Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Quy định chặt chẽ trong xác định hậu quả vụ án
Tếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023…, chiều 21/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Về thời điểm xác định thiệt hại vụ án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, khi xây dựng Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán, TANDTC đã tiến hành chặt chẽ, lấy ý kiến của tất cả các cơ quan liên quan, trong đó có Công an, Viện kiểm sát, Bộ Tư pháp.
“Quy trình làm không khác gì quy trình làm luật, khi tất cả các cơ quan thống nhất thì chúng tôi ban hành Nghị quyết 03. Trong Nghị quyết cũng nêu rõ thời điểm áp dụng pháp luật của vụ án. Cũng có những việc không xác định được thời điểm vụ án và hành vi phạm tội xảy ra, thì áp dụng theo thời điểm khởi tố vụ án”, Chánh án nói.
Chánh án nêu ví dụ cụ thể, như: Những vụ án mà hành vi phạm tội kéo dài như buôn lậu, sản xuất hàng giả… khi công an phát hiện kho bãi, không xác định được thời điểm để xe, máy hay ma túy đưa vào khi nào và để trong nhiều năm, thì xác định thời điểm khởi tố là thời điểm gây ra hậu quả, vì hành vi phạm tội kéo dài nhiều năm.
Tịch thu tất cả tài sản chiếm đoạt của Nhà nước
Đối với vụ án Phan Văn Anh Vũ, trước băn khoăn của Viện trưởng VKSNDTC về việc đối tượng có nhiều tài sản, xác định tài sản ở thời điểm phạm tội chỉ bằng 1/10 xét xử, nếu để đối tượng giữ tài sản, bán đi sẽ có lời… Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định, "không thể xảy ra trường hợp đó".
“Xác định thời điểm phạm tội là thời điểm xảy ra hành vi phạm tội. Khi Tòa tuyên án, tất cả tài sản - bất động sản mà Phan Văn Anh Vũ chiếm đoạt đều bị Hội đồng xét xử tuyên tịch thu, cho nên không có chuyện bị cáo giữ được tài sản để bán kiếm lời. Dẫu là thời điểm phạm tội hay thời điểm khởi tố, tất cả bất động sản đều bị tịch thu”, Chánh án nói.
Chánh án nhấn mạnh, không chỉ ở vụ án Phan Văn Anh Vũ, mà tất cả các vụ án khác đều giải quyết theo hướng này và không phụ thuộc vào giá cả.
Chánh án khẳng định, sẽ rà soát những nội dung khác, “nếu Nghị quyết 03 chưa đề cập, chưa bàn hết, có thể bổ sung thêm theo quy trình xây dựng pháp luật”.
Người đứng đầu hệ thống Toà án khẳng định, đại biểu Quốc hội và hệ thống Tòa án đều tâm niệm “cái gì tốt cho dân thì làm”. Theo tinh thần này, đối với việc xem xét lại một bản án, sẽ theo đúng trình tự pháp luật.
Chánh án đề nghị, khi phát hiện, người dân hay đại biểu Quốc hội đều có thể phản ánh với cơ quan tố tụng là Viện kiểm sát và Tòa án, để được hướng dẫn theo trình tự tái thẩm hoặc giám đốc thẩm.
Chánh án cũng nhấn mạnh, khi vụ án còn thời hiệu giải quyết, trên cơ sở kháng nghị, Hội đồng Thẩm phán sẽ có trách nhiệm xem xét kháng nghị theo quy định pháp luật. Toàn dân có quyền phát hiện và kiến nghị xem lại nội dung vụ án. Tất cả các bản án không đúng, sẽ được xem xét theo trình tự luật định.
* Trước đó, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí đã nêu quan điểm cá nhân về căn cứ xác định thiệt hại vụ án.
Viện trưởng đề nghị, phân biệt hai hành vi “chiếm đoạt và gây thiệt hại”. Trong đó, “chiếm đoạt” sẽ căn cứ thời điểm xảy ra hành vi phạm tội; Còn “gây thiệt hại”, cần phân biệt giữa thời điểm phạm tội với thời điểm khởi tố vụ án.
Nêu thực tế, liên quan đến khách thể bị xâm hại, tức hành vi xâm hại đến tài sản Nhà nước bị chiếm đoạt, như nhà đất- công sản. Theo ông Trí, trong vụ án đất đai như vụ Phan Văn Anh Vũ, “có đặc thù là đất lên giá, thậm chí lên nhanh, sau 5-7 năm lên gấp 10 lần. Nếu tội phạm xâm hại, chiếm đoạt 10 mặt bằng mà xác định ở thời điểm phạm tội cách đây 10 năm, bị cáo chỉ cần bán 1 mặt bằng, lãi 9 mặt bằng”.
Theo Viện trưởng VKSNDTC, Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có xác định nhiều loại, trường hợp, thời điểm khác nhau.
“Tuy nhiên, tôi đề nghị phân biệt thêm giữa loại tài sản Nhà nước là nhà đất công - là công sản bị xâm hại. Dạng thứ 2, là loại tội phạm xâm hại trật tự quản lý kinh tế gồm vi phạm về vốn đầu tư công, vi phạm quy định đấu thầu … Ở các tội danh này, thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi này chưa xảy ra ngay, mà phải diễn ra trong một thời gian cho đến khi bị phát hiện, bị ngăn chặn, khiến công trình, dự án ngừng thi công, làm cho nhà thầu không đủ năng lực thực hiện, mới phát sinh hậu quả”, Viện trưởng VKSNDTC nói.
Viện trưởng VKSNDTC đề nghị giải quyết hài hoà quyền lợi của người có liên quan tội phạm, vụ án với lợi ích Nhà nước, để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế.