Chuyện về ngà voi hóa thạch được dân làng tôn thờ
Đời sống - Ngày đăng : 09:23, 25/09/2015
Ngay cả những ông lão cao tuổi nhất ở trong làng cũng không biết rõ thời gian chính xác chiếc ngà voi hóa thạch xuất hiện nhưng trong lòng họ luôn xem chiếc ngà voi ấy như một vị thần linh tối cao là Yàng phù hộ cho dân làng Le quanh năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc...
Yàng Plút - thần hộ mệnh của làng Le
Nói đến Tây Nguyên ắt hẳn ai cũng nghĩ đến vẻ hoang sơ của rừng và nhiều phong tục và truyền thuyết kỳ bí, Tây Nguyên là mảnh đất của tâm linh. Không ngoại lệ, từ lâu làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) vốn được biết đến là nơi có tập tục kì lạ được truyền từ đời này sang đời khác.
Cả làng tôn thờ, sùng bái chiếc ngà voi hóa thạch và gọi là Yàng Plút, đấng tối cao luôn soi xét và bảo bọc cho dân làng. Chính vì vậy, ngay khi có dịp đặt chân đến mảnh đất Kon Tum, chúng tôi khao khát một lần được đến với làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) để mục sở thị vật báu linh thiêng của buôn làng.
Làng Le, hiện tại có 119 hộ với 459 nhân khẩu sinh sống. Bà con trong làng hầu hết là người đồng bào dân tộc Rơ Mâm. Trao đổi với chúng tôi, ông H’Rách Láo - Chủ tịch UBND xã Mô Rai cho biết: “Tục lệ dân làng tôn thờ, sùng bái “Yang Plút” (ngà voi hóa thạch) là có thật, hiện tại người dân nơi đây vẫn luôn tôn sùng chiếc ngà voi hóa thạch. Hàng năm, vào dịp lễ hội mừng lúa mới diễn ra từ ngày 29-31/10 của đồng bào người rơ Rơ Mâm, làng Le cùng Sở VT-TT&DL tỉnh Kon Tum kết hợp với chính quyền địa phương mổ trâu, bò cúng, hiến tế. Dinh thự của “Yang Plút” luôn được người làng thay nhau trông coi cẩn thận. Ngay cả dân làng chuẩn bị lễ vật chu đáo từ nhiều tháng trước đó đến đúng dịp lễ hiến tế dân làng phải tập trung đông đủ làm lễ, cung phụng “Yang” 1 năm/ lần. Cả làng cầu mong Yang ban cho sự bình an, may mắn mưa thuận gió hòa, bài trừ hoạn nạn.
Ông A. Giỏi (59 tuổi), Trưởng làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum, người được giao trọng trách đảm bảo sự bình yên cho “Yang Plút”, không giấu được sự tự hào, háo hức khoe về chiếc ngà voi hóa thạch. Ông cho biết đó là sức mạnh, là thần hộ mệnh của người dân làng Le. Ông A. Giỏi cũng cho biết, nếu muốn tận mắt mục sở thị “Yang Plút” thì phải chờ đến dịp cúng lúa mới vào năm sau. Giờ bất di bất dịch không một ai có thể nhìn thấy Yang được”. Nếu ai trong làng không tuân thủ theo quy định mạo phạm đến Yàng Plút thì sẽ bị trừ phạt và cả làng phải chịu nhiều tai ương.
Truyền thuyết về Yàng Plút
Tiếp tục câu chuyện về sức mạnh tinh thần của người dân làng Le, với vẻ tự hào và sự tôn thờ Yang qua từng lời nói của mình, ông A Giỏi bắt đầu kể: Không biết tự bao giờ từ khi ông có mặt trên cuộc đời này thì cả tuổi thơ của ông không những gắn bó với nương rẫy, núi rừng mà còn gắn bó với cả tục lệ thờ cúng, sùng bái “Yang Plút” và tập tục này của dân làng vẫn được lưu truyền cho con cháu thế hệ hôm nay.
Truyền thuyết rằng, ngày xưa thời rừng núi hoang vu, nhiều thú dữ rình rập, trong làng luôn ám ảnh và lo sợ bị thú dữ tấn công bất cứ lúc nào. Lúc đó, trong làng có một người thợ săn giỏi nổi tiếng tiêu diệt được nhiều thú dữ. Cũng như thường lệ, ngày hôm ấy ông thợ săn đi săn và dẫn theo chú chó thân yêu của mình thì bỗng nhiên ông nghe văng vẳng đâu đó từ tiếng núi rừng vọng lại với lời lẽ sai khiến của một vị thần linh bảo rằng ông phải đi vào tận rừng sâu nên ông đã đi suốt ba ngày ba đêm vào sâu trong rừng già. Nơi ông dừng chân là một khu rừng già âm u, hoang vu và không một dấu chân người, bất chợt con chó của người thợ săn đi vòng quanh một bụi rậm và sủa liên hồi không ngớt. Thấy lạ, người thợ săn đi tới vạch bui rậm quan sát thấy một ngà voi nằm lăn lóc bên cạnh phiến đá.
Ông A.Láo (Trưởng làng) chỉ nơi thờ cúng Yang Plút
Nghĩ không có gì lạ ông tiếp tục dắt chó đi, đi mãi nhưng cuối cùng lại quay về chỗ phiến đá có ngà voi lúc ban đầu. Lần này, con chó của người thợ săn sủa ngày một lớn hơn và nhất quyết không chịu rời đi. Điều người thợ săn thấy lạ, khi ông đưa tay nhấc bổng chiếc ngà voi lên tuyệt nhiên con chó im bặt hẳn. Người thợ săn liền cầm theo chiếc ngà voi ra giấu ở bìa rừng rồi ra về. Về đến nhà, vừa chợp mắt người thợ săn mơ thấy chiếc ngà voi hiện ra với hình tượng và lời lẽ như một vị thần báo mộng. Trong mộng, thần bảo: “Tao đã chọn làng Le làm nơi sinh sống. Về làng, tao sẽ che chở bảo vệ ban mưa thuận, gió hòa cho làng làm ăn phát đạt, muốn rước tao về làng phải có lễ vật mà cúng tế”.
Sau giấc mơ kì lạ, tin đó là nhắc nhở của thần linh, người thợ săn đã mang câu chuyện lạ trên kể với dân làng. Sau nhiều ngày dân làng tổ chức họp bàn, cuối cùng các bô lão quyết định làm lễ linh đình rước “Yang Plút” về thờ cúng trong nhà rông truyền thống và từ đó xem chiếc ngà voi hóa thạch như một báu vật linh thiêng tượng trưng cho vị thần sức mạnh. Cũng từ đó, cuộc sống của người dân làng Le sung túc hơn vì mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa... Hàng năm, để biết ơn sự che chở của “Yang Plút” cứ vào dịp lễ mừng lúa mới, người làng tổ chức mổ trâu bò, heo gà cúng tế cho “Yang” như một nghi lễ bắt buộc.
Trải qua những năm tháng chiến tranh lửa đạn, người dân trong làng phát hiện nơi thờ cúng “Yang Plút” có thêm một cọc (cọc dùng buộc trâu), một cây chọc tỉa (cây chọc tỉa dùng trong mùa màng của đồng bào ngày xưa), vài hòn đá (người làng gọi con cái Yang Plút). Điều này càng thể hiện sức mạnh vô biên của Yang Plut, dân làng xem Yàng Plút như vị thần luôn che chở, phù hộ cho họ có được bội thu về mùa màng và mang tới niềm may mắn hạnh phúc cho dân làng.
Dân làng tin rằng Yang Plút là vị thần có sức mạnh bất diệt và chứng minh sức mạnh ấy bằng việc trải qua những năm tháng chiến tranh lửa đạn, dân làng phải dìu dắt nhau trốn vào trong những hang đá tận rừng sâu. Thế nhưng, tuyệt nhiên ngôi nhà rông thờ “Yang Plút” vẫn đứng vững, vẫn hiên ngang tồn tại giữa một rừng biển lửa.