Hàng loạt công trình nước sạch tiền tỉ nằm "đắp chiếu"
Đời sống - Ngày đăng : 16:52, 11/10/2015
Khi vừa đặt chân đến thôn 6 (xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) chúng tôi hỏi nơi công trình nước sạch của xã đang “đóng đô” thì gặp không ít bức xúc của người dân. Theo người dân nơi đây, công trình trên hoạt động được 3 tháng rồi “đắp chiếu” trong khi bà con ngày ngày phải đi hàng cây số để gánh nước về sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Khiêm (SN 1957) bức xúc nói: “Công trình nước sạch được đưa vào hoạt động từ đầu năm nay, được vài tháng thì ngưng hoạt động, bà con lại phải đi gánh nước giếng về dùng. Nhưng mùa nắng nóng các giếng đều cạn khô nên việc gánh nước cũng rất khó khăn”.
Thôn 6, xã Bình Lãnh, được nhiều người biết đến với cái tên “làng ung thư”. Từ năm 2010 đến nay, đã có rất nhiều người mất vì căn bệnh này. Theo các vị lớn tuổi trong thôn cho biết, từ 1965 đến 1968, lính Mỹ đã 2 lần rải chất khai quang xuống khu vực này. Mỗi lần như vậy có khoảng 4-5 chiếc máy bay, dàn hàng ngang bay xuống từ hướng Núi Gai (Bình Lãnh), hóa chất rải xuống mù mịt cả một khoảng trời. Nhiều người dân cho rằng, chính những hóa chất ấy đã ngấm xuống lòng đất, len vào các mạch nước ngầm khiến cho nguồn nước họ sử dụng bị nhiễm hóa chất, từ đó gây ra hậu họa làng ung thư bây giờ.
Công trình nước sạch xã Bình Lãnh chỉ hoạt động được 3 tháng
Sau nhiều năm “kêu cứu”, các cơ quan chức năng đã tổ chức lấy mẫu nước xét nghiệm. Năm 2014, nhà nước đầu tư xây dựng tại đồi Cao Ngạn (thôn 5) một công trình nước sạch để phục vụ cho nhân dân thôn 5 và thôn 6. Sau khi xây dựng xong thì bàn giao lại cho HTX của địa phương quản lý. Thế nhưng, nguồn nước về làng được 3 tháng thì công trình nước sạch lại hết nước.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo bờ hồ La Ngà lên đồi Cao Ngạn, nơi có công trình nước sạch nói trên. Công trình này gồm nhà làm việc, 1 bể lọc, 2 bể chứa. Cửa công trình đóng đã lâu, khuôn viên nhà điều hành cỏ mọc um tùm, bảng hiệu còn dựng tựa bên ngoài tường nhà điều hành chưa kịp gắn lên, các bể nước khô cong.
Từ thôn 5, chúng tôi men theo con đường đất ngoằn ngoèo sang thôn 6. Giữa trưa nắng gắt, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp những người đi chở nước. Chị Lê Thị Cúc (SN 1967, đội 12, thôn 6) cho biết, nhà chị có 7 người nên nhu cầu nước sinh hoạt rất cao. Mùa hè qua, các giếng trong thôn đều khô cạn nên chị phải đi rất xa để chở nước về sinh hoạt.
Còn chị Hồ Thị Liên (SN 1975, đội 12) thì cho biết, phải gánh nước cách nhà nửa cây số nhưng vẫn là nước phèn nên chị bóp bụng mua nước suối đóng bình về uống và nấu ăn, còn chở nước giếng về để tắm rửa, giặt giũ. Chị lo lắng, nếu cứ đà này thì gia đình chị không đủ tiền để mua nước uống thường xuyên.
Chị Lê Thị Cúc tranh thủ đi chở nước giếng giữa giờ trưa
Trao đổi với ông Thái Ngọc Điệp, Phó chủ nhiệm HTX thì được biết, công trình nước sạch được nhà nước đầu tư 5,7 tỉ đồng, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2015 nhưng chỉ hoạt động được 3 tháng thì ngưng cho đến nay. Nguyên nhân chính là do không có kinh phí vận hành, duy tu, bảo trì công trình và người dân chưa có thói quen sử dụng nước sạch.
Anh Lê Tuân (SN 1990), người được giao quản lý, vận hành hệ thống nước sạch kể thêm, mỗi tháng chi phí khoảng 3 triệu, gồm tiền điện, tiền mua chất sát khuẩn và tiền lương của người quản lý nhưng tiền thu từ phí sử dụng nước của người dân chỉ khoảng 1,5 triệu.
Theo anh Tuân, hầu hết người dân chỉ sử dụng nước để ăn uống, còn tắm rửa họ vẫn dùng nước giếng. Do đó, số lượng nước tiêu dùng rất ít, có hộ mỗi tháng chỉ dùng 1 m3 nước. Trong khi đó, để thu được tiền 1m3 nước này anh phải đi lại những 2 - 3 lần. Trong khi đó, tháng nào HTX cũng bù lỗ nên không có kinh phí để khắc phục. Mỗi tháng đơn vị lỗ gần 2 triệu đồng, bản thân anh làm 3 tháng nhưng chỉ nhận được 1 tháng lương (900 ngàn đồng).
Nước giếng tại thôn 5, thôn 6 xã Bình Lãnh hầu như đã khô cạn
Bao nhiêu năm nay bà Trần Thị An dùng nước từ “hệ thống” lọc tự chế
Từ xã Bình Lãnh đi qua các xã Bình Trị, Bình Trung… chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều công trình nước sạch đang “đắp chiếu”. Nhà bà Trần Thị An (SN 1960, thôn Kế Xuyên 2, xã Bình Trung) cách công trình nước sạch chỉ có 10m, thế nhưng bao năm nay bà không có nước sạch để sử dụng. Vì nước nhiễm phèn nên bà tự làm thùng lọc để bảo vệ sức khỏe của gia đình mình. Tuy nhiên cách lọc này không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. “Tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, khôi phục lại hoạt động của công trình nước sạch để nhân dân chúng tôi thuận lợi trong đời sống”, bà An nói.
Công trình nước sạch xã Bình Trung đã ngưng hoạt động
Ông Nguyễn Quang, chuyên viên phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thăng Bình cho biết, hiện nay huyện Thăng Bình có 12 công trình nước sạch nhưng trong đó có một nửa đã ngừng hoạt động. Theo ông nguyên nhân chính là do dân dùng nước không nhiều, chỉ có nấu ăn, tiền thu được không đủ chi phí duy trì hoạt động, kinh phí sửa chữa cũng không có nên không thể hoạt động.
Ông Quang cũng cho biết, hướng giải quyết sắp tới là kết nối hệ thống cấp nước ở một số xã ven quốc lộ 1A như Bình Trung, Bình Tú vào hệ thống của Công ty cấp thoát nước Quảng Nam. Riêng xã Bình Trị đã có kế hoạch khắc phục lại theo yêu cầu của người dân.