Hà Nội: Giảm tối đa thủ tục hành chính cấp “sổ đỏ”

Đời sống - Ngày đăng : 22:25, 06/10/2015

Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều nay (6/10).

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó GĐ Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, cơ quan này đã thực hiện mọi biện pháp, đã truyên truyền công khai quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cắt giảm thủ tục đến mức tối đa. Hiện chỉ còn 3-4 thủ tục. Đó là, hợp đồng mua nhà, thanh lý hợp đồng mua nhà hoặc hóa đơn đỏ thể hiện đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính; biên bản bàn giao nhà. Và tùy từng dự án thì có thêm sơ đồ thửa đất thể hiện diện tích, kích thước.

“Về mặt thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận, chúng tôi rất vất và cố gắng nỗ lực hết mình. Đến nay chưa có hồ sơ nào, để quá 20 ngày. Còn ở đâu đó người dân kêu ca về dịch vụ công, thời gian...thì đó là những vụ rất cá biệt với nhiều lý do khác nhau”, ông Nghĩa nói.

Liên quan đến Dự án khu đô thị Đại Thanh, ông Nghĩa khẳng định, Sở Tài nguyên Môi trường chưa bao giờ dừng cấp sổ đỏ và hiện vẫn đang tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận nếu có đầy đủ điều kiện vì đây là quyền lợi của người mua nhà. Riêng việc cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở thuộc các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Tính lũy kế đến hết 31/12/2014 đã cấp được khoảng 72.300/112.000 căn chủ đầu tư xây dựng xong và đã bàn giao cho người mau nhà. Sang năm 2015, 9 tháng, Sở Tài nguyên Môi trường đã thẩm định giải quyết 20.060 hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà. 

Liên quan đến tòa nhà cao vượt phép 8B Lê Trực (quận Ba Đình), trả lời báo chí chiều nay ông Nguyễn Văn Phong - Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, Công ty Cổ phần may Lê Trực đã có văn bản gửi Thủ tướng và TP Hà Nội với nội dung xin tự khắc phục sai phạm.

Trước đó, sau khi dư luận phản ánh tòa nhà 8B Lê Trực được xây dựng quá cao, không phù hợp với cảnh quan khu vực Ba Đình, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Hà Nội báo cáo làm rõ những vấn đề liên quan.

Sau thời gian xem xét, UBND TP Hà Nội cho biết, bước đầu đã xác định chủ đầu tư trong quá trình triển khai Dự án đã xây dựng sai so với Giấy phép xây dựng được cấp. Cụ thể, về khoảng lùi, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư không thực hiện (hiện đã xây dựng thẳng đến mái).

Về chiều cao công trình, theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m. Hiện chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19, tổng chiều cao thực tế khoảng 69m (vượt khoảng 16m, tương đương với 5 tầng). Về diện tích sàn xây dựng khoảng 36.000 m2 (giấy phép xây dựng là 29.874 m2) tăng khoảng 6.126 m2.

Thành phố Hà Nội cho rằng, những vi phạm xây dựng của chủ đầu tư về chiều cao tầng, diện tích xây dựng, kiến trúc công trình, khoảng lùi, giật cấp, hình dáng kiến trúc... so với giấy phép xây dựng là vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực.

Sau khi báo cáo Thủ tướng, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng xử lý kiên quyết, triệt để các sai phạm của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các phần công trình vi phạm, đảm bảo đúng theo giấy phép xây dựng được cấp.

UBND TP Hà Nội giao Thanh tra Thành phố tiến hành thanh tra Dự án để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan, xử lý nghiêm, khách quan, đúng pháp luật và thông tin rộng rãi với công luận.

MT