Nhịp cầu Công lý

Hớn Quản (Bình Phước): Công ty Rạng Đông “bạt” rừng phòng hộ tại mỏ đá Andesit

Xuân Thao - Lê Hoàng 20/11/2023 10:02

Chỉ đến khi kiểm tra để giải quyết tranh chấp, cơ quan chức năng mới phát hiện có một phần diện tích thuộc quy hoạch rừng phòng hộ “nằm” trong… giấy phép khai thác đá được cấp cho một doanh nghiệp từ 8 năm trước. Tuy nhiên, việc xử lý những vấn đề liên quan đến đất rừng phòng hộ còn phải chờ cơ quan chức năng xác định cụ thể... Đáng quan tâm là Công ty Rạng Đông đã từng tự ý “bạt” rừng phòng hộ bị xử phạt hành chính.

Bị xử phạt vì “bạt” rừng phòng hộ.

Chứng kiến sự xuống cấp hạ tầng giao thông, mật độ phương tiện vận chuyển đá lưu thông, sự ô nhiễm môi trường, chúng tôi rất đồng cảm trước sự bức xúc của người dân địa phương. Những đoàn xe benz hạng nặng, có trọng tải 30- 40 tấn chở đá, ì ạch trên tuyến đường đầy “ổ voi” luôn gây khiếp đảm đối với người dân khi đi qua ấp 7 và 8 xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Đoàn xe này “ăn” đá từ mỏ của Công ty cổ phần khai khoáng phát triển Rạng Đông (viết tắt là Công ty Rạng Đông), nơi có một phần cánh rừng phòng hộ, “lá phổi xanh” bị cho là biến mất trước vi phạm của doanh nghiệp này…

anh-1.jpg
Xe benz vừa “ăn đá” của Công ty Rạng Đông đang ì ạch bò qua “ổ voi”.

Theo tìm hiểu, hơn 9 năm trước, Công ty Rạng Đông do bà Trương Thị Mỹ Luận làm giám đốc được nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án đầu tư “Khai thác và chế biến khoáng sản đá xây dựng mỏ đá Andesit” tại ấp Chà Lon. Ngày 01/07/2015, doanh nghiệp này được cấp Giấy phép số 28/GP-UBND, khai thác đá xây dựng bằng phương pháp lộ thiên với diện tích lên đến 22,7 ha, công suất 250.000 m3 trong thời gian 30 năm. UBND tỉnh phê duyệt số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp từ 2018 đến 2029 chỉ ở mức 2,1 tỷ đồng (làm tròn số)/năm.

Đáp lại những “ưu đãi” khó có thể tốt hơn đó, Công ty Rạng Đông ngang nhiên hoạt động vi phạm pháp luật. Bởi qua rà soát, ngày 1/8/2022, Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Phước phát hiện, lập biên bản vi phạm đối với Công ty Rạng Đông vì đã thực hiện hành vi chuyển đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp để hoạt động khai thác đá tại ấp Chà Lon với diện tích khoảng 45.200m2.

Tiếp đó, ngày 10/08/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định số 1422/QĐ-XPHC, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với hình thức phạt tiền Công ty Rạng Đông 150 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc công ty giữ hiện trạng sử dụng đất và lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng dự án đầu tư đã được chấp thuận. Ngoài ra, doanh nghiệp phải nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là 4,34 triệu đồng.

Đã hơn 1 năm qua nhưng vụ “bạt” rừng phòng hộ này chưa khép lại. Trước đề nghị của UBND xã Minh Đức, ngày 11/08/2023, UBND huyện Hớn Quản giao Phòng TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị kiểm tra, rà soát hồ sơ liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Rạng Đông.

Ngày 16/08/2023, các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, xác minh thực địa. Kết quả cho thấy, Đối với 1,4ha đất Công ty Rạng Đông đang tranh chấp với ông Đặng Xuân Thịnh (chúng tôi sẽ đề cập ở một bài báo khác), đoàn kiểm tra phát hiện diện tích này nằm trong phạm vi ranh giới khu vực đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản và đặc biệt, đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ (chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Thế nhưng Công ty này đã tiến hành “bóc tách tầng phủ” nhưng chưa lập thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Hành vi tự ý chuyển đất rừng phòng hộ sang đất hoạt động khoáng sản đã bị xử lý.

Kiến nghị làm rõ "điểm mờ" trong cấp phép khai thác khoáng sản

Cùng với đó, đoàn kiểm tra nhận thấy một phần diện tích cấp phép cho Công ty Rạng Đông khai thác đá theo Giấy phép số 28 là thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng. Từ đó, Phòng TN&MT huyện Hớn Quản kiến nghị UBND huyện báo cáo UBND tỉnh Bình Phước xem xét lại việc thực hiện dự án khai thác, chế biến khoáng sản của Công ty này đối với phần diện tích thuộc quy hoạch rừng phòng hộ.

anh-2.jpg
Một góc mỏ đá của Công ty Rạng Đông nhìn từ trên cao

Với trách nhiệm bảo vệ môi trường, Phòng TN&MT huyện Hớn Quản kiến nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo, yêu cầu Công ty Rạng Đông nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác đá; Chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, đo đạc nhằm đánh giá chính xác mức sâu và công suất đã khai thác tại mỏ đá; Phối hợp với Công an tỉnh tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác đá. Trường hợp phát hiện Công ty có hành vi phạm pháp, đề nghị xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Phòng TN&MT huyện Hớn Quản còn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an thường xuyên chỉ đạo đơn vị chức năng làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản của Công ty Rạng Đông.

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý sáng 16/11/2023, ông Phạm Văn Trinh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Tỉnh đã nhận được báo cáo của UBND huyện Hớn Quản và ngày 06/09/2023 đã có Văn bản số 3082/UBND-KT chỉ đạo, giao Sở TN&MT phối hợp Sở NN&PTNT xem xét giải quyết; ra soát toàn bộ hồ sơ liên quan, làm rõ sự phù hợp với quy định pháp luật… đối với Giấy phép khai thác khoáng sản số 28/GP-UBND ngày 01/07/2015.

Chiều 16/11/2023, chúng tôi tiếp tục thu thập thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Bình Phước. Được biết, ngày 10/10/2023, đại diện Sở TN&MT phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, UBND huyện Hớn Quản đã kiểm tra thực địa, thu thập các tài liệu liên quan đến khu vực mỏ. Đại diện Sở NN&PTNN, UBND huyện Hớn Quản chưa xác định được cụ thể về quy hoạch, vị trí, ranh giới, tọa độ các điểm khép góc diện tích là đất rừng phòng hộ chồng lấn với diện tích 22ha mà UBND tỉnh đã cấp phép cho Công ty Rạng Đông khai thác đá.

Các đơn vị thống nhất đề nghị Sở NN&PTNT có văn bản góp ý về nguồn gốc đất tại khu vực mỏ, trong đó đề nghị làm rõ thời kỳ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đất rừng phòng hộ theo từng thời kỳ, gửi về trước ngày 20/10/2023 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Tuy nhiên đến nay Sở TN&MT chưa nhận được hồi âm. Do đó, Sở TN&MT đang ban hành văn bản đề nghị Sở NN&PTNT phúc đáp trước ngày 21/11/2023.

Diễn biến trên cho thấy sự vào cuộc tích cực của UBND tỉnh Bình Phước và các cơ quan chức năng nhằm làm rõ những bất thường xung quanh việc Công ty Rạng Đông khai thác đá trên diện tích quy hoạch rừng phòng hộ. Các tài liệu thể hiện nhiều vấn đề cần được khách quan xem xét lại, đặc biệt trong việc thẩm định dự án về quy hoạch liên quan đến bảo vệ rừng phòng hộ.

Điều đáng quan tâm là trong khi các cơ quan có thẩm quyền “chưa xác định cụ thể về quy hoạch, vị trí, ranh giới, tọa độ…” thì theo phản ánh, hiện Công ty Rạng Đông vẫn liên tục nổ mìn phá đá và những xe “hổ vồ” vẫn ì ạch chở đá đi tiêu thụ. Còn những tiếng mìn nổ chói tai ở khu vực nào, với vị trí, độ sâu khai thác là bao nhiêu là bí ẩn với người dân, vì với họ, khu vực khai thác đá của Công ty Rạng Đông là… “bất khả xâm phạm”.

Với chúng tôi, khi tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra ở đây cẩm thấy thật xót xa. Không rõ với khoảng 2,1 tỷ đồng/năm thu được từ quyền khai thác khoáng sản mà Công ty Rạng Đông nộp ngân sách tỉnh liệu có “bõ” với những đoạn đường đầy rẫy “ổ voi” là hậu quả những đoàn xe hạng nặng chở đá gây ra, với những tiếng nổ inh tai nơi có nhiều người già sống tập trung ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp, với những diện tích rừng phòng hộ bị xâm hại ảnh hưởng đến môi trường và rất có thể là những hồ nước khổng lồ tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt và sạc lở đất(!?)

Dư luận đang chờ động thái của tỉnh Bình Phước đối với Công ty Rạng Đông khi làm rõ những “điểm mờ” của việc cấp phép trước đây mà cơ quan chức năng vừa phát hiện.

Báo Công lý sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc này khi có diễn biến mới.

Xuân Thao - Lê Hoàng