Mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng; Cục QLTT Thanh Hóa vừa ban hành Kế hoạch tổ chức đợt cao năm 2023, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Theo kế hoạch, toàn đơn vị sẽ tập trung thực hiện về các chuyên đề hàng hóa giả mạo nhãn mác, gian lận nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; mua, bán trao đổi hàng hoá trên sàn giao dịch điện tử, mua, bán online, các website, các trang mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến.
Những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh; quần áo, giày dép; lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; lợn và các sản phẩm chế biến từ lợn; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc; nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền.
Đặc biệt tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại; tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Bên cạnh đó, kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm (nhóm hàng nông lâm thủy sản), tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm đường phố; việc thực hiện đo lường hàng hóa (cân, đong, đóng gói hàng hóa), công bố chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá.
Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu, các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bình ổn thị trường.
Khu vực TP Thanh Hóa là địa bàn trọng điểm của tỉnh, tình hình hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả đang là một vấn đề phức tạp, đã và đang gián tiếp gây ảnh hưởng và tác hại lớn đối với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, kìm hãm sự phát triển và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên thị trường.
Hàng giả, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên chợ đến hè phố, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả các trang mạng xã hội...
Hàng giả, hàng kém chất lượng có những biểu hiện như đa dạng về mẫu mã, về giá cả và đặc biệt nguy hiểm hơn là còn phong phú cả về chủng loại. Sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho các nhà sản xuất chân chính nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Điển hình là đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh...giả, kém chất lượng gây ra những hậu quả nghiêm trọng như sốc thuốc, tổn thương hệ thần kinh, nhiễm độc, ung thư, ngộ độc… hoặc gây tử vong.
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Đội trưởng đội QLTT số 1 (Cục QLTT Thanh Hóa) cho biết: “Để chủ động ngăn chặn, phòng ngừa đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả. Đội QLTT số 1 - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 TP Thanh Hóa đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại, nhằm từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng nắm được quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định để tuân thủ. Đồng thời tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho chính mình và cộng đồng”.