Chủ tịch Phan Văn Mãi đề xuất đầu tư mạnh nguồn lực quốc gia để Đông Nam Bộ phát triển
Chiều 26/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 2 với chủ đề tham vấn quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vùng Đông Nam Bộ gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Năm 2022, GRDP vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước.
Với tiềm năng rất đặc biệt về con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định vùng Đông Nam Bộ có đủ điều kiện trở thành trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội, là đầu tàu và hình mẫu phát triển của cả nước.
Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ đang đối mặt 2 bất cập lớn. Thứ nhất, tiềm năng của vùng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Thứ hai, hạ tầng chiến lược chưa tương ứng để phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất, vùng Đông Nam Bộ phải chọn kịch bản phát triển cao, là vùng kinh tế trọng điểm số 1, có năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế.
Do vậy, cần nguồn lực quốc gia để đầu tư phát triển cho vùng này. Thậm chí giai đoạn từ đây đến năm 2030, phải đầu tư đến 30 - 50% nguồn lực quốc gia thì mới có được một đầu tàu, bứt tốc trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng từ đây đến năm 2030 có thể chấp nhận tăng trưởng dưới 8%, nhưng sau 2030 phải tăng trưởng 2 con số và duy trì bền vững trong 10 - 20 năm sau. Vì vậy, cần cơ chế đặc biệt quốc gia cho vùng này chứ không chỉ gói gọn trong cơ chế vùng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất: “Cần có sự mở rộng không gian kinh tế của Đông Nam Bộ, vùng sẽ nhận lãnh vai trò khoa học công nghệ là công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao. Từ đây sẽ lan tỏa các vùng khác và cả nước, đó cũng là đầu mối để tiếp nhận từ bên ngoài, từ khu vực và thế giới”.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, cần đặt lại đúng vị thế tứ giác TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu là vùng năng động bậc nhất khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 và năng động tầm châu Á và thế giới sau đó.
Ông cũng đề nghị không nên hạn chế năng lực phát triển của hệ thống cảng Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải và cả cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, thậm chí có thể nhân đôi, nhân ba năng lực này. Mục tiêu cao nhất là tạo động lực hạ tầng, nhằm kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long hay trở ngược ra miền Trung.
Cũng tại Hội nghị, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, đề xuất cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối liên vùng, kết nối quốc tế thông qua cảng trung chuyển, sân bay quốc tế. Về quy hoạch vùng, TP.HCM là lõi của khu vực trung tâm nên cần đảm bảo quy hoạch TP.HCM có tính kết nối, tạo ra sự thống nhất cao.
Ông Tự Anh nhấn mạnh việc lập quy hoạch đã khó, thực thi quy hoạch khó hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi nguồn lực đầu tư, cơ chế, quản trị kết nối vùng. Tuy nhiên, ba điều kiện này chưa được hội tụ đủ để đưa vùng Đông Nam Bộ đi đến quỹ đạo tăng trưởng cao.
Do vậy, chuyên gia này mong Thủ tướng, bộ, ngành huy động nguồn lực, cơ chế để có phương thức triển khai, thực thi hiệu quả, để quy hoạch vùng đi vào thực tế, giúp vùng Đông Nam Bộ phát triển.