Chánh tòa Tòa Dân sự TAND tỉnh Quảng Ninh: Phần mềm “Trợ lý ảo” là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các Thẩm phán
“Phần mềm Trợ lý ảo là một bước đột phá trong chuyển đổi số của hệ thống Tòa án, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các Thẩm phán, công chức Tòa án trong công tác quản lý nghiệp vụ, giải quyết các vụ án…”, đó là chia sẻ của Thẩm phán trung cấp Tạ Duy Ước, Chánh tòa Tòa Dân sự - TAND tỉnh Quảng Ninh với PV Báo Công lý khi nói về vai trò, giá trị của phần mềm “Trợ lý ảo” hiện đang được áp dụng trong hệ thống Tòa án.
PV: Thưa ông, phần mềm “Trợ lý ảo” được coi là bước đột phá ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ Thẩm phán. Hệ thống Tòa án yêu cầu, bảo đảm 100% các Thẩm phán sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” phục vụ công tác chuyên môn ngay sau khi được tập huấn hướng dẫn sử dụng. Ông nhận định như nào về những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng phần mềm này?
Thẩm phán Tạ Duy Ước: “Trợ lý ảo” là một bước đột phá trong việc chuyển đổi số của hệ thống Tòa án, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các Thẩm phán, công chức Tòa án trong công tác quản lý nghiệp vụ, giải quyết các vụ án. Cung cấp nhiều văn bản pháp luật, án lệ, các bản án và các tình huống pháp lý mang tính thống nhất, trí tuệ chung của Tòa án. Tuy nhiên trong thời gian qua việc khai thác công cụ “Trợ lý ảo” cũng còn có những thuận lợi và khó khăn đối với Thẩm phán.
Về thuận lợi: Các Thẩm phán đều đã có kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị máy tính, điện thoại thông minh nên việc tiếp cận sử dụng phần mềm được tất cả các Thẩm phán khai thác, sử dụng phục vụ trong công tác xét xử, áp dụng pháp luật.
Về khó khăn: Hạ tầng mạng còn có những hạn chế về đường truyền, chưa được xây dựng đầy đủ tại các phòng xét xử, đặc biệt ở một số vùng miền núi, hải đảo nên tại phiên tòa các Thẩm phán chưa có điều kiện khai thác, số lượng tình huống pháp lý còn hạn chế, một số ít tình huống còn mang tính bình luận đưa ra nhiều quan điểm nên tính tham khảo còn hạn chế.
Một số Thẩm phán tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế, kỹ năng tra cứu, tìm kiếm chưa được cao, việc tham gia bình luận, đưa ra các tình huống pháp lý chưa được nhiều nên chưa khai thác được tối đa công cụ “Trợ lý ảo” phục vụ vào công tác xét xử.
PV: Xin ông cho biết việc áp dụng phần mềm “Trợ lý ảo” có ảnh hưởng tới tính độc lập trong phán quyết của các Thẩm phán hay không?
Thẩm phán Tạ Duy Ước: Phần mềm “Trợ lý ảo” chứa đựng các dữ liệu về Văn bản pháp luật, án lệ, các bản án và các tình huống pháp lý thực tiễn diễn ra trong quá trình xét xử để Thẩm phán tra cứu, tham khảo.
Trong mỗi vụ án đều có những tình tiết riêng, khi giải quyết, xét xử các vụ án Thẩm phán phải tuân theo các quy định của pháp luật, lựa chọn áp dụng những quy định phù hợp với các tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án để đưa ra phán quyết cuối cùng và phải chịu trách nhiệm trước phán quyết đó nên phần mềm “Trợ lý ảo” chỉ là một công cụ hỗ trợ mà không làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Thẩm phán khi giải quyết, xét xử các vụ án.
