Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Đại hội của 'Đổi mới-Dân chủ-Đoàn kết-Phát triển'
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra từ ngày 01-3/12 tại Hà Nội. Tại Đại hội lần này có nhiều điểm mới trong cách thức tổ chức.
Một số điểm mới trong cách thức tổ chức đại hội thể như:
- Tăng cường thảo luận, mở 10 diễn đàn chuyên đề để thảo luận, đề xuất sáng kiến cho 10 vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức công đoàn. Các diễn đàn được tổ chức trước ngày đại hội chính thức diễn ra nhằm sớm thu thập các ý kiến, đề xuất để tổng hợp, tiếp thu vào văn kiện đại hội và hình thành các giải pháp tổ chức thực hiện nghị quyết.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong tổ chức và phục vụ Đại hội. Thiết kế, vận hành ứng dụng về đại hội (app) trên thiết bị di động để cung cấp thông tin, tài liệu, trao đổi, tương tác với đại biểu.
- Công tác truyền thông, trang trí khánh tiết được triển khai bài bản, sâu rộng trong hệ thống công đoàn, trên tất cả phương tiện, nền tảng truyền thông.
- Chương trình nghệ thuật được đầu tư kỹ càng về nội dung, ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo điểm nhấn, không khí hào hứng phân khởi trong phiên khai mạc Đại hội.
- Các chương trình chào mừng thành công Đại hội sẽ được lồng ghép với các hoạt động chăm lo cho NLĐ; trao tặng các món quà từ Đại hội đến đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng, triển khai kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, 1 trong những điểm mới là tăng cường thảo luận thông qua tổ chức 10 diễn đàn chuyên đề. 1.100 đại biểu dự Đại hội sẽ tham gia thảo luận tại 10 diễn đàn, đề xuất sáng kiến để giải quyết những vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn trong tình hình mới. Các diễn đàn được đồng thời tổ chức vào ngày 30/11 tại các Bộ, tập đoàn, tổng công ty lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại Diễn đàn số 1 với chủ đề “Đổi mới công tác tập hợp, vận động người lao động vào tổ chức công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở”, các đại biểu tập trung thảo luận những kết quả, thuận lợi, khó khăn từ việc thực hiện các quy định của pháp luật, Điều lệ Công đoàn. Cũng như việc thực hiện công tác vận động, tập hợp người lao động tham gia tổ chức công đoàn và nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở. Trên cơ sở đó, đề ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác vận động, tập chủ tịch bộ công đoàn cơ sở trong tình hình mới.
Với chủ đề “Đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ” của Diễn đàn số 2, các đại biểu thảo luận về giải pháp đẩy mạnh các phong trào thi đua trong CNVCLĐ và các cấp Công đoàn. Bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai hiệu quả các phong trào thi đua; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các các phong trào thi đua.
Ở Diễn đàn số 3, với chủ đề “Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc”, các đại biểu đã chỉ ra thực trạng hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể thời gian qua. Xác định những điểm “nghẽn”, những bất cập, “khoảng cách” giữa mong muốn của đoàn viên, người lao động, các đối tác 3 bên đối với tổ chức công đoàn trong công tác đối thoại, thương lượng tập thể. Đồng thời dự báo diễn biến, bối cảnh quan hệ lao động thời gian tới để xác định tầm nhìn, trọng tâm ưu tiên và tìm kiếm giải pháp hữu hiệu giai đoạn 2023 - 2028, góp phần xây dựng xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, phát triển bền vững doanh nghiệp.
Chủ đề của Diễn đàn số 4 là “Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức công đoàn đảm bảo quyền lợi của NLĐ”, các đại biểu đã tập trung làm rõ vì sao công đoàn cần chủ động, tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Các cấp công đoàn cần làm gì và làm như thế nào để tham gia xây dựng chính sách, pháp luật hiệu quả nhất để đảm bảo quyền lợi của người lao động trong tình hình mới…
Chủ đề của Diễn đàn số 5 là "Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn”. Diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung:
- Công tác xây dựng tài chính công đoàn phát triển bền vững. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về tài chính, tài sản công đoàn. Tăng cường công tác quản lý thu tài chính công đoàn. Chi tài chính công đoàn tiết kiệm, hiệu quả; tăng chi trực tiếp cho đoàn viên, người lao động; Nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, chăm lo lợi ích đoàn viên, người lao động.
- Đổi mới cơ chế phân cấp tài chính công đoàn theo hướng toàn diện, triệt để. Quản lý chặt chẽ tài sản công đoàn. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở thực hiện công khai tài chính, đảm bảo minh bạch. Thực hiện kiểm toán tài chính đối với các công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước có đông đoàn viên, người lao động.
- Tiếp tục rà soát, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị kinh tế, đơn vị sự nghiệp công đoàn, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Thực hiện cơ chế giao tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công đoàn theo mục tiêu của Nghị quyết 19-NQ/TW. Đẩy mạnh việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp công đoàn; đổi mới quản lý vốn của tổ chức công đoàn đầu tư vào doanh nghiệp.
Chủ đề của Diễn đàn số 6 là “Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động công đoàn”. Các tham luận được trình bày cùng hoạt động thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn xoay quanh hoạt động giám sát của Ủy ban kiểm tra Công đoàn các cấp về việc thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của tổ chức Công đoàn, của Đảng, Nhà nước; việc tổ chức các hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ; việc xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn; công tác kiểm tra tài chính...
Chủ đề của Diễn đàn số 7 là “Nâng cao chất lượng công tác nữ công; bảo vệ quyền lợi của lao động nữ và trẻ em; xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc”. Diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung:
- Các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Ban nữ công quần chúng và những vấn đề đặt ra đối với công tác nữ công tình hình mới. Nâng cao vai trò của Ban Nữ công trong đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo đảm việc làm bền vững cho lao động nữ.
- Vai trò của Ban Nữ công trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Vai trò của ban nữ công công đoàn trong đổi mới nội dung, hoạt động và giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
- Kinh nghiệm trong đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động hỗ trợ nữ đoàn viên, người lao động về chăm sóc sức khỏe sinh sản và thúc đẩy mô hình “sức khỏe của bạn”.
- Những hoạt động thiết thực trong công tác chăm lo cho con CNLĐ, tạo sự gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp và công đoàn cơ sở. Kinh nghiệm triển khai hiệu quả chương trình phối hợp của các cấp Hội Phụ nữ với hoạt động Công đoàn.
Chủ đề của Diễn đàn số 8 là "Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung:
- Phiên thứ nhất với nội dung “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động CNVCLĐ xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh”, sẽ bàn những vấn đề cụ thể như: Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam; Tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động CNVCLĐ, góp phần xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn vững mạnh; Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân viên chức, lao động; Nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của CNVCLĐ; Nâng cao hiệu quả hoạt động Tháng Công nhân.
- Phiên thứ hai với nội dung:“Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, sẽ bàn những vấn đề cụ thể như: Tuyên truyền, giáo dục truyền thống vẻ vang của Đảng, của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị trong CNVCLĐ; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của CNVCLĐ, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội trong tham gia quản lý các hoạt động thông tin, truyền thông, nhất là trên Internet và mạng xã hội, góp phần ngăn ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc đăng tin và phát tán thông tin, quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước; Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong CNVCLĐ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; Nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt dư luận xã hội trong CNVCLĐ, nhất là người lao động là dân tộc thiểu số.
Chủ đề của Diễn đàn số 9 là "Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại công đoàn, phát huy vai trò công đoàn ngành tham gia hội nhập quốc tế”.
Diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung:
- Phân tích, làm rõ bối cảnh của hội nhập quốc tế hiện nay, nhận định những khó khăn, thách thức, đồng thời xác định vai trò của tổ chức công đoàn Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập của đất nước, đóng góp vào công tác đối ngoại nhân dân.
- Đánh giá hoạt động đối ngoại trong thời gian vừa qua, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất sáng kiến, giải pháp phát triển bền vững đối với hoạt động đối ngoại công đoàn song phương, tham gia ngày càng hiệu quả trong các cơ chế đa phương; khai thác hiệu quả nguồn lực quốc tế nhằm nâng cao năng lực hoạt động và công tác nghiên cứu của tổ chức công đoàn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Chủ đề của Diễn đàn số 10 là “Các giải pháp nắm chắc tình hình công nhân, ổn định quan hệ lao động, đảm bảo an ninh trong công nhân”.
Diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung:
- Tăng cường đối thoại, thương lượng tập thể, chăm lo, đảm bảo quyền lợi của NLĐ, giải pháp ổn định quan hệ lao động tại cơ sở. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách pháp luật và vai trò lực lượng công nhân nòng cốt nắm bắt tình hình công nhân lao động.Phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh tại cơ sở, chăm lo bảo vệ người lao động.
- Công tác phối hợp với lực lượng Công an triển khai các hoạt động đảm bảo an ninh, trật tự cơ sở vì cuộc sống bình yên trong công nhân; triển khai xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” và đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ công nhân lao động trong mọi tình huống.Xây dựng mô hình tự quản trong công nhân lao động ở các khu công nghiệp, tiếp nhận xử lý kịp thời những bức xúc trong công nhân, ổn định quan hệ lao động.
- Giải pháp chủ yếu đảm bảo an ninh công nhân, phòng ngừa đấu tranh, ngăn chặn âm mưu xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.