ĐBQH: Tội phạm gia tăng gây bất an cho xã hội
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 21/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo công tác của TANDTC, Viện KSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Theo đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, qua các báo cho thấy, bức tranh chung về tình hình an ninh trật tự xã hội trong năm qua còn nhiều vấn đề đáng lo ngại gây bất an cho xã hội. Tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng, toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội về trật tự xã hội (tăng 18%).
“Các loại tội phạm nguy hiểm tăng mạnh như tội phạm giết người, cướp tài sản, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự gây rối trật tự công cộng, tội phạm ma túy ngày càng tăng cao và nguy hiểm hơn”, đại biểu Trí nói.
Về nguyên nhân, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn trên các lĩnh vực, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, doanh nghiệp, nhất là người lao động có thu nhập thấp. Lợi dụng tình hình, các đối tượng tội phạm nổi lên hoạt động, làm phức tạp thêm.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, bức tranh chung về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2023 tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản, trong đó, một số loại tội phạm tăng mạnh như giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi… Các loại tội phạm này không chỉ gây bất an trong nhân dân, mà còn thể hiện những hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật.
Đại biểu Khánh đề nghị có biện pháp hiệu quả để phòng ngừa tình trạng lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tiền của người dân, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước tình hình sử dụng mạng xã hội và các phương tiện công nghệ để thực hiện lừa đảo cũng đang ngày một gia tăng. Đại biểu Khánh cũng đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo tính hình, đổi mới phương thức cảnh báo hành vi, thủ đoạn các loại tội phạm để người dân biết và chủ động hơn trong việc đấu tranh với tội phạm.
Lựa chọn Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án giải quyết tranh chấp
Ghi nhận việc chủ động đấu tranh, phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý các loại tội phạm vi phạm pháp luật đã đạt được nhiều chỉ tiêu và nhiều chỉ tiêu vượt mức của Nghị quyết Quốc hội giao… đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cần áp dụng hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm tạo ra một cơ chế pháp lý mới để người dân lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại giải quyết tranh chấp khiếu kiện tại Tòa án một cách linh hoạt, phù hợp, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí, công sức.
“Đặc biệt khi hòa giải thành, mối quan hệ mâu thuẫn, đôi bên được hàn gắn ngày càng tốt đẹp hơn, đoàn kết hơn, giảm đáng kể vụ việc phải giải quyết cho cơ quan xét xử và cơ quan thi hành án như báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì Luật này đã phát huy hiệu quả tốt”, đại biểu Thu nói.
Để Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án ngày càng phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đại biểu đề nghị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nói riêng về những lợi ích, tính ưu việt của Luật, khuyến khích người dân chủ động lựa chọn phương thức giải quyết hòa giải, đối thoại khi giải quyết tranh chấp tại tòa án. Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thực hiện tư vấn pháp luật, cần hướng dẫn, giải thích những lợi ích của hòa giải, đối thoại để người dân lựa chọn.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cũng đề nghị đầu tư đầy đủ trang thiết bị, nhất là phòng đối thoại hòa giải đúng quy định, cần đầu tư trang thiết bị để hòa giải đối thoại trực tuyến.
Trước thực trạng trụ sở Tòa án cấp huyện xuống cấp nghiêm trọng và thiếu phòng xét xử, thiếu phòng hòa giải cần được đầu tư xây dựng mới, nhưng chưa được bố trí nguồn kinh phí, đại biểu Thu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành có sự quan tâm, phân bổ cấp kinh phí đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Ngoài ra, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cũng đề nghị cần có chính sách quan tâm đến đội ngũ hòa giải viên, động viên ghi nhận của các tổ chức, cá nhân đối với các hòa giải viên để họ nhiệt tình tham gia công tác này.
Tội phạm tăng 18%
Trước đó, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngành Công an đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về trật tự xã hội; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
“Tuy nhiên, số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, trong đó nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Đáng chú ý, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, đã phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.
Trong khi đó, báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho biết, tình hình tội phạm, năm 2023, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới như: đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật; một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn đã được phát hiện và khởi tố tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.