ĐBQH: Không nên mở rộng lĩnh vực bị cắt điện, nước
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), sáng nay (27/11), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị Ban soạn thảo chỉ nên áp dụng cắt điện, nước cho một số lĩnh vực thay vì mở rộng, vì sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân và người lao động.
Theo Điều 34 dự thảo luật, quy định về biện pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thủ đô sẽ "áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy đã bị lập biên bản vi phạm hành chính.
Hoặc với công trình đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được quy định tại dự thảo Luật".
Góp ý về quy định này, đại biểu Thạch Phước Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, cắt điện, nước với tính chất là biện pháp cưỡng chế hành chính được quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Xây dựng nhưng " đã hết hiệu lực".
Quốc hội sau đó, ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng “không quy định cắt điện nước là một biện pháp cưỡng chế hành chính, mặc dù rất nhiều bộ ngành, cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp này”. Lý do, theo đại biểu, biện pháp này sẽ gây ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân. Thậm chí, cũng ảnh hưởng đến đời sống của những người không vi phạm hành chính.
Về sản xuất kinh doanh, nếu áp dụng biện pháp cắt điện nước tại nhà xưởng, có thể xảy ra tình trạng người sử dụng lao động dồn người lao động về một khu nhà xưởng không bị cắt điện nước. Nếu cắt điện nước toàn bộ nhà xưởng có thể xảy ra tình trạng câu điện lậu, nguy cơ cháy nổ lại hiện hữu...
Phát biểu tranh luận, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết điểm b khoản 2, Điều 34 đặt vấn đề “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại một số điểm vi phạm”. Đại biểu cho rằng, biện pháp này “chỉ nên áp dụng cho một số lĩnh vực thôi chứ không nên tất cả”. Bên cạnh đó, chỉ áp dụng với các trường hợp đã bị lập biên bản xử phạt rồi, nhưng vẫn cứ tiếp tục vi phạm mà không chịu khắc phục.
“Trong điều kiện xuất phát từ vị trí, vai trò của Thủ đô - là trung tâm chính trị hành chính quốc gia và trung tâm văn hóa, kinh tế của cả nước. Hà Nội sẽ tập trung một lượng rất lớn cư dân và cũng như khách du lịch ở đây. Cho nên, yêu cầu về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an ninh đặt ra yêu cầu rất cao”, đại biểu Tám nêu quan điểm.
Đề nghị tăng đại biểu chuyên trách HĐND thành phố lên 40%
Góp ý cụ thể về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội quy định tại khoản 2 Điều 9, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125 đại biểu.
“Khi không còn HĐND quận, phường thì vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do HĐND thành phố đảm nhiệm. Do vậy, việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố là hợp lý”, đại biểu Nguyễn Quốc Luận nói.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong dự thảo Luật đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25% là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND thành phố Hà Nội.
Do vậy, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo "cần xem xét nâng tỷ lệ đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách có thể lên ít nhất là 30 hoặc 40% như đối với ĐBQH để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố".
Đồng thời, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm thẩm quyền cho Thường trực HĐND thành phố trong việc cho ý kiến thống nhất với UBND thành phố giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các kỳ họp của HĐND để tạo tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ của UBND thành phố Hà Nội.
Tương tự như vậy, Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên từ 25-30%.
Đại biểu kiến nghị, có quy định đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động của HĐND thành phố; HĐND quận, thị xã tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị để tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường không tổ chức HĐND…
* Giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, các ý kiến phát biểu đều thống nhất cao với sự cần thiết ban hành luật này. Dự án Luật có cơ sở pháp lý, chính trị và thực tiễn rất rõ ràng; có tính thuyết phục; xây dựng các cơ chế đặc thù cho thủ đô cả nước, không phải riêng cho Tp. Hà Nội.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của ĐBQH cùng với Thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ, báo cáo UBTVQH tiếp tục hoàn thiện dự án Luật để xem xét cho ý kiến thông qua tại kỳ họp sau.