Thay đổi tư duy về xóa đói giảm nghèo
Nếu như nhu cầu hỗ trợ của người nghèo vào những năm 90 của thế kỷ XX chỉ giới hạn đến nhu cầu "ăn no, mặc ấm", thì ngày nay, người nghèo còn có nhu cầu được hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, y tế, văn hóa…
Trong hơn 35 năm tiến hành đổi mới, việc bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) ở nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Về chính sách ưu đãi xã hội, so với mô hình phổ biến trên thế giới, hệ thống ASXH ở Việt Nam có một cấu phần đặc thù, đó là chính sách ưu đãi người có công.
Chính sách này nhằm thực hiện mục tiêu cao cả là đền ơn, đáp nghĩa đối với sự hy sinh, công lao đặc biệt và cống hiến to lớn của những người có công với cách mạng, với đất nước; thực hiện trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội chăm lo, bảo đảm cho người có công có cuộc sống ổn định và ngày càng được cải thiện, nhất là từ khi có Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19-7/2017, của Ban Bí thư, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.
Chính sách ưu đãi xã hội đã mở rộng đối tượng, từng bước nâng mức trợ cấp chính sách ưu đãi người có công phù hợp điều kiện kinh tế của đất nước (Mức chuẩn trợ cấp năm 2015, tăng 71,2% so với năm 2010).
Theo đó, tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với người có công tăng từ 21 ngàn tỷ năm 2011 lên trên 32 ngàn tỷ đồng năm 2015. Việc triển khai thực hiện chính sách bảo đảm đúng, đủ và kịp thời tới đối tượng được hưởng. Đời sống người có công không ngừng được cải thiện, đến cuối năm 2015 có 98,5% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình hộ dân cư nơi cư trú, tăng thêm 8,5% số hộ so với năm 2010.
Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó, số người đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng gần 1,4 triệu người; trên 500 nghìn thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng được mở rộng, số người tham gia tăng từ 9,5 triệu người năm 2010 lên 14,7 triệu người năm 2018 (chiếm 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi). Giai đoạn 2021 -6/2023 mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng.
Về công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, trong hơn 35 năm đổi mới, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác xóa đói, giảm nghèo. Theo đó, thời gian qua Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động xóa đói giảm nghèo cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Trong đó, việc thống nhất quan niệm đói nghèo của Việt Nam được thay đổi và ngày một gần với quan niệm đói nghèo của thế giới.
Nếu như nhu cầu hỗ trợ của người nghèo vào những năm 90 của thế kỷ XX chỉ giới hạn đến nhu cầu "ăn no, mặc ấm", thì ngày nay, người nghèo còn có nhu cầu được hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, y tế, văn hóa..., tiếp đến là nhu cầu được trợ giúp để hạn chế rủi ro, được quyền tham gia nhiều hơn và có hiệu quả hơn vào các hoạt động của xã hội.
Điều này cho thấy Việt Nam đang hướng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững. Việc xây dựng chuẩn nghèo sẽ theo hướng sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,76% năm 2011 xuống còn khoảng 2,75%năm 2020 theo chuẩn nghèo 2016-2020, bình quân mỗi năm giảm hơn 1,4%, hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra (1-1,5%/năm).
Hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản được phát triển và mở rộng, nhất là về chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thông tin, cung cấp điện, nước sinh hoạt, nhà ở cho người nghèo, người có công với cách mạng…; có cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chất lượng các dịch vụ nhiều mặt được cải thiện.
Tuy nhiên, cùng với những những thành tựu trên, bảo đảm ASXH của Việt Nam cũng gặp phải hạn chế. Đó là việc bao phủ và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… chưa đạt được như kỳ vọng, tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức còn lớn, phân hóa giàu - nghèo gia tăng, việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, như Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Giảm nghèo chưa bền vững, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu - nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập,…
Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập… bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội có mặt còn hạn chế; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hòa”.
Tại các phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị cần đổi mới tư duy trong quan điểm xây dựng chính sách giảm nghèo theo hướng đầu tư cho con người thực tế, bởi hiệu quả công tác giảm nghèo không thể chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng mà điều quan trọng hơn, cốt lõi hơn đó chính là phải thiết kế được những chính sách mềm dựa trên nhu cầu của người dân và phải tập trung thay đổi chủ thể là người dân, đó là đầu tư cho sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề và sinh kế cho người dân.