Đời sống

Vĩnh Phúc: Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Minh Đức 04/12/2023 - 15:01

Vừa qua, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị quán triệt, học tập các văn bản mới của Trung ương và của tỉnh về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 198 điểm cầu tại các huyện, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với hơn 36.000 cán bộ, đảng viên tham dự.

phuc2.jpg
Các đại biểu dự Hội nghị quán triệt, triển khai một số Quy định mới của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân tại điểm cầu Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghiên cứu, quán triệt Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 4/10/2023 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 06, ngày 22/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh: Các quy định mới được Bộ Chính trị ban hành nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Do đó, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cần nhận thức kịp thời, đầy đủ các chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; từ đó vận dụng và triển khai thực hiện thống nhất, có hiệu quả. Quá trình triển khai phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất để xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.

Quá trình hiện thực hoá công cuộc đổi mới, Vĩnh phúc đã đạt được những thành tựu chuyển biến rõ nét mang tính lịch sử. Nền kinh tế không ngừng phát triển cả quy mô và tăng trưởng cao, lĩnh vực văn hóa được quan tâm đầu tư nhiều hơn, đời sống tinh thần của người dân luôn được cải thiện; chất lượng hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng tiến bộ rõ rệt. Tỉnh Vĩnh phúc đã, đang khẳng định vị thế là một tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng, tốc độ phát triển kinh tế vào tốp cao khu vực. Đó là thực tế minh chứng về sự đổi thay từng ngày trong đời sống nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Các cấp chính quyền chú trọng thường xuyên nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở, tạo điều kiện để người dân nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa, phát huy vị trí, vai trò của thiết chế văn hóa cơ sở và tránh tình trạng các thiết chế văn hóa hoạt động không hiệu quả, sử dụng sai mục đích, quản lý yếu kém... Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; phát huy quy chế dân chủ cơ sở, vận động nhân dân thực hiện tốt các tiêu chuẩn, quy ước hương ước, xây dựng Đảng bộ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể thật sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết tạo niềm tin với nhân dân.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, phù hợp đời sống mới là yêu cầu cấp thiết giai đoạn mới, bởi đó là cơ sở để văn hóa nền tảng tinh thần; là nơi kết nối, giao lưu, sáng tạo và tập hợp ý chí của cộng đồng, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển con người Vĩnh Phúc văn hoá, giàu lòng yêu nước, sáng tạo, nhân lên truyền thống văn hóa gắn với xây dựng quê hương Vĩnh phúc giàu đẹp, phát triển bền vững.

phuc.jpg
Hội thảo khoa học “Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – Lý luận và thực tiễn”.

Tại Hội thảo “Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – Lý luận và thực tiễn”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao Nghị quyết 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên 03 phương diện quan trọng là: Xuất phát từ lợi ích của Nhân dân, đặt lợi ích của người dân lên trên hết và trước hết; táo bạo đổi mới tư duy, chủ động phát huy sáng tạo trong thực hiện nghị quyết; cách làm đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới với quyết tâm rất cao.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu trên diện rộng, đây là cách làm mới, có ý nghĩa thiết thực trong việc triển khai thực hiện nghị quyết, đưa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hoá vào thực tiễn cuộc sống. Hơn thế, Vĩnh Phúc rất sáng tạo trong việc cụ thể hóa, hiện thực hóa tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước".

Minh Đức