Những thầy giáo nặng lòng với nghệ thuật nơi non cao (Bài 3): Nhà giáo với sứ mệnh chấn hưng văn hóa thời đại mới
Những người dạy nghệ thuật ở vùng cao không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn là những người “lái đò” tâm huyết, tạo nên dấu ấn sâu sắc trong trái tim của mỗi học trò, đánh thức niềm đam mê và khám phá vẻ đẹp nghệ thuật nơi non cao bình dị. Và chính họ cũng là những nghệ nhân, truyền nhân với niềm đam mê, hoài bão cháy bỏng muốn lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa, nghệ thuật của dân tộc mình.
Những nhịp cầu kết nối
Những thầy, cô giáo giảng dạy tại Khoa Văn hóa - Nghệ thuật trường Cao đẳng Lào Cai nói riêng và các nhà giáo trong ngành nghệ thuật nói chung, không chỉ là những người truyền đạt kiến thức, kỹ năng nghệ thuật, mà còn đóng vai trò quan trọng như những cầu nối giữa giá trị bản sắc dân tộc từ quá khứ đến tương lai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các văn nghệ sĩ: “Làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu sâu vốn của dân tộc thì không làm được”. Hiểu rộng ra thấy rằng, người dạy nghệ thuật cũng là người nghệ sĩ. Họ phải đào sâu vào quá khứ để tìm nguồn mạch nuôi dưỡng, làm giàu hiện tại và truyền đạt lại cho học trò. Chỉ có văn hóa truyền thống dân tộc mới tạo ra bản sắc, mà bản sắc được coi như sứ giả trung thành, tin cậy nhất trong việc gắn kết, làm giàu có cho gia tài văn hóa quốc gia.
Hơn ai hết, họ hiểu rằng: Với bất kỳ dân tộc nào, trong bối cảnh hội nhập, việc giáo dục văn hoá, nghệ thuật truyền thống là để đối mặt với sự xâm lăng văn hóa. Như một quy luật, chỉ có sức mạnh văn hóa nội sinh mới có thể tạo ra một sức đề kháng đủ mạnh để chống lại sự xâm lăng này. Văn hóa bản địa càng mạnh sẽ biến hại thành lợi, sẽ đồng hóa ngược lại văn hóa ngoại sinh, thông qua chọn lọc để biến văn hóa xâm nhập thành văn hóa của mình.
Chính vì vậy, các thầy, cô Khoa Văn hóa - Nghệ thuật tại trường Cao đẳng Lào Cai đã không ngừng nỗ lực tự rèn luyện, học hỏi những kiến thức mới, đi sâu vào nghiên cứu bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Từ đó, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật, những giáo trình trên giảng đường chất chứa đầy đủ tính đại chúng, tính nhân văn và phù hợp với chân – thiện – mỹ của dân tộc Việt Nam.
Những sứ giả văn hóa
Những công lao mà các thầy, cô của Khoa Văn hóa - Nghệ thuật trường Cao đẳng Lào Cai tạo nên đã được các tổ chức, đoàn thể ghi nhận. Điển hình là 14 năm cống hiến với những thành tích ấn tượng của thầy Đỗ Xuân Quỳnh, Trưởng khoa Văn hóa - Nghệ thuật kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo và biểu diễn nghệ thuật (Trường Cao đẳng Lào Cai).
Từ năm 2013 đến 2019, thầy Quỳnh giành không ít giải thưởng trong những hội thi, cuộc thi sáng tác âm nhạc trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có 2 giải A, 2 giải B, 8 giải C Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh; Giải C của Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật toàn quốc.
Mới đây nhất, tác phẩm "Tiến quân ca trên đỉnh Phan Xi Păng" của nhạc sỹ Xuân Quỳnh đã đạt Giải A tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt II.
Trong hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất biên giới, nhạc sỹ đã viết hàng loạt ca khúc về tất cả các huyện, thị xã, thành phố của Lào Cai như: Bảo Yên câu ca quê mình; Bảo Thắng tuổi thơ tôi; Mường Khương phiên chợ núi; Mường Khương ngày mới; Hoa mận cao nguyên trắng; Suối tình biên cương; Lào Cai thành phố của tôi; Gặp em trên đỉnh sương mây; Cô gái vùng cao xinh đẹp; Chuyện tình bên bờ suối…
Những ca khúc mang đậm âm hưởng dân gian của các dân tộc vùng cao, khai thác, phổ biến chất liệu dân gian trong âm nhạc của các dân tộc rất ít người đến với công chúng và các em học sinh.
“Những làn điệu, lời hát dân ca của các nghệ nhân già sẽ ngày càng mai một nếu không có lớp kế cận học tập và lưu truyền. Chính vì vậy, các giờ giảng trên lớp hay những tác phẩm của tôi chỉ đóng góp một phần nhỏ bé để bảo tồn giá trị văn hóa đẹp đẽ của chính đồng bào mình tới thế hệ mai sau”, thầy Quỳnh chia sẻ.
Ngoài thầy Quỳnh, Phó trưởng khoa Văn hóa - Nghệ thuật, thầy Nguyễn Hà Trung cũng học tập và làm việc với tinh thần nhiệt huyết đó. Là một người con của dân tộc Thái, thầy Trung tựa như “nhịp cầu” kết nối giá trị văn hóa truyền thống tới tương lai.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Tân Yên, tỉnh Lai Châu, thầy Hà Trung có cơ hội được tắm mình trong những điệu múa Thái. Là học trò khóa đầu tiên của Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Lào Cai, thầy Hà Trung đã ở lại làm giảng viên sau nhiều năm bồi dưỡng thêm kiến thức cần thiết.
Với tài năng, tình yêu cùng nhiệt huyết với nghệ thuật múa, thầy Hà Trung đã giành nhiều huy chương văn hóa nghệ thuật toàn quốc, được cử đi tập huấn tại Đại học Nghệ thuật Vân Nam, Trung Quốc. Với tâm huyết của một nhà giáo, thầy Trung đã giành Giải 3 Hội thi giáo viên dạy giỏi toàn quốc. Tháng 10/2023, giành giải A cuộc thi biên đạo tác phẩm múa của Hội nghệ sĩ múa Việt Nam. Thầy cũng dẫn dắt bao thế hệ học sinh gặt hái được thành công, trong đó có nghệ sĩ múa nổi tiếng Nùng Văn Minh.
Là người con của dân tộc Thái, thầy Hà Trung luôn tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa nơi mình sinh ra. Thầy đã ba lần tổ chức lễ hội văn hóa Thái tại Lào Cai, mở nhà hàng đặc sản Thái và tạo công ăn việc làm cho hàng chục sinh viên đang theo học ở trường.
Tâm huyết của thầy Xuân Quỳnh, thầy Hà Trung đã góp phần mang văn hóa nghệ thuật truyền thống vươn cao, tạo ra những giá trị tinh hoa đặc sắc.
Đã có không ít những lời mời, những đề nghị ở những vị trí chuyên môn tốt hơn, có cơ hội thăng tiến nhiều hơn, nhưng các thầy đã chọn ở lại. Ở lại để cống hiến, ở lại để chia sẻ. Và ở lại cũng chính là chấp nhận lựa chọn sự hy sinh thầm lặng cho những thế hệ tài năng tương lai của đất nước. Họ chọn là rễ sâu, thân chắc, tán rộng để che chở, dìu dắt những mầm xanh.
Đó cũng là việc làm dựa trên lời dạy sâu sắc và vô cùng tinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta, thì phải đừng bị trói buộc bởi những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây... phải dựa trên tiêu chuẩn của ta. Tiêu chuẩn ấy là gì? Đó là nền mỹ học ẩn chứa trong thực tiễn truyền thống nghệ thuật dân gian, dân tộc”.
Thực hiện: Tuyết Nhung