Vụ thai phụ tử vong dưới hố công trình: Cần siết chặt hơn nữa khâu an toàn trong thi công dự án
Hơn 20 ngày sau sự cố thương tâm cướp đi tính mạng của một thai phụ ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, việc đúng – sai, trách nhiệm thuộc về ai sẽ sớm được làm rõ. Tuy nhiên để những cái chết thương tâm không còn xảy ra thì các biện pháp an toàn trong thi công phải cần phải siết chặt hơn nữa.
Ngày 1/12, trao đổi với báo chí, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, Dự án Đường dây và Trạm biến áp 110kW đi qua địa bàn huyện do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 135 tỉ đồng.
Được biết, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần xây dựng điện VNECO4 (có địa chỉ đóng tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).
Dự án này đi qua địa phận của 2 huyện là Lộc Hà và Can Lộc. Đến nay công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án đã cơ bản hoàn thành.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Lộc Hà, trách nhiệm của huyện là giải phóng mặt bằng cho dự án từ cột số 19 đến cột số 46. Vị trí thai phụ N.T.N. (36 tuổi, trú xã Bình An, huyện Lộc Hà) rơi xuống hố công trình dẫn tới tử vong thuộc cột số 35 (nằm trên địa phận thôn Thanh Lương, xã Phù Lưu) của dự án. Tại vị trí này đang vướng đất của 2 hộ dân với diện tích hơn 470m2.
“Do đang vướng mắc về giá cả nên chưa đền bù giải phóng mặt bằng xong, có thể khẳng định thời điểm đó (Ngày 11/11/2023), chúng tôi chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn thì sau khi xảy ra sự việc, để đảm bảo tính chính xác và khách quan, phía Công an cũng đã làm việc với Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Lộc Hà để nắm hồ sơ, phục vụ cho quá trình điều tra.
Trước đó, như Báo Công lý đã đưa tin, vào khoảng 11h30’ ngày 11/11, chị N.T.N. (36 tuổi, ngụ xã Bình An, huyện Lộc Hà) đi bắt ốc, khi lại khu vực hố công trình (tại cánh đồng Bịp, thuộc địa phận thôn Thanh Lương, xã Phù Lưu) đã không may trượt chân rơi xuống khiến đuối nước tử vong.
Ông Nguyền Đức Quang, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu xác nhận hiện trường vụ việc là hố công trình thuộc Dự án Đường dây và Trạm biến áp 110kW.
“Hố cột điện này rộng khoảng 40m2, có nơi nước sâu khoảng 2m. Do vướng mặt bằng nên quá trình đào xong hố, đơn vị thi công đã dừng lại, xung quanh hố họ có cắm cọc và căng dây, tuy nhiên do thời gian dài, trâu bò đã phá hỏng”, ông Quang nói.
Nhiều người dân sống ở gần khu vực xảy ra sự việc tỏ ra bức xúc, cho rằng việc đơn vị thi công đào hố to và sâu nhưng không cắm biển cảnh báo nguy hiểm thì chẳng khác nào tạo ra những chiếc “bẫy chết người”. Sau khi xảy ra vụ việc, xung quanh hố đã được căng lại dây và cắm biển cảnh báo hố sâu.
Hoàn cảnh của gia đình nạn nhân đặc biệt khó khăn. Bản thân chị N. đang mai thai tháng thứ 4, còn người chồng là anh Lê Ngọc Vượng (44 tuổi) thì bị tai nạn chấn thương sọ não. Sau tai nạn, anh Vượng không được bình thường, lúc nhớ lúc quên, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều do chị N. cáng đáng.
Để có tiền điều trị cho anh Vượng, vợ chồng chị N. đã phải vay nợ gần 600 triệu đồng. Khi bệnh tình anh Vượng đã có chút chuyển biến thì tai hoạ lại ập xuống, chị N. ra đi mãi mãi trong lúc đi mò cua, bắt ốc… bỏ lại 3 đứa con nhỏ bơ vơ.
Câu chuyện ai đúng, ai sai sẽ chờ kết luận của của cơ quan điều tra, tuy nhiên để không còn xảy ra những cái chết đau lòng tương tự thì trước hết người dân cần cảnh giác cao tại các điểm thi công dự án, các vị trí nguy hiểm. Đặc biệt, khâu an toàn trong quá trình thi công phải được siết chặt, đặt an toàn tính mạng của người thi công cũng như người dân lên trên hết.