Chính trị

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho tiếp cận tài liệu lưu trữ

Duy Tuấn 27/11/2023 - 17:02

Thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), chiều 27/11, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho việc tiếp cận, khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ; phát huy tốt những giá trị của tài liệu lưu trữ, phục vụ nhu cầu xã hội, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, tài liệu lưu trữ là nguồn sử liệu chính xác, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, chiến lược phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh toàn bộ lịch sử hình thành, phát triển cũng như đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia và từng địa phương.

271120230359-pham-trong-nghia.jpeg
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

Để phát huy tốt vai trò của tài liệu lưu trữ, ngoài việc bảo quản an toàn tài liệu, bảo mật thông tin của tài liệu lưu trữ, cần quan tâm đến công tác sử dụng, khai thác và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.

Khoản 3 khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật xác định nguyên tắc sử dụng rộng rãi, công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài liệu lưu trữ. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở một số quy định liên quan đến việc khai thác tài liệu lưu trữ. Đại biểu đề nghị nghiên cứu kết cấu một chương riêng về khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ gồm cả tài liệu đã được số hóa.

Về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển lưu trữ điện tử, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, quy định của dự thảo Luật chưa chú trọng tới các quy trình nghiệp vụ lưu trữ điện tử. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát nội dung của dự thảo Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng, lưu trữ số trên cơ sở. Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về nghiệp vụ lưu trữ điện tử.

271120230340-cam-thi-man.jpeg
Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Về giải mật tài liệu lưu trữ, Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc nội dung giải mật tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức trong hoạt động ở thời điểm giải mật tài liệu tại khoản 3 Điều 27 để thống nhất với quy định tại khoản 5 Điều 22 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. ...

Khuyến khích hoạt động lưu trữ tư

Theo Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, hiện nay số lượng tài liệu lưu trữ tư trong cộng đồng là tương đối lớn. Tuy nhiên, các loại tài liệu này hiện nay phần lớn đang được lưu trữ dưới hình thức rất đơn giản, thậm chí là chủ yếu đang nằm trong rương, hòm tại các gia đình, dòng họ, chưa được đánh giá để phát huy giá trị vốn có của nó.

271120230259-hoang-minh-hieu.jpeg
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Chính vì vậy, đại biểu Hiếu cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất của việc quản lý của Nhà nước đối với hoạt động lưu trữ tư là khuyến khích người dân đăng ký để cơ quan nhà nước có thể thống kê đầy đủ thông tin về các tài liệu lưu trữ, nhất là đối với các tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt đang tồn tại trong cộng đồng.

Điều 45 của Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) hiện nay đang quy định về những chính sách hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư. Tuy nhiên, những quy định này mới chỉ dừng lại ở các quy định chung, đồng thời cũng chưa có quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung các chính sách này.

Để khuyến khích sự tự nguyện tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư, đại biểu Hiếu cho rằng, cần có thêm những chính sách cho phép người dân đăng ký để được đánh giá giá trị của các tài liệu lưu trữ một cách miễn phí. Bên cạnh đó, thay vì chỉ quy định để cá nhân, tổ chức được ký gửi miễn phí tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt vào Lưu trữ lịch sử, dự thảo Luật nên quy định các cơ quan lưu trữ nhà nước có thể ký hợp đồng bảo quản miễn phí hoặc có chi phí thấp đối với các kho tài liệu lưu trữ của các gia đình, dòng họ, tổ chức có số lượng tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt ở một quy mô nhất định.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, dự thảo đã dành một Chương riêng về lưu trữ tư, nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các quy định Nhà nước hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư để đảm bảo tính khả thi.

271120230249-dieu-huynh-sang.jpeg
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần bổ sung làm rõ quyền sở hữu của tổ chức cá nhân đối với tài liệu lưu trữ tư để quy tụ trí tuệ và di sản giá trị ở khu vực tư nhân trong hệ thống tài liệu lưu trữ chung của địa phương, của quốc gia.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, làm rõ hơn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đối với các tài liệu lưu trữ tư, đảm bảo thống nhất với các quy định nội tại trong luật, rà soát bổ sung quy định về thẩm quyền, thủ tục đưa tài liệu lưu trữ tư có giá trị làm việc vào kho lưu trữ quốc gia.

Duy Tuấn