Vì sao khó xử lý xe thô sơ 3,4 bánh
Do giá thành lắp ráp quá rẻ, nhanh thu lợi nhuận nên khi lực lượng chức năng xử lý, tịch thu phương tiện, người dân vẫn tiếp tục lắp ráp và hoạt động... Đó là một trong những nguyên nhân gây khó trong việc xử lý xe thô sơ 3,4 bánh tại TP.HCM.
Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 23/11, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM đã nói về các nguyên nhân gây khó trong việc xử lý xe thô sơ 3,4 bánh trên địa bàn thành phố.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, xe thô sơ 3,4 bánh là loại xe đầu tư rẻ tiền, tải trọng chở khá lớn, dễ dàng di chuyển vào các hẻm nhỏ.
Thứ hai, loại phương tiện xe tự chế, xe 3,4 bánh thô sơ là loại xe khó quản lý do thường xuyên xuất hiện, hoạt động trên địa bàn giáp ranh các tỉnh, khu vực hoạt động ở các chợ truyền thống, đường hẻm nhỏ.
Thứ ba, người sử dụng phương tiện xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh đa phần là người có thu nhập thấp, ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện còn hạn chế, ngoài ra do nhu cầu mưu sinh của người dân, do đó vẫn còn trường hợp cố tình sử dụng các loại phương tiện này để hoạt động gây mất an toàn TTGT.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng cũng gặp một số khó khăn như người vi phạm không chấp hành hợp tác làm việc; bỏ lại phương tiện gây khó khăn cho công tác tạm giữ, quá trình tịch thu, tiêu hủy, thanh lý phương tiện mất nhiều thời gian làm cho diện tích kho bãi trở nên chật, hẹp, xảy ra tình trạng không đủ kho bãi để tạm giữ.
Quá trình xử lý của lực lượng chức năng phải chịu áp lực nhiều về phía dư luận, xuất phát từ những tình cảnh khó khăn của người dân.
Mặt khác, do giá thành lắp ráp quá rẻ, nhanh thu lợi nhuận nên khi lực lượng chức năng xử lý, tịch thu phương tiện, người dân vẫn tiếp tục lắp ráp và hoạt động.
Ngoài ra, một bộ phận người dân do không tìm được công việc phù hợp nên vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm.
Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh, việc xử lý các phương tiện xe 3, 4 bánh được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiều năm của lực lượng CSGT, trong đó việc tăng cường xử lý hiệu quả nhằm phòng ngừa TNGT, UTGT là mục tiêu thực hiện của lực lượng CSGT.
"Công an Thành phố đã có văn bản yêu cầu lực lượng CSGT tăng cường xử lý hiệu quả đối với loại phương tiện này, mở rộng xử lý các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật", Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho rằng phải xác định đây là nội dung thực hiện lâu dài, thường xuyên, liên tục, cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, trong đó, mỗi cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt vai trò của mình, thực hiện thống nhất, có hiệu quả từ giải pháp thay đổi nghề nghiệp cho người dân, bố trí phương tiện thay thế, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức giao thông, xử lý vi phạm...
Song song đó, công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát sẽ được tăng cường, trong đó các lực lượng kiên quyết xử lý vi phạm đối với các phương tiện này.
11 tháng đầu năm 2023, CSGT TP.HCM đã phát hiện 17.888 xe máy chở hàng hóa quá khổ giới hạn, 3.601 xe máy thiết bị kỹ thuật không đảm bảo. Riêng xe ba bánh, lực lượng CSGT đã phát hiện 2.390 xe 3 bánh, trong đó 922 trường hợp chở hàng hóa quá khổ giới hạn.