Thanh Hóa chủ động xúc tiến, kêu gọi đầu tư từ Nhật Bản
Thanh Hóa đang trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực Bắc Trung Bộ, nhờ cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa các thủ tục và vì nhân dân, doanh nghiệp. Trước thời cơ, vận hội mới, lãnh đạo xứ Thanh chủ động xúc tiến, kêu gọi đầu tư ở nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
Nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác và xúc tiến đầu tư, trong các ngày từ 19 đến 25/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng dẫn đầu Đoàn công tác thăm và làm việc tại Nhật Bản. Đây là chuyến thăm nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản của tỉnh Thanh Hóa.
Các thành viên trong đoàn đã gặp gỡ và làm việc với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn ở Nhật Bản nhằm tìm hiểu và kêu gọi đầu tư vào Thanh Hóa. Trong đó có Công ty Maruto Hasegawa Kosakujo chuyên sản xuất các loại kìm, dụng cụ kim khí có quá trình gần 100 năm xây dựng và phát triển tại tỉnh Niigata.
Sáng 22/11, đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa đã đến thăm và làm việc với ngài Ishiguro Norihiko, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Tokyo (Nhật Bản). Hiện JETRO có mạng lưới ở 76 văn phòng đại diện tại 57 quốc gia trên thế giới, hoạt động của JETRO trải rộng từ tư vấn đầu tư đến tổ chức các cuộc hội thảo, khảo sát thị trường...
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Thanh Hóa luôn quan tâm tới việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế, xúc tiến đầu tư, giao lưu văn hóa với các đối tác Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh hai nước đang triển khai sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, hạ tầng giao thông, nguồn lực lao động dồi dào, cùng với những cơ chế, chính sách ưu đãi, Thanh Hóa đã và đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 155 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,7 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.
Trong đó, Nhật Bản là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất, với tổng số 19 dự án đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6,6 tỷ USD, chiếm 45,2% tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh. Một số dự án quy mô lớn đã đưa vào hoạt động, trở thành hạt nhân, có tác động lan tỏa ở khu vực Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng Bắc bộ, như: Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (tổng mức đầu tư trên 9,3 tỷ USD), Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (2,8 tỷ USD), Nhà máy Xi măng Nghi Sơn (650 triệu USD)...
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa đã được Chính phủ Nhật Bản tài trợ thực hiện 10 chương trình, dự án ODA, với tổng vốn 45,5 triệu USD và 24 dự án viện trợ trên các lĩnh vực y tế, nước sạch, giáo dục... Tỉnh Thanh Hóa cũng đã có 13.346 tu nghiệp sinh đang làm việc tại các nhà máy của Nhật Bản, tập trung vào các ngành nghề, như: Dệt, may công nghiệp, lắp ráp điện tử, gia công cơ khí, chế biến, xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng...
Tỉnh Thanh Hóa cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện để các đơn vị phát triển bền vững. “Luôn đồng hành, luôn luôn là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp” Cụ thể hóa các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Nhà nước, tập trung hỗ trợ việc tiếp cận đất đai, các thủ tục về đầu tư, giải phóng mặt bằng, đào tạo nhân lực... để các nhà đầu tư triển khai dự án.
Ngài Ishiguro Norihiko nhấn mạnh: Với mục tiêu hợp tác cùng phát triển, Tổ chức JETRO sẽ tiếp tục nghiên cứu, kết nối, thông tin về môi trường đầu tư của tỉnh tới các doanh nghiệp Nhật Bản. Trong thời gian tới, Tổ chức JETRO sẽ tiếp tục kết nối và giới thiệu thêm các nhà đầu tư Nhật Bản.
Trước đó, đoàn công tác đã gặp gỡ cộng đồng người Thanh Hóa tại Nhật Bản. Trong không khí nghĩa tình, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nồng nhiệt gửi tới cộng đồng người Thanh Hóa đang sinh sống, học tập, lao động, công tác tại Nhật Bản những tình cảm thân thiết, nồng ấm của quê hương.
Sáng 24/11, đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn Sumitomo và Tập đoàn Idemitsu tại Nhật Bản. Ngài Takashi Yanai, Tổng quản lý Ban Kinh doanh hạ tầng tiếp vận, nêu rõ: Với sứ mệnh và tôn chỉ: “Lợi ích cho bản thân và người khác, lợi ích riêng tư và công cộng là một”, Sumitomo không chỉ mang lại lợi ích cho Sumitomo, mà còn phải mang lại lợi ích cho toàn xã hội để cùng nhau đạt được sự tăng trưởng bền vững.
Tại Thanh Hóa, Tập đoàn đang nghiên cứu, khảo sát đầu tư Khu công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa và trung tâm tiếp vận, phát triển đô thị xung quanh khu công nghiệp, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 350 triệu USD. Tỉnh Thanh Hóa đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn; đồng thời triển khai việc lập Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 làm cơ sở để triển khai thực hiện dự án. Dự kiến thời gian hoàn thành quy hoạch trong tháng 4/2024.
Với kinh nghiệm 110 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Idemitsu đã trở thành một trong những doanh nghiệp có thương hiệu toàn cầu, chuyên tinh chế xăng dầu và kinh doanh các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ, đã đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất, kinh doanh tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tại tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn là nhà đầu tư lớn vào Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, từ đó có sự đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa và Khu kinh tế Nghi Sơn. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn những đóng góp của Tập đoàn đối với sự phát triển đi lên của tỉnh.
Thu hút doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư, đồng nghĩa với tạo ra công ăn việc làm, giải quyết được nguồn lao động dồi dào, thu ngân sách và nhiều lợi ích khác, Thanh Hóa đã chủ động mời gọi, cam kết để đặt doanh nghiệp ở trung tâm. Đó là cách làm hay, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.