Khai mạc triển lãm “Thành Cổ Loa - Từ truyền thuyết đến hiện thực”
Sáng 23/11, tại xã Cổ Loa (Đông Anh) Hà Nội đã khai mạc triển lãm “Thành Cổ Loa - Từ truyền thuyết đến hiện thực”. Sự kiện do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Hà Nội, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa tổ chức nhân kỷ niệm 18 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005-23/11/2023).
Dự triển lãm có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, các nhà khoa học từ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Sử học Việt Nam, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội…
Triển lãm “Thành Cổ Loa - từ truyền thuyết đến hiện thực” được chắt lọc từ các công trình khoa học, nghiên cứu của các nhà khoa học; thông qua các tư liệu, hình ảnh sưu tầm của Viện Viễn Đông Bác cổ, Hồ sơ di tích Quốc gia đặc biệt của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, nguồn ảnh của Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa, các sưu tập ảnh tư nhân... nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đề cao trách nhiệm của cộng đồng địa phương và du khách trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Triển lãm gồm 2 chủ đề: Truyền thuyết thành Cổ Loa và Thành Cổ Loa ngày nay, mở cửa từ 23/11/2023, tại Nhà trưng bày Khu di tích Cổ Loa, Thôn Chùa, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.
Phát biểu tại triển lãm, ông Ngô Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, "Thành Cổ Loa - Từ truyền thuyết đến hiện thực" là hoạt động thiết thực kỷ niệm 18 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam.
Trong khuôn khổ triển lãm, Ban tổ chức đã lựa chọn, chắt lọc các công trình nghiên cứu của các tác giả khoa học, tư liệu… để giới thiệu, quảng bá đến công chúng, du khách trong và ngoài nước… Qua đây, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, đề cao trách nhiệm của địa phương và du khách trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc…
Cổ Loa là một trong những di tích lịch sử quan trọng của Thủ đô và dân tộc với vai trò là kinh đô của đất nước hai lần. Khoảng thế kỷ thứ III TCN, nước Âu Lạc được thành lập, An Dương Vương với tầm nhìn chiến lược, đã chuyển trung tâm đất nước từ Bạch Hạc (Việt Trì) về vùng Cổ Loa định đô xây thành. Thành Cổ Loa được xây dựng với quy mô lớn, là minh chứng về trình độ kỹ thuật quân sự cao của nền văn minh Việt cổ.
Các đợt khai quật khảo cổ học đã làm rõ cấu trúc thành Cổ Loa gồm có 3 vòng khép kín, được đào đắp quy mô lớn vào thời kỳ An Dương Vương và đắp gia cố thêm một số lần sau đó. Trong và ngoài thành đã phát hiện được nhiều dấu tích liên quan đến thành như các di chỉ cư trú, di tích đúc mũi tên đồng, nơi chôn giấu trống đồng... Từ đó, đã làm sáng tỏ những truyền thuyết về việc An Dương Vương xây thành, là minh chứng hùng hồn về thiên tài quân sự của An Dương Vương, đặc biệt là kỹ thuật chế tạo và sử dụng cung tên.
Trải qua nhiều thăng trầm, Thành Cổ Loa chịu nhiều tác động của tự nhiên và con người đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên những dấu tích về tòa thành cổ nhất, lớn nhất của Việt Nam và Đông Nam Á thời cổ đại vẫn hiện diện như một quá khứ hào hùng và bi tráng, nhắc nhở về công lao cha ông gìn giữ, xây dựng nơi đây.
Theo PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Cổ Loa là tòa thành đầu tiên được xây dựng trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Ba lớp thành sừng sững được thi công bằng nguồn nhân lực dồi dào, tổ chức chặt chẽ, thực sự là một thách thức lớn đối với kẻ xâm lược. Hôm nay, đến Cổ Loa vẫn thấy hình bóng của vũ khí chính là cung nỏ, thông qua các di tích, địa danh như: Gò Đống Bắn, Ngự Xạ Đài, Cường Nỗ, Uy Nỗ, Kính Nỗ...
PGS.TS Lại Văn Tới, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, người nhiều lần chủ trì khai quật khảo cổ ở Cổ Loa, cho biết: “Cổ Loa là mảnh đất thật sự hấp dẫn với nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế. Khảo cổ học cũng đã tìm được nhiều dấu vết của hào cũng như hệ thống thủy văn tại các lớp thành ngoại, thành trung, thành nội tại Cổ Loa. Hệ thống thủy văn tại Cổ Loa còn các đầm hồ bên trong thành...".