Đà Nẵng nhận giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2023
Ngày 30/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Lễ Vinh danh và Trao Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023 lần thứ IV. TP. Đà Nẵng là địa phương lần thứ 4 liên tiếp vinh dự được trao giải thưởng này.
Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động thúc đẩy xây dựng và phát triển thành phố thông minh do VINASA tổ chức.
Giải thưởng được tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm tôn vinh, khích lệ các tỉnh, thành phố, các nhà đầu tư bất động sản, bất động sản công nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ với những giải pháp giúp các đô thị phát triển thông minh hơn, bền vững hơn, mang lại tiện ích cho người dân, đồng thời kết nối cung cầu, hợp tác trong xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.
Theo báo cáo Bộ Xây dựng năm 2022, sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh, hơn 40 địa phương đã triển khai IOC cấp tỉnh, và gần 100 IOC cấp huyện.
Các đô thị hiện tại triển khai phát triển hệ thống IOC và các tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo.
Hưởng ứng và đồng hành với các chủ trương chính sách của Chính phủ, Giải thưởng Thành phố Thông minh không chỉ là sự công nhận những nỗ lực, thành tích của chính quyền các cấp, mà còn là động lực để thúc đẩy phát triển. Đến nay, đã có 142 giải thưởng đã được trao, trong đó có 23 giải cho các Đô thị, 03 giải dành cho các dự án Bất động sản, và 116 giải dành cho các giải pháp công nghệ.
Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023 được phát động từ ngày 20/07/2023. Sau gần 3 tháng triển khai, Giải thưởng đã nhận được 100 đề cử. Qua 03 vòng đánh giá Sơ tuyển, Thuyết trình và Chung tuyển đã lựa chọn trao 32 Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023 bao gồm: 07 giải thưởng cho 4 đơn vị quản lý đô thị; 01 giải thưởng dành cho Bất động sản công nghiệp, và 24 giải thưởng dành cho các dịch vụ, giải pháp công nghệ xuất sắc.
Cùng với xu hướng chuyển đổi số toàn diện, chính quyền đô thị từ cấp trung ương đến địa phương đến nay đều đã xây dựng đề án thành phố thông minh, tập trung trước tiên vào thông minh hóa hệ thống quản lý, vận hành chính quyền đô thị, thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số.
Ghi nhận tại Giải thưởng và Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam 2023, nhiều thành phố, đô thị đã chuyển sang giai đoạn 2 - Xây dựng thành phố thông minh, bền vững, hướng trọng tâm đến người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp không chỉ là đối tượng thụ hưởng nữa mà đã là thành phần quan trọng, tham gia vào hệ thống kết nối, đô thị thông minh của các thành phố.
Điển hình như hệ thống giám sát giám sát quan trắc môi trường của Tp. Đà Nẵng với hơn 70 camera thông minh, không chỉ quan trắc, phát hiện mà còn cho phép người dân cùng giám sát, báo cáo khi phát hiện vấn đề. Hệ thống kết hợp với 66 trạm quan trắc tự động, 15 hệ thống lấy mẫu nước thải tự động, giúp xử lý hiệu quả nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường của thành phố.
Đà Nẵng coi Dữ liệu số là “huyết mạch” để xây dựng thành phố thông minh. Chủ tịch UBND Đà Nẵng trực tiếp vào cuộc chỉ đạo xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất và tập trung. Trung tâm IOC thế hệ mới của thành phố đóng vai trò là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các OC quận/huyện, OC chuyên ngành và các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng…
Phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp để lãnh đạo có thông tin chỉ đạo, điều hành; chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan, phục vụ quản lý nhà nước; công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ chính quyền đô thị. Đến nay, thành phố đã cung cấp gần 1.000 tập dữ liệu trên Cổng Dữ liệu mở thành phố (tăng 400 tập dữ liệu so với cuối năm 2022), tích hợp, chia sẻ gần 100 tập dữ liệu từ Cổng Dữ liệu mở thành phố lên Cổng Dữ liệu quốc gia".
Theo ông Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất – Bộ não của Đô thị thông minh: “Trong một đô thị thông minh, dữ liệu, thông tin, tri thức đều có thể và cần được ghi lại dưới dạng dữ liệu số. Như vậy, năng lực dữ liệu chính là năng lực thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin và tri thức, quyết định mức độ thông minh của đô thị. Chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất sẽ tạo điều kiện xây dựng các đô thị thông minh, phát triển bền vững trong dài hạn dù có bất cứ sự thay đổi về cơ chế quản lý, nhà cũng cấp giải pháp, hay các chỉ tiêu phát triển”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, chia sẻ: “Phát triển đô thị thông minh tại địa phương phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa. Cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế -xã hội”.