Nhân Tháng hành động vì người cao tuổi: Xóa bỏ phân biệt đối xử vì lý do tuổi tác

Đời sống - Ngày đăng : 23:09, 01/10/2015

Năm 2015, bên cạnh Kỷ niệm 25 năm Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10/1991- 1/10/2015) cũng là năm đầu tiên các cấp Hội người cao tuổi tổ chức triển khai “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”.

Vai trò quan trọng của người cao tuổi

 Nhận thức rõ tầm quan trọng của người cao tuổi, năm 1982, lần đầu tiên Liên Hợp quốc đã tiến hành Đại hội Thế giới về người cao tuổi tại nước Cộng hòa Áo. Hơn 3.000 đại biểu của hầu hết các nước trên thế giới tham dự, trong đó có đại biểu của Việt Nam khi đó là Giáo sư Phạm Khuê, Viện trưởng Viện Lão khoa Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Chương trình Hành động Quốc tế về người cao tuổi và khuyến nghị Chính phủ và nhân dân các nước quan tâm giải quyết từng bước những vấn đề về người cao tuổi căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, tập trung vào 6 lĩnh vực chủ yếu: Sức khỏe và ăn uống; nhà ở và môi trường; gia đình; dịch vụ và bảo trợ xã hội; việc làm;

Năm 1990, nhằm tập trung sự quan tâm chú ý của thế giới về vấn đề người cao tuổi, Đại hội đồng Liên Hợp quốc quyết định lấy ngày 1 tháng 10 hàng năm là ngày Quốc tế người cao tuổi, bắt đầu từ 1/10/1991. Năm 1991, Liên Hợp quốc thông qua những nguyên tắc đạo lí về người cao tuổi gồm 18 điểm thuộc 5 vấn đề: Quyền độc lập; quyền được tham gia; quyền được chăm sóc; quyền được phát triển bản sắc riêng và quyền được tôn trọng nhân phẩm. Những năm tiếp theo, Liên Hợp quốc ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình, chủ đề hàng năm hướng về người cao tuổi. Đặc biệt, năm 2002, Hội nghị Quốc tế về người cao tuổi lần thứ hai đã thông qua “Chương trình Hành động Quốc tế về người cao tuổi 2002”, đã chú ý đến  thách thức của quá trình già hóa dân số ở các nước đang phát triển, nơi mà tỉ lệ người cao tuổi sẽ tăng đến 19% dân số vào năm 2050.

Nhân Tháng hành động vì người cao tuổi:  Xóa bỏ phân biệt đối xử vì lý do tuổi tác

Tặng quà cho gia đình người cao tuổi bị thiệt hại do lũ lụt tại huyện Hoành bồ, Quảng Ninh

Thực hiện những cam kết của mình với cộng đồng quốc tế, Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều chủ trương chính sách đối với người cao tuổi, đồng thời khẳng định vị trí vai trò quan trọng của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; việc chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Đặc biệt xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn và yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động vì người cao tuổi, ngày 25/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg lấy tháng 10 hàng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”. 

Quyền của người cao tuổi

Tại Hội thảo Góp ý vào Dự thảo Công ước quốc tế về Quyền của người cao tuổi do Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức ngày 30/9, theo nhận định của Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế (HelpAge International), mặc dù quốc tế đã có Luật Nhân quyền ghi nhận quyền bình đẳng của con người, nhưng luật này chưa bảo vệ đầy đủ người cao tuổi khỏi bị phân biệt đối xử và vi phạm quyền do tuổi tác. Chính vì thế, dù ở nơi người cao tuổi được quan tâm nhất là ngôi nhà của mình, nhiều người vẫn bị bạo hành và ngược đãi.

Ở nước ta cũng không phải ngoại lệ. Chỉ một thời gian ngắn vừa qua, có thể thấy hàng loạt vụ việc người cao tuổi bị con cái lăng mạ, ngược đãi, xúc phạm, hành hạ. Không thiếu trường hợp vì kiện cáo tranh chấp đất đai, vì không có ai chăm sóc... cha mẹ lớn tuổi bị các con dứt ruột sinh ra đẩy ra lề đường. Điều này đang gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về quan niệm xã hội hiện chỉ coi người cao tuổi là người được hưởng lợi một cách thụ động chứ không phải là đối tượng được trao quyền hợp pháp.

Trong khi đó, những quyền cơ bản mà người cao tuổi đáng được hưởng như các quyền về an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, nhà ở... cho đến các quyền ra quyết định về tài chính, của cải của người cao tuổi đến nay chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Để giải quyết vấn đề này và cũng là nhằm thúc đẩy và bảo đảm thực hiện đầy đủ và công bằng các quyền con người của người cao tuổi, Liên Hợp Quốc đang lấy ý kiến Dự thảo Công ước quốc tế về Quyền của người cao tuổi.

 Theo Dự thảo Công ước quốc tế về Quyền của người cao tuổi, có 31 quyền cơ bản của người cao tuổi. Đáng chú ý là quyền không bị phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, đặc biệt đối với phụ nữ cao tuổi. Việc phân biệt đối xử cũng giống như việc ngược đãi đối với người cao tuổi, đều có thể xảy ra đối với bất kỳ ai và bất kỳ nơi nào.

Với nỗ lực xóa bỏ tình trạng ngược đãi và phân biệt đối xử cũng như hướng tới hoàn thiện khung pháp lý về quyền con người của người cao tuổi, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan đóng góp ý kiến, đề xuất các biện pháp cụ thể cho Dự thảo Công ước. Đại diện Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đề xuất, cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện làm việc phù hợp thông qua lồng ghép chính sách đối với người cao tuổi trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội để phát huy vai trò của người cao tuổi và cũng là để giảm bớt gánh nặng mưu sinh cho những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói, bệnh tật, ô nhiễm môi trường... Bên cạnh đó, phải có biện pháp tăng cường chất lượng hệ thống an sinh xã hội từ chăm sóc sức khỏe, bảo trợ xã hội đến các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, giải trí, học tập... cho người cao tuổi.

Cùng với phụ nữ và trẻ em, người cao tuổi cũng thuộc nhóm đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội. Việc xây dựng và hình thành một Công ước quốc tế chuyên biệt về quyền của người cao tuổi được các chuyên gia nhận định sẽ là biện pháp hữu hiệu để bảo đảm tất cả mọi người, hôm nay và mai sau, sẽ được hưởng đầy đủ và công bằng các quyền con người của mình, từ khi là trẻ em đến khi lớn tuổi. Đúng như lời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã nói tại Hội nghị thượng đỉnh phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc vừa khai mạc tại New York, Mỹ: “Người cao tuổi là một hợp phần trong chương trình mục tiêu phát triển thiên niên kỷ để bảo đảm rằng không hoặc bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau”.

Hương Lan