PV: Việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống “Trợ lý ảo” được chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn 1 (năm 2021), Trợ lý ảo được xây dựng phù hợp với tính chất, đặc thù của Tòa án, hoàn thiện phần cơ sở dữ liệu pháp luật hướng đến các bộ luật để xây dựng, hình thành kênh tri thức, đáp ứng nhu cầu về tra cứu thông tin như: chỉ dẫn pháp luật, tra cứu văn bản pháp luật, hỏi đáp về án lệ…, giai đoạn 2 (năm 2022), giai đoạn 3 (từ năm 2023 -2030). Xin ông cho biết, qua từng giai đoạn, đơn vị đã có những kế hoạch chuẩn bị, áp dụng và triển khai như thế nào?
Thẩm phán Tạ Duy Ước: Ngay từ khi phần mềm “Trợ lý ảo” được đưa vào hoạt động, nhận thức được giá trị của ứng dụng này, được sự quan tâm của đồng chí Chánh án tỉnh, đơn vị đã cử những Thẩm phán có kinh nghiệm, cán bộ tin học trực tiếp tham gia học tập sử dụng phần mềm tại Trung tâm giám sát điều hành TANDTC, sau đó phổ biến, hướng dẫn cho toàn thể cán bộ, Thẩm phán trong tỉnh, 100% Thẩm phán đã tham gia bình luận, đóng góp các tình huống pháp lý vào phần mềm “Trợ lý ảo” và trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xét xử, quản lý nghiệp vụ trong năm 2022 và 2023.
Trong giai đoạn 2023 đến 2030 để đáp ứng nhu cầu quản lý nghiệp vụ, tra cứu, cũng như tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. TAND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nâng cao cơ sở hạ tầng, đảm bảo cho cán bộ, Thẩm phán có đầy đủ các điều kiện tốt nhất để khai thác “Trợ lý ảo” ở tất cả các giai đoạn giải quyết vụ án, tiếp tục nâng cao kỹ năng khai thác, sử dụng “Trợ lý ảo” có hiệu quả; chủ động, tích cực tham gia góp ý, bình luận, xây dựng các tình huống pháp lý mới để góp phần hoàn thiện hơn phần mềm “Trợ lý ảo”.
PV: Qua một thời gian sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo”, ông thấy hiệu quả công việc có sự khác biệt thế nào, các Thẩm phán trong đơn vị khi sử dụng phần mềm có gặp khó khăn, vướng mắc gì không thưa ông?
Thẩm phán Tạ Duy Ước: Phần mềm “Trợ lý ảo” được đưa vào sử dụng so với trước đây đã giúp Thẩm phán và cán bộ Tòa án nâng cao nhận thức pháp luật, tạo ra những kỹ năng trong thao tác nghiệp vụ, tìm kiếm quy định pháp luật, xử lý các tình huống thực tiễn được nhanh chóng, chuyên nghiệp góp phần tiết kiệm nhiều thời gian, giải quyết các vụ án đúng hạn, đúng pháp luật và có tính thống nhất trong việc xử lý tình huống cao hơn.
Trong quá trình sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” Thẩm phán vẫn còn gặp một số khó khăn nhỏ do kỹ năng sử dụng chưa cao, chưa xác định được các từ khóa tìm kiếm nên hiệu quả còn hạn chế.
PV: Phần mềm “Trợ lý ảo” được xem như một cánh tay đắc lực, hỗ trợ cán bộ hành chính tư pháp Tòa án tiếp nhận và xử lý các loại đơn tư pháp. Đây cũng được xem như một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình xây dựng Tòa án điện tử, thể hiện quyết tâm trong công cuộc chuyển đổi số của TANDTC, ông có chia sẻ gì về nội dung này?
Thẩm phán Tạ Duy Ước: Với những giá trị, kết quả tích cực của phần mềm “Trợ lý ảo” mang lại, qua 2 năm ứng dụng vào hoạt động thực tiễn quản lý hành chính tư pháp, công tác xét xử của Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Ninh nói riêng và hệ thống Tòa án nói chung đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong hoạt động xét xử.
Chúng ta cần thiết tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp phần mềm “Trợ lý ảo” để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, xu thế phát triển của kỷ nguyên số trên thế giới, góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ công lý, xây dựng Tòa án điện tử trong những năm tới, theo đúng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đối với hệ thống Tòa án.
PV: Xin cảm ơn ông!