“Nhất định sang năm 2024, chúng ta phải gỡ thẻ vàng”
Phát biểu tại Hội nghị Công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) chiều 25/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh: “Yêu cầu cấp bách là chúng ta vượt lên phía trước, bắt tay thi đua và nhất định sang năm 2024, chúng ta phải gỡ thẻ vàng”.
Kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cá còn nhiều bất cập
Báo cáo công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cá, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (Cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trung cho biết, đến tháng 10/2023, cả nước có tổng số tàu cá với chiều dài từ 6m trở lên khoảng 83.427 tàu. Số tàu đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu VNFisbase là 72.217 chiếc, trong đó 29.341 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên. Hiện còn khoảng 11.210 tàu chưa đăng ký, cập nhật trên VNFisbase, giảm 3.393 chiếc so với tháng 12/2022 do hư hỏng, không còn tồn tại trên thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, tổng số hạn ngạch đã xác định và công bố là 84.125 giấy phép...
Đối với số khu neo đậu tránh trú bão công bố mới đạt 48,63% quy hoạch, công suất các khu neo đậu mới đạt 43% quy hoạch và 43,76% tổng số tàu cá của cả nước. Điều đó cho thấy tiến độ đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão chậm hơn mục tiêu quy hoạch, làm tăng nguy cơ thiệt hại tàu thuyền và người mỗi khi có bão...
Dù số lượng tàu khai thác thủy sản đã giảm rõ rệt theo định hướng phát triển; nhưng theo ông Trung, cơ sở hạ tầng bước đầu được quan tâm đầu tư khi hàng loạt dự án đầu tư công trung hạn cho cảng cá, khu neo đậu được phê duyệt, khởi công năm 2023. Việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, cũng như sản lượng thủy sản qua cảng và thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU đã có tiến bộ, đi vào nề nếp…
Tuy nhiên hiện vẫn còn một số tồn tại như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành, nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Quy mô, công suất các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu theo quy hoạch.
Đa số các cảng cá được đầu tư xây dựng từ rất lâu nên so với các tiêu chí quy định tại điều 78 Luật Thủy sản 2017 thiếu nhiều hạng mục không đáp ứng được yêu cầu quản lý, thực hiện các nhiệm vụ tại cảng cá. Việc duy tu, sửa chữa định kỳ còn hạn chế, một số cảng cá có luồng lạch bị bồi lắng, song chưa được nạo vét kịp thời làm cho tàu cá ra, vào bốc dỡ hàng hóa, neo đậu gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo an toàn.
Hình thức tổ chức, bộ máy quản lý cảng cá tại các địa phương không thống nhất. Đặc biệt nguồn nhân lực của các tổ chức quản lý cảng cá hiện cũng rất thiếu và chưa được đào tạo về chuyên môn...
Bên cạnh những kết quả đạt được thời gian qua, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như tình hình thế giới đang tác động đến giá nhiên liệu, vật tư, các mặt hàng phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản; cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với sản phẩm hải sản của Việt Nam tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU…
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Trang Nhung cho biết, hiện nay khâu kiểm soát giữa cảng cá và hoạt động chế biến còn chưa chặt chẽ, việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, quản lý dữ liệu còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng...
Tại Khánh Hòa, hiện có 5 cảng cá gồm: Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương, Đại Lãnh, Quảng Hội và 1 khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải; trong đó, cảng cá Hòn Rớ được công bố là cảng chỉ định thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại Quyết định số 3930/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/10/2020 của Bộ NN&PTNT.
Theo ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, thời gian vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh, nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nghề cá của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nghề cá địa phương và các tỉnh lân cận trong khu vực.
Đại diện các tỉnh Bình Định và Bà Rịa-Vũng Tàu cũng nêu nhiều khó khăn, bất cập về cảng cá...
Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về khai thác IUU tại cảng cá
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, thời gian qua trong điều kiện còn nhiều hạn chế về nhân lực, cơ sở hạ tầng, các cơ quan quản lý cảng cá đã cố gắng để triển khai các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cá. Từ đó kiểm soát tàu cá ra vào cảng, sản lượng lên bến theo quy định. Tuy nhiên ông Luân cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại đã được chỉ ra qua các đợt kiểm tra, nhất là đợt kiểm tra của Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4 vừa qua.
Để làm tốt công tác quản lý tại cảng cá, Theo ông Luân, bên cạnh việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, cần phải ổn định tổ chức bộ máy tại các cảng cá, ưu tiên đào tạo bồi dưỡng các cán bộ làm việc tại cảng cá để có đủ trình độ chuyên môn, thực hiện tốt công tác giám sát sản lượng, kiểm soát tàu cá ra vào cảng.
Đồng thời, cần phải rà soát lại quy trình phối hợp giữa cảng cá và các Văn phòng đại diện thanh tra kiểm soát nghề cá đặt tại các cảng cá, để khi phát hiện các vấn đề tồn tại có biện pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, các thuyền trưởng, chủ tàu cũng có trách nhiệm khi cho tàu vươn khơi và cập cảng phải thông báo, ghi chép nhật ký khai thác, bật thiết bị giám sát hành trình, thực hiện đúng các quy định… Có như vậy mới có thể giám sát được toàn bộ hoạt động của tàu cá theo đúng quy định, cũng như công khai, minh bạch về nguồn gốc của các sản phẩm hải sản khai thác của ngư dân cung cấp đến các nhà máy chế biến; đảm bảo một ngành khai thác thủy sản bền vững, trách nhiệm.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, cảng cá là trung tâm của việc gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu (EC). Vì vậy, các cảng cá phải quản lý đội tàu, giám sát đội tàu chặt qua hệ thống thiết bị hành trình (VMS). Bởi thời gian qua các tàu vi phạm chủ yếu là các tàu mất kết nối VMS.
Bên cạnh đó việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhật ký khai thác thủy sản, giám sát sản lượng hải sản quả cảng và xử lý vi phạm hành chính cũng phải thực nghiêm túc, không làm theo hình thức đối phó.
Đối với trang thiết bị, nguồn nhân lực thiếu tại các cảng cá, các địa phương cần phải bổ sung để đáp ứng yêu cầu. Thứ trưởng mong muốn tất cả đã cố gắng rồi thì tiếp tục cố gắng hơn nữa. “Yêu cầu cấp bách là chúng ta vượt lên phía trước, bắt tay thi đua và nhất định sang năm 2024, chúng ta phải gỡ thẻ vàng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị ngành NN&PTNT các địa phương tham mưu cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, nạo vét luồng lạch các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; bổ sung nguồn lực cho cơ quan quản lý thủy sản, tổ chức quản lý cảng cá và phát huy vai trò của ngư dân trong việc tham gia quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về IUU. Đặc biệt, khẩn trương hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; tuân thủ quy định việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định pháp luật; kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về khai thác IUU tại cảng cá, về gian lận hồ sơ xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác…