Chính trị

Phiên tòa trực tuyến – tiên phong ứng dụng thành công chuyển đổi số của Toà án

Mai Thoa-Mạnh Hùng-Nguyên Thảo- 28/11/2023 09:30

Xét xử trực tuyến từ lâu đã là một khái niệm không xa lạ đối với nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, tuy phương thức tiến hành tố tụng này mới xuất hiện cách đây vài năm, nhưng đã bước đầu chứng minh được tính ứng dụng và hiệu quả của phương thức này.

anh-bia-1.png

...

Xét xử trực tuyến từ lâu đã là một khái niệm không xa lạ đối với nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, tuy phương thức tiến hành tố tụng này mới xuất hiện cách đây vài năm, nhưng đã bước đầu chứng minh được tính ứng dụng và hiệu quả của phương thức này.

Tổ chức phiên tòa trực tuyến là xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; phù hợp với chủ trương của Đảng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII về việc đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử và tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, khẳng định quan điểm của Đảng là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng; xác định nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm là cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Thể chế hóa đường lối của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, quyết nghị: “Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng,…”. Để thi hành Nghị quyết này, ngày 15/12/2021, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp thống nhất ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.


tit1-b1-3-.png

Quốc hội khóa XV bắt đầu nhiệm kỳ vào đúng thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp nhất. Với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Nhân dân, Quốc hội cùng các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị không ngừng nỗ lực, tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt, có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực, thích ứng linh hoạt với tình hình để hoàn thành khối lượng lớn công việc về xây dựng và triển khai thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống hiệu quả dịch bệnh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.

Vào thời điểm năm 2021, lúc cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở giữa giai đoạn cam go, đất nước đứng trước bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn. Hoạt động phát triển kinh tế của Việt Nam bị suy giảm mạnh, do phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt trên phạm vi rộng, thời gian kéo dài theo Chỉ thị 15,16 để kiểm soát dịch bệnh. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát không chỉ tác động đến tình hình kinh tế của Việt Nam, mà còn tác động rất lớn đến hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là ngành Tòa án.

anh-1-bai1-1-.png

Thời gian giãn cách xã hội trên cả nước kéo dài khiến cho nhiều phiên tòa bị hoãn, tạm hoãn nhiều lần với lý do bị hại, bị can, bị cáo, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và một số người tham gia tố tụng khác trong vụ án vắng mặt do đang ở trong khu vực phong tỏa, hay giãn cách. Điều này dẫn đến tình trạng đình trệ, công tác xét xử không kịp thời, kéo dài giai đoạn xét xử vụ án, có thể dẫn đến vi phạm tố tụng. Ngoài ra, việc trì hoãn công tác xét xử trong giai đoạn vừa qua còn dẫn đến việc các vụ án bị tồn đọng, sau thời gian giãn cách, các Tòa án bị quá tải trầm trọng.

TANDTC đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, hoạt động xét xử của Tòa án cũng bị ảnh hưởng; nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 23/10, báo cáo trước Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng tại các Nghị quyết: Nghị quyết số 48/NQ-TW và Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp; Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ưu tiên chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để TANDTC xây dựng Tòa án điện tử và tổ chức xét xử trực tuyến trong thời gian tới.

anh-bia-1-3-.png

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, để thích ứng với trạng thái bình thường mới, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển xã hội số, kinh tế số là giải pháp sáng suốt hiện nay. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ cũng phải tổ chức họp và điều hành một số hoạt động qua phương thức trực tuyến. Tòa án tất yếu áp dụng xét xử trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc, tố tụng do pháp luật quy định và đáp ứng yêu cầu cấp bách thực tiễn hiện nay.

tit2-b1.png

Từ đòi hỏi của thực tiễn, sau nhiều lần họp bàn kỹ lưỡng, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV diễn ra ngày 12/11/2021, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến với số ý kiến tán thành cao. Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

anh-bia-1-4-.png

Nghị quyết nêu rõ, phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

anh-2-bai1.png

Nghị quyết quy định TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng; trừ các trường hợp vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước, vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy, tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh được quy định tại BLHS.

Ngày 19/11/2021, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 512A/QĐ-TANDTC về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 và tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến trên toàn hệ thống Tòa án.

Để nhanh chóng tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33, ngày 15/12/2021, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp thống nhất ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến; quy định và hướng dẫn việc xem xét, quyết định mở phiên tòa trực tuyến; yêu cầu đối với phiên tòa trực tuyến cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến...

Thông tư đã quy định rõ các thành phần tham gia phiên tòa cũng yêu cầu khi tham gia phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ quy định nội quy phòng xử án; luôn để thiết bị điện tử ở trạng thái mở camera và bật âm thanh micro; khi được yêu cầu thì mới phát biểu; không được tạo các tạp âm khác trong khi thiết bị điện tử đang để chế độ mở tiếng, gây ảnh hưởng đến phiên tòa; người tham gia phiên tòa phải mặc trang phục nghiêm chỉnh; không đứng dậy hay rời đi trong thời gian xét xử khi chưa được chủ tọa phiên tòa cho phép; không chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh, phát tán tài liệu hoặc phát tán thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến, phát trực tiếp phiên tòa trên không gian mạng…

info-bai1.png

Việc triển khai Nghị quyết 33 của Quốc hội tại Tòa án đã được triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả khả quan. Theo Báo cáo của TANDTC, tính từ ngày 1/1/2022 đến 31/8/2023, các Tòa án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được 9.263 vụ án, trong đó các vụ án hình sự là 7.197 vụ, hành chính 643 vụ, dân sự 436 vụ, hôn nhân và gia đình 164 vụ, lao động, kinh doanh thương mại 18 vụ, các loại vụ việc khác 807 vụ. Đến nay, cả nước đã có 691 Tòa án đã tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến. Các Tòa án chưa tổ chức xét xử bằng hình thức trực tuyến là do điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hoạt động xét xử trực tuyến chưa đảm bảo.

Kết quả trên cho thấy sự quyết tâm của cả hệ thống Tòa án, đã khắc phục khó khăn trước mắt để đưa Nghị quyết của Quốc hội thực thi trên thực tiễn, góp phần đảm bảo tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa, đặc biệt là tiết kiệm chi phí cho xã hội và người dân.

anh-bia-2.png

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đây được coi là bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, giúp hạn chế tập trung đông người tại một phòng xử án; đồng thời, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo đảm các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí, thời gian tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng, cũng như các chi phí xã hội khác của người dân.

Việc xét xử trực tuyến có ý nghĩa đặc biệt đối với các vụ án về tội xâm hại tình dục, kinh tế, tham nhũng, chức vụ; các vụ án có nhiều người tham gia tố tụng… vì phương thức tiến hành tố tụng này cho phép người bị hại, người làm chứng, luật sư và những người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại các địa điểm khác nhau với sự hỗ trợ của thiết bị điện tử, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân tốt hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc xét xử trực tuyến các vụ án hành chính còn tạo thuận lợi cho việc tổ chức phiên tòa, hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần hoặc xét xử vắng mặt người bị kiện; giảm bức xúc cho người khởi kiện.

TUYẾN BÀI:Quyết sách của Quốc hội và sự đột phá trong cải cách tư pháp tại Tòa án”:

Bài 1: Phiên tòa trực tuyến tiên phong ứng dụng thành công chuyển đổi số của Toà án
Bài 2:
Chính sách Nghị trường mang hơi thở cuộc sống
Bài 3
: Bước đột phá trong cải cách tư pháp tại Toà án

Mai Thoa-Mạnh Hùng-Nguyên Thảo-Thanh Trà

Mai Thoa-Mạnh Hùng-Nguyên Thảo-