Kinh tế

Kiên định mục tiêu xuất nhập khẩu bền vững

PV 01/12/2023 - 15:00

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030 coi trọng việc xuất nhập khẩu hàng hóa bền vững, hài hòa về cơ cấu hàng hóa và cán cân thương mại.

Thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 587,68 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 6,4%; nhập khẩu giảm 11,7%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,44 tỷ USD.

Hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn suốt từ đầu năm đến nay do những ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế thế giới. Tuy nhiên, điểm tích cực là các mặt hàng có giá trị vẫn giữ được thị phần riêng.

Đáng chú ý, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi rõ rệt. Một số mặt hàng xuất khẩu như: Đồ bảo hộ lao động, bộ comple, quần áo y tế, quần jeans tăng nhanh… Đặc biệt, các mặt hàng có nguyên liệu hữu cơ, thân thiện với môi trường như vải được dệt từ sợi tre, sợi sen... được các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản... đặc biệt ưa chuộng.

ewgewgege(1).jpg
Ảnh minh họa.

Hoặc với mặt hàng gạo, theo Bộ Công Thương, trong kết quả xuất khẩu gạo 11 tháng qua, cơ cấu chủng loại gạo và chất lượng gạo xuất khẩu tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao để gia tăng giá trị cho hạt gạo.

Cụ thể, chủng loại gạo trắng thường đạt khoảng 55,5% tổng lượng xuất khẩu (tương đương khoảng 3,56 triệu tấn); tiếp đến chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 24% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 1,5 triệu tấn); chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8,5% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 545 nghìn tấn); gạo tấm chiếm 7,6% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 487 nghìn tấn).

Với mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.

Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau:

Một là, xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030. Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026 - 2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt.

Hai là, xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường cân đối, hài hòa. Tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng. Đồng thời, đẩy mạnh các thông tin từ các thương vụ về các quy định mới của thị trường nước sở tại liên quan đến xuất nhập khẩu bền vững để kịp thời thông tin đến doanh nghiệp.

PV