Phải khẳng định vị trí trung tâm của Tòa án đối với toàn bộ hoạt động tố tụng
Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP HCM; Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng, các quy định của Luật phải khẳng định được vị trí trung tâm của Tòa án - cơ quan thực hiện quyền tư pháp - đối với toàn bộ hoạt động và kết quả hoạt động tố tụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động tư pháp, thông qua chức năng quan trọng, riêng có của Tòa án là xét xử, đặc biệt là xét xử các vụ án hình sự.
Tán thành với mục đích, quan điểm chỉ đạo và các chính sách lớn của dự án Luật, Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, các vấn đề được nêu trong dự thảo Luật đã cơ bản bám sát và thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó, đổi mới tổ chức, cán bộ tòa án được coi là trọng tâm.
Đặc biệt, việc sửa đổi Luật lần này là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 phải hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân đã được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
Về quy định cụ thể những nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền tư pháp thuộc trách nhiệm của Tòa án trong dự thảo Luật, Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, việc này nhằm cụ thể hóa quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp" đã được Hiến pháp ghi nhận. Tuy nhiên, quy định nhiệm vụ cụ thể cần được chỉnh lý thêm để bảo đảm không trùng lẫn, xung đột với thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan khác đã được Hiến pháp và các luật quy định.
Mặt khác, phải khẳng định được vị trí trung tâm của Tòa án - cơ quan thực hiện quyền tư pháp - đối với toàn bộ hoạt động và kết quả hoạt động tố tụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động tư pháp, thông qua chức năng quan trọng, riêng có của Tòa án là xét xử, đặc biệt là xét xử các vụ án hình sự.
Về một số nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhằm bảo đảm nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử”, Đại biểu Đỗ Đức Hiển cũng cơ bản tán thành với việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ và việc không quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sự độc lập, khách quan của Tòa án khi xét xử và trùng lấn sang chức năng, nhiệm vụ của cơ quan điều tra, cơ quan truy tố.
Quy định theo hướng này cũng phù hợp với trách nhiệm của Tòa án là xem xét, đánh giá chứng cứ, tài liệu do các bên đưa ra thông qua quá trình tranh tụng bình đẳng, dân chủ đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.
Tuy nhiên, để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, nên chỉnh lý các quy định nêu trên theo hướng, trong vụ án hình sự, việc bổ sung chứng cứ, tài liệu cần phải được quy định cả đối với cả bên gỡ tội (Luật sư/người bào chữa) hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia tố tụng, chứ không chỉ với bên buộc tội (Viện kiểm sát) như trong dự thảo Luật.
Quy định như vậy cũng sẽ bảo đảm tốt hơn quy định người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, cũng phù hợp, thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 15 của dự thảo Luật.
Để bảo đảm nguyên tắc "Độc lập theo thẩm quyền xét xử” và nguyên tắc "Thẩm phán, hội thẩm độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật”, Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng cần bảo đảm hai yếu tố: độc lập về mặt tổ chức giữa các tòa án và độc lập của các Thẩm phán.
Để các Tòa án được tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử phải bảo đảm cho các Tòa án được độc lập với nhau về mặt tổ chức; mỗi TAND đều nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam để xét xử theo thẩm quyền được luật giao, không có cấp trên, cấp dưới.
Còn để bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán thì những vấn đề liên quan trực tiếp đến toàn bộ “Vòng đời chuyên môn” của đội ngũ này, từ việc chỉ đạo/tổ chức các kỳ thi tuyển nguồn Thẩm phán, tuyển chọn, thi tuyển, đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán đến quá trình giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán, đề nghị điều động, luân chuyển, biệt phái cũng như khen thưởng, vinh danh, kỷ luật Thẩm phán...rất cần một thiết chế bảo đảm tránh được sự phụ thuộc, khép kín trong thực hiện.
Xét cả ở hai cấp độ này, Đại biểu ủng hộ việc dự thảo Luật đưa ra một số quy định về đổi mới TAND cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử và việc bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.
Về lâu dài, Đại biểu cho rằng, UBTVQH nên yêu cầu TANDTC tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, tạo cơ sở chính trị cho việc hoàn thiện cơ chế bảo đảm sự độc lập của Tòa án, đặc biệt là sự độc lập của Thẩm phán theo hướng thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia thay cho Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.
Theo đó, Hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các công việc liên quan đến “vòng đời chuyên môn của các Thẩm phán” và cả những vấn đề về biên chế, ngân sách hoạt động, kinh phí xây dựng, sửa chữa các tòa án. Với mô hình này, tôi cho rằng sẽ góp phần loại trừ những tác động tới sự độc lập của Tòa án, đặc biệt là sự độc lập của Thẩm phán.