoặc có doanh nghiệp chủ động liên hệ với bị cáo.
Lan tự giới thiệu là cán bộ Văn phòng Chính phủ, cháu họ của một nguyên Phó Thủ tướng, đại diện nguồn vốn an sinh xã hội của Chính phủ.
Lan hứa hẹn sẽ giúp các doanh nghiệp được vay vốn an sinh với lãi suất từ 0,1% đến 3%/năm, với điều kiện phải đặt cọc 1,8 tỉ đồng khi có thông báo, quyết định giải ngân.
Để các doanh nghiệp tin tưởng Lan là cán bộ Văn phòng Chính phủ, bị cáo thường hẹn các cá nhân, doanh nghiệp tại nhà hàng bên cạnh Nhà khách Chính phủ.
Ngoài ra, lợi dụng quan hệ với ông Nguyễn Đức Tân, bà Nguyễn Thị Hoa Lý - nhân viên Văn phòng Chính phủ, Lan đã đưa một số cá nhân, doanh nghiệp vào trụ sở để gặp, trao đổi việc vay vốn.
Khi gặp, Lan đưa cho họ xem các tài liệu giả như: Quyết định của Bộ Tài chính (có chữ ký của Bộ trưởng) đồng ý và phê duyệt cho bị cáo quản lý nguồn tiền an sinh xã hội; Quyết định giải ngân; Thông báo lệnh giải ngân; Thông báo về việc đặt cọc... với nội dung các doanh nghiệp được phê duyệt giải ngân sẽ phải làm thủ tục hợp đồng đặt cọc...
Để có tài liệu giả lừa đảo, Lan thuê một người đàn ông ở TP Hồ Chí Minh làm. Bị cáo tìm mẫu dấu cần làm giả trên mạng internet rồi gửi cho người đàn ông này.
Theo cáo buộc, Lan đã thuê làm giả 3 con dấu của Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk.
Về tài liệu giả, Lan cũng tìm trên mạng internet rồi gửi cho người đàn ông ở TPHCM căn chỉnh, in, ký giả, đóng dấu giả... Với các hợp đồng đặt cọc, Lan trực tiếp soạn thảo nội dung, rồi dùng con dấu giả của Văn phòng Chính phủ đóng vào.
Bằng thủ đoạn trên, Lan đã lừa đảo chiếm đoạt của 6 người với hơn 16 tỷ đồng.
Trong số này có ông N.Đ.N., bị Lan chiếm đoạt 2,5 tỉ đồng. Cụ thể, tháng 6/2018, Lan quen ông N.X.H. và khẳng định với ông này Dự án EaTam (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã có nguồn vốn, đang cần người thi công.
Nếu tìm được nhà thầu, Lan sẽ giúp hồ sơ, thủ tục chỉ định thầu và giải ngân nguồn vốn cho doanh nghiệp, và phải đặt cọc. Lan hứa chi cho ông H. 0,5% giá trị dự án. Lan gửi qua Zalo hình ảnh các giấy tờ liên quan đến dự án cho ông H.
Tháng 6/2019, qua quen biết, ông H biết ông N. - Chủ tịch HĐQT một công ty có nhu cầu tham gia dự án trên. Ông H. cho ông N. xem các giấy tờ do Lan gửi, đồng thời giới thiệu bị cáo làm ở Văn phòng Chính phủ, cháu của nguyên Phó Thủ tướng...
Ngày 28/6/2019, Lan đã nhận 2,5 tỷ đồng đặt cọc của ông N. tại một quán cà phê gần trụ sở Văn phòng Chính phủ.
Một bị hại khác là ông L.T.T., Giám đốc một doanh nghiệp, bị Lan chiếm đoạt hơn 7,2 tỷ đồng cùng với thủ đoạn trên.
Sau thời gian xét xử, HĐXX sơ thẩm TAND TP. Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Lan 5 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt cả hai tội danh, bị cáo Lan phải chấp hành mức án chung là 23 năm tù và tuyên buộc buộc bị cáo phải khắc phục toàn bộ số tiền hơn 16 tỷ đồng chiếm đoạt của các bị hại.