Thanh Hóa: Chủ động phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi (TLCP) có chiều hướng diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, cửa ngõ ra vào Thanh Hóa có dịch bùng phát, gây ảnh hưởng tới người chăn nuôi nhất là dịp cuối năm, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo khẩn trương khiển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch từ sớm.
Theo thống kê, Thanh Hóa là tỉnh có tổng đàn lợn lớn, với khoảng 1,3 triệu con, tập trung chủ yếu ở các huyện chăn nuôi trọng điểm như: Nông Cống, Yên Định, Triệu Sơn, Thọ Xuân... Các trại chăn nuôi lớn đã chủ động các biện pháp nhằm bảo vệ đàn lợn trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Chăn nuôi nhỏ lẻ, tại các hộ gia đình vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng đàn vật nuôi. Các hộ gia đình thiếu kiến thức, chưa đầu tư đúng mức cho công tác vệ sinh, an toàn, khi xảy ra dịch thường phát hiện muộn hoặc dấu dịch dẫn tới tình trạng tồi tệ hơn. Công tác quản lý tái đàn lợn ở nhiều nơi chưa chặt chẽ.
Càng vào dịp gần Tết nguyên đán, nhu cầu về nguồn thực phẩm liên quan tới thịt lợn tăng cao. Các chủ trang trại, chủ hộ chăn nuôi và các thương lái đẩy mạnh việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn gia tăng mạnh gây ảnh hưởng đến công tác kiểm soát dịch bệnh...
Trên cả nước đến nay đã có 44 tỉnh, thành phố có dịch TLCP, buộc phải tiêu hủy hơn 20 nghìn con lợn liên quan tới dịch TLCP. Phía bắc giáp Thanh Hóa có Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, cửa ngõ phía nam là Nghệ An đang bùng phát dịch bệnh rất phức tạp. Chưa kể những tháng cuối năm tình hình buôn bán, xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở tăng lên.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương về thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch TLCP. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường tổ chức lấy mẫu giám sát để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và đề xuất giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Lập các đội phản ứng nhanh để chỉ đạo, hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện, không để lây lan ra diện rộng.
Các lực lượng liên ngành sẽ kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn vào địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển lợn không đúng quy định.
Các địa phương khẩn trương, chủ động triển khai giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm khi bệnh dịch TLCP mới xuất hiện, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, không để phát sinh ổ dịch mới. Tổ chức cho các hộ chăn nuôi lợn ký cam kết không bán chạy, không vứt xác lợn ra môi trường. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, báo cáo chậm, giấu dịch bệnh.
Đồng thời, tập trung tổ chức triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường” để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao. Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Ngoài ra, rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc-xin. Bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, dụng cụ, hóa chất sát trùng, vôi bột, vắc-xin... để sẵn sàng ứng phó khi có dịch. Đảm bảo lực lượng chuyên môn thú y các cấp đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Các cơ quan chức năng, các địa phương cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tiêu thụ lợn cho người chăn nuôi những tháng cuối năm, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.