Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội: Người dân khởi kiện, đề nghị làm rõ “đất công”
Trước việc UBND quận Tây Hồ không đưa các tài liệu thể hiện “đất công” cho người dân khi áp dụng biện pháp cưỡng chế phá dỡ công trình, ông Phạm Văn Hà (trú tại tổ 54 phường Phú Thượng, Tây Hồ) đã có đơn khởi kiện vụ án hành chính, yêu cầu bên ra quyết định phải chứng minh rõ phần đất ông đang sử dụng là đất công và chủ sử dụng là UBND phường.
Đang sử dụng tổng cộng gần 4.000m2 đất tại tổ 16, phường Phú Thượng để trồng tre và xây dựng nhà tạm để kinh doanh ăn uống, ông Phạm Văn Hà bỗng liên tiếp nhận được 2 quyết định của UBND quận Tây Hồ về việc “buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” phá dỡ công trình trên đất.
Tại Quyết định số 35/QĐ-KPHQ (8/6/2022), UBND quận Tây Hồ cho rằng ông Hà “chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực đô thị” với diện tích 3200m2; buộc ông Hà phá dỡ 3 nhà tạm khung tre mái lá, khung sắt mái tôn để trả lại đất cho UBND phường Phú Thượng quản lý.
Còn tại Quyết định số 70/QĐ-KPHQ (14/10/2022), UBND quận Tây Hồ cho rằng ông Hà “chiếm đất nông nghiệp tại khu vực đô thị” với diện tích 754,7m2 ; buộc ông Hà phải phá dỡ nhà tạm để trả lại đất cho UBND phường Phú Thượng quản lý.
Tại hai Quyết định trên, UBND quận Tây Hồ không xác định thời điểm ông Hà vi phạm, mà chỉ nêu rằng “hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính”.
Không đồng ý với nội dung trên, ông Hà khiếu nại, khẳng định toàn bộ diện tích nêu tại 2 Quyết định trên được gia đình ông khai hoang sử dụng từ trước năm 1980. Ban đầu, do khu vực này thường xuyên bị ngập nên gia đình ông phải trồng tre để chắn sóng, giữ đất. Khi đã có mặt bằng, gia đình ông tiến hành trồng cây nông nghiệp và làm một số nhà tạm để kinh doanh dịch vụ cơm bình dân cá sông. Quá trình sử dụng hơn 40 năm không có tranh chấp với ai và cũng không bị chính quyền địa phương nhắc nhở hay lập biên bản, xử phạt gì.
Đối chiếu với quy định của Luật Đất đai, ông Hà cho rằng gia đình mình phải được công nhận quyền sử dụng đất nêu trên. Còn nếu nhà nước cần thu hồi để thực hiện dự án tại đây thì cần có quyết định thu hồi đất và thực hiện đền bù, hỗ trợ theo quy định.
Trả lời khiếu nại trên, UBND quận Tây Hồ cho rằng khu đất có nguồn gốc là đất bãi bồi ven sông do UBND phường Phú Thượng quản lý. Theo hồ sơ thống kê, kiểm kê đất đai các thời kỳ, diện tích đất 3200m2 được thống kê, kiểm kê vào loại đất chưa sử dụng (cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa giao, chưa cho thuê).
Đối với phần diện tích 754,7m2 , UBND quận Tây Hồ cũng cho rằng, theo hồ sơ thống kê, kiểm kê đất đai các thời kỳ, khu đất trên được thống kê, kiểm tra vào nhóm đất nông nghiệp. Năm 2007, UBND phường Phú Thượng đã ký hợp đồng giao chăm sóc, bảo vệ diện tích đang trồng tre hiện có, chống lấn chiếm, phục vụ công tác phòng chống lụt, bảo vệ đê với bà Nghiêm Thị Hạnh. Hợp đồng hết hạn vào năm 2012).
Đáng nói, tuy trả lời như trên nhưng trong các lần lập biên bản, ra quyết định “buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” quyết định cưỡng chế, và cho đến nay đã thực hiện cưỡng chế phá dỡ xong thì UBND quận Tây Hồ đều không công khai cho ông Hà được biết cái gọi là “hồ sơ thống kê, kiểm kê đất đai các thời kỳ” thể hiện diện tích đất nông nghiệp, hay đất chưa sử dụng do UBND phường quản lý ra sao; cũng không xác định rõ thời điểm ông Hà bắt đầu sử dụng đất ở khu vực này. Trong khi đó, điểm d, khoản 2, Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ, “người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính”.
Trao đổi với phóng viên , ông Trần Trịnh Hoàng Long, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng cho biết, “vi phạm của ông Hà đã diễn ra từ rất lâu rồi, từ những nhiệm kỳ trước. Tôi cũng không rõ lý do vì sao trước đây địa phương không lập biên bản, xử lý ngăn chặn đối với ông Hà”.
Về những tài liệu địa chính liên quan hai phần đất ông Hà sử dụng, ông Long đã cung cấp cho phóng viên trích lục bản đồ, sổ mục kê năm 1986 và trích lục bản đồ năm 1986. Tuy nhiên, những tài liệu này cũng chỉ thể hiện chung chung khu vực đất ông Hà sử dụng là “đất khác” hoặc “bãi cỏ” chứ không có thửa đất nào là “đất nông nghiệp” và “đất chưa sử dụng” đứng tên UBND phường Phú Thượng ở khu vực này.
Cho rằng việc UBND quận Tây Hồ ra Quyết định xử phạt, Quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, Quyết định cưỡng chế là không đúng quy định, ông Hà đã gửi đơn khởi kiện đến TAND TP Hà Nội đề nghị hủy bỏ các quyết định nêu trên, đồng thời có đơn tố cáo việc bị hủy hoại tài sản trong quá trình cưỡng chế phá dỡ công trình.
Tại buổi hòa giải do Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND TP Hà Nội tiến hành vào cuối tháng 8/2023, ông Hà tiếp tục đề nghị đại diện UBND quận Tây Hồ cung cấp các văn bản xác định nguồn gốc đất thu hồi và các văn bản xác định đất nằm trong vùng phân lũ. Tuy nhiên, đại diện UBND quận Tây Hồ lại có ý kiến rằng “đề nghị ông Hà liên hệ với các cơ quan chuyên ngành để yêu cầu cung cấp các tài liệu... UBND quận Tây Hồ giữ nguyên các Quyết định đối với ông Hà”.
Ông Hà khẳng định tiếp tục giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đề nghị bên bị kiện phải xuất trình các tài liệu liên quan trước Tòa.