Thanh Hóa: Nguy cơ mất an toàn từ các mỏ vật liệu hết hạn nhưng không hoàn trả mặt bằng
Không ít các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hết hạn khai thác hoặc hết trữ lượng trong một thời gian nhưng chưa đóng cửa mỏ, hoàn trả mặt bằng. Hiện trường nham nhở, hố sâu, vách cao tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là đối với trẻ em hay hiếu kỳ, thích khám phá.
Thanh Hóa đang trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực Bắc Trung Bộ, tốc độ tăng trưởng cao đi kèm với đó là việc xây dựng, nhu cầu vật liệu rất lớn. Cơ quan chức năng đã cấp phép nhiều mỏ đất, đá để phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia và nhu cầu của địa phương.
Khảo sát của PV, tại thôn Đông Vinh, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, doanh nghiệp tư nhân Liên Doanh được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất trong thời hạn 2 năm (17/4/2018-17/4/2020) với diện tích 17.926m2.
Sau khi giấy phép khai thác hết thời hạn, mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hà Trung đã nhiều lần ban hành công văn, đốc thúc doanh nghiệp dừng mọi hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ trên, di chuyển toàn bộ phương tiện, máy móc ra khỏi khu vực; lập hồ sơ đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Giao UBND xã Hà Vinh tăng cường kiểm tra, giám sát việc dừng khai thác của đơn vị; thực hiện trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác theo quy định, nhưng từ đó đến nay phía doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện hoàn trả mặt bằng.
Ghi nhận tại hiện trường xung quanh mỏ đất là những hộ dân đang sinh sống tại thôn Đông Vinh; trong khi doanh nghiệp đào hào không có bất cứ biển cảnh báo hay rào chắn; lối vào mỏ, phía trong cỏ cây mọc um tùm, sau khi doanh nghiệp đã khai thác đất, rất nhiều những hố sâu xuất hiện, chứa nước như bẫy người dân.
Anh L. V. C, trú tại thôn Đông Vinh cho biết: “Trước kia, chúng tôi phải sống chung với ô nhiễm môi trường, tiếng ồn của các loại máy móc. Giờ đây, sau khi hết thời gian khai thác, họ không hoàn trả mặt bằng khiến mỏ đất dày đặc những “hố bom” chứa đầy nước. Các cháu ra vui chơi, hoặc chăn thả bò, dê rất nguy hiểm. Đề nghị chính quyền vào cuộc để đơn vị khai thác hoàn trả mặt bằng và tiến hành cho các hộ thuê trồng cây để tránh lãnh phí tài nguyên đất”.
Ông Phạm Khắc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Vinh cho biết: Chúng tôi đã liên hệ với doanh nghiệp để thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định nhưng không được. Hiện, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Liên Doanh đang ốm, mất khả năng lao động. "Mỏ đất hiện là nơi tập kết rác tạm thời của người dân thôn Đông Vinh. Sắp tới, xã sẽ đề xuất với huyện lấp những hố sâu để tránh những tai nạn đáng tiếc", ông Phương nói.
Thực trạng trên cũng đang diễn ra ở mỏ đất của Công ty TNHH Xây dựng công trình Việt Bằng (Công ty Việt Bằng) tại thôn Phú Sơn, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh. Được biết, năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác san lấp đất cho Công ty Việt Bằng, với diện tích 2,04ha, thời gian khai thác 2 năm.
Sau 2 năm khai thác đất, đến tháng 6/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty Việt Bằng san lấp trả lại mặt bằng, đóng cửa mỏ trên cơ sở giấy phép đã được cấp để người dân trồng cây sản xuất. Nhưng hiện nay, phía công ty vẫn chưa thực hiện đề án đóng cửa mỏ theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Hiện phần diện tích đã khai thác chiếm gần hết diện tích mỏ, trong đó có 0,6ha đã được san gạt, trồng cây keo; phần diện tích còn lại có nhiều vách dốc đứng, chiều cao lớn cần phải xử lý, giật cấp taluy chống sạt lở; mặt bằng có các hố nham nhở, tạo thành các hố nước, khả năng sạt lở rất cao, có thể dẫn đến nguy hiểm khi người dân khi vào khu vực mỏ đất.
Gần đây nhất, ngày 30/8/2022, kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện cùng xã Phú Nhuận cho thấy, khu vực mỏ còn các vách đã khai thác đất dốc đứng, các moong khai thác sâu, bề mặt mỏ nham nhở. Toàn khu vực có nguy cơ mất an toàn cho người và gia súc.
Xã Phú Nhuận đã đề nghị Công ty Việt Bằng khẩn trương lập hồ sơ đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, bàn giao đất cho địa phương. Tuy nhiên, đến nay hiện trạng vẫn chưa có gì thay đổi so với thời điểm kiểm tra.
Tương tự, mỏ đá bazan của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Hưng Hào tại thôn Nghiện, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc đã hết hạn khai thác từ tháng 7/2022, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa hoàn trả mặt bằng. Phía trong mỏ cỏ cây mọc um tùm, trở thành bãi chăn gia súc của người dân địa phương...
Trao đổi về thực trạng trên, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sau khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn, Sở có văn bản hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định. Hầu hết các đơn vị đều lập hồ sơ và được UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định đóng cửa mỏ. Đến nay đã có 206 mỏ hoàn trả mặt bằng, bàn giao đất cho địa phương quản lý, chỉ còn 10 mỏ chưa thực hiện như: Mỏ đá của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Khánh Thành, tại xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân; mỏ cát của Công ty TNHH xây dựng thương mại và khai thác khoáng sản Trường An, xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa; mỏ đá của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Nam Phương, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân... "Trong thời gian tới, Sở tiếp tục đôn đốc, nếu đơn vị nào không thực hiện sẽ xử lý theo quy định”, đại diện Sở này cho hay.
Theo quy định tại Điểm i, Khoản 2, Điều 55 Luật Khoáng sản năm 2010: Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có nghĩa vụ đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát các Giấy phép khai thác khoáng sản đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh cấp trên địa bàn đã hết thời hạn khai thác nhưng chưa thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường; lập danh sách gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước để tổng hợp, hướng dẫn và yêu cầu các đơn vị thực hiện. Đến nay nhiều địa phương, chủ mỏ vẫn chưa thực hiện theo quy định.