Chính trị

Nhiều ý kiến đồng tình sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

Trang Nguyễn 23/11/2023 09:00

Chiều 22/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

qh.jpeg
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính: Sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức TAND đáp ứng yêu cầu thể chế hóa quan điểm của Đảng, cải cách tư pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án - Ảnh: VGP/LS

Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) đã nêu tại Tờ trình. Việc sửa đổi luật lần này nhằm thể chế hóa kịp thời các nghị quyết, văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết số 27 về xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Góp ý về việc đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhận thấy, quy định này nhằm thể chế hóa nhiệm vụ "Bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử" được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, phù hợp với Điều 102 Hiến pháp 2013.

Quy định này sẽ góp phần mạnh mẽ vào việc khắc phục những hạn chế trong thực tiễn xét xử của Tòa án, đặc biệt là tình trạng cho rằng Tòa án là một cơ quan thuộc địa phương, gây khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tòa án.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, việc đổi mới tổ chức như vậy là sự khẳng định rõ nét nguyên tắc các Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của Toà án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, việc đổi mới này tuy có thể phát sinh chi phí do phải điều chỉnh tên gọi, thay đổi con dấu nhưng vì lợi ích lâu dài, vì sự phát triển của hệ thống Tòa án và sự thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách tư pháp mà Đảng ta đã đề ra, cần thiết phải thực hiện bước đi đầu tiên trong việc đổi mới tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, hình thành tư duy về Tòa án được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử chứ không theo cấp hành chính; làm cơ sở để có những bước đổi mới tiếp theo về sau này; bảo đảm tốt hơn độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của Toà án trong Nhà nước pháp quyền XHCN.

Chánh án TAND TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, qua gần 10 năm thi hành Luật, nhiều quy định đến nay không còn phù hợp. Vì vậy, việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức TAND nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa quan điểm của Đảng, yêu cầu cải cách tư pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án là rất cần thiết...

Quan tâm tới việc thu thập chứng cứ, đại biểu nhận thấy, quy định tại dự thảo là nội dung hoàn toàn mới so với Luật hiện hành. Lý giải việc nhất trí với quy định này, đại biểu cho biết, việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ phù hợp với thực tiễn và xu thế hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định về tố tụng hiện hành.

Bên cạnh đó, Tòa án thu thập tài liệu cho đương sự vô hình trung đã làm thay việc cho đương sự khiến họ trông chờ vào Tòa án, lâu dài dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc. Việc đương sự tự thu thập, giao nộp chứng cứ phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay. Việc thu thập, giao nộp chứng cứ của đương sự vẫn đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của họ.

Theo đại biểu, với quy định của dự thảo Luật, đương sự còn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với luật hiện hành. Tuy nhiên, theo luật hiện hành và thực tiễn hiện nay, có một số trường hợp khi Tòa án yêu cầu thu thập, giao nộp tài liệu liên quan đến một số cơ quan nhà nước và tổ chức còn gặp nhiều khó khăn. Nếu để đương sự tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến cơ quan, tổ chức thì sẽ gặp khó khăn hơn nữa. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung Tòa án hỗ trợ đương sự trong việc xác minh, thu thập tài liệu do các cơ quan nhà nước, tổ chức đang lưu giữ, quản lý hồ sơ.

Cần có đánh giá tác động về quy định người dân tự thu thập chứng cứ

Cũng đề cập đến việc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) cho biết, qua tổ chức lấy ý kiến góp ý có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất bày tỏ lo ngại việc giao cho người dân, đương sự tự thu thập và cung cấp chứng cứ sẽ rất khó thực hiện, vì hiện nay ngay cả Tòa án thu thập chứng cứ còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cơ quan, đơn vị chậm trễ trong việc cung cấp tài liệu hoặc cung cấp không đầy đủ, thậm chí không cung cấp mặc dù đã có văn bản yêu cầu của Tòa án. Nếu giao cho người dân trách nhiệm này thì sẽ còn gặp khó khăn hơn, từ đó, dẫn đến chậm trễ cho việc giải quyết, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trong điều kiện trình độ dân trí, sự am hiểu pháp luật của người dân như hiện nay thì nên giữ như quy định Luật Tổ chức TAND năm 2014.

221120230253-nhi-1700645305452495454565.jpeg
ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi: Cần xử lý nghiêm các cơ quan chậm cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật - Ảnh: VGP/LS

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần khẳng định việc thu thập và cung cấp chứng cứ trong vụ án dân sự là trách nhiệm của các bên tham gia tố tụng, không phải là trách nhiệm của Tòa án. Trước đây, trách nhiệm thu thập, cung cấp chứng cứ là của người tham gia vụ kiện, nhưng đến Luật Tổ chức TAND năm 2014 lại quy định giao về cho Tòa án. Từ khi thực hiện nhiệm vụ này, cán bộ Tòa án gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết các vụ án, có trường hợp những người có liên quan chống đối, không cho thu thập chứng cứ, gây nguy hiểm cho cán bộ, trong khi cán bộ của Tòa án đã phải giải quyết rất nhiều công việc tại Tòa.

Hơn nữa, việc Tòa án thu thập chứng cứ rồi đánh giá chứng cứ sẽ không đảm bảo tính khách quan. Pháp luật cũng đã có quy định về việc các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ phục vụ xét xử. Do đó, cần xử lý nghiêm các cơ quan chậm cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, chứ không lấy việc các cơ quan chậm hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ để làm lý do giao trách nhiệm này cho Tòa án, vì nhiệm vụ của Tòa án là xét xử, trách nhiệm này là của đương sự, muốn bảo vệ quyền lợi của mình thì phải có trách nhiệm cung cấp chứng cứ để chứng minh.

"Đây là nội dung rất quan trọng và có tác động rất lớn trong lần sửa đổi này. Vì vậy, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao có báo cáo đánh giá tác động, giải trình làm rõ thêm vấn đề này để đại biểu và người dân có thể an tâm hơn", đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi kiến nghị.

Tham gia ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cho biết, sau khi nghiên cứu Tờ trình, hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra, đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật…

"Sau hơn 8 năm thi hành, Luật Tổ chức TAND đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển của nền tư pháp nước nhà. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đặc biệt những vấn đề về cơ cấu tổ chức bộ máy, thẩm quyền của Tòa án, thẩm phán, hội thẩm, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với thẩm phán và cán bộ, công chức Tòa án…", đại biểu Thắng nêu rõ.

Đại biểu cho rằng, các điều kiện bảo đảm hoạt động của Tòa án cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp hiện nay, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc sửa đổi luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp về Tòa án, đặc biệt là Nghị quyết 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trang Nguyễn