Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của EVN: Mấu chốt là để đưa ra giá sao cho minh bạch
Đời sống - Ngày đăng : 21:58, 22/09/2015
Ba phương án tính giá
Trong buổi hội thảo dự thảo Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được chủ trì bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện cùng Công ty TNHH Tư vấn Quản lý và Phát triển Việt Nam (CMD), 3 phương án giá điện mới đã được đưa ra. Phương án 1 là sẽ giữ nguyên biểu giá lũy tiến 6 bậc như hiện hành, phương án 2 là biểu giá một mức duy nhất (đồng giá) và phương án 3 là rút gọn biểu giá điện bậc thang từ 6 xuống còn 3 hoặc 4 bậc.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, đại diện Công ty tư vấn cho EVN xây dựng ba phương án biểu giá điện vừa qua - cho rằng lý do cần cải tiến biểu giá cũ là vì cơ cấu biểu giá điện hiện tại không còn phù hợp.
Ông Thỏa nhấn mạnh về lâu dài phải cải tiến cả biểu giá điện sinh hoạt, điện sản xuất, điện kinh doanh… Nhưng trước mắt cần cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, bởi có rất nhiều ý kiến cho rằng biểu giá điện cần hợp lý hơn.
Biểu giá điện hiện hành gồm 6 bậc, có nhược điểm, có nhiều khó khăn trong quản lý, ghi chỉ số công tơ. Người tiêu dùng cũng rất khó theo dõi.
Theo ông Thỏa, khi xây dựng biểu giá ở VN, công ty tư vấn đã xem xét cách tính của các nước thế nào, xem cách làm của VN có “trái khoáy” không. Theo đó, các nước đều có nét riêng nhưng có điểm chung là đều phân biệt điện theo mục đích sử dụng: điện sinh hoạt, điện công nghiệp...; Hàn Quốc 6 bậc, Hong Kong 7 bậc, Malaysia 5 bậc…
Quy hoạch phát triển ngành điện chưa tốt nên giá điện cao (Ảnh: PV)
PSG.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả, chuyên gia đầu tiên phát biểu ý kiến đóng góp trong buổi tranh luận đã nêu ra ý kiến nên tiếp tục áp dụng biểu giá điện 6 bậc lũy tiến, tức phương án 1, song cần phải có sự điều chỉnh lại.
“Biểu giá lũy tiến 6 bậc như hiện nay vẫn được, khi cần quản lý, tính toán thì không có gì khó khăn cả bởi có thể sử dụng đến các công cụ, phần mềm máy tính. Với biểu giá điện lũy tiến sẽ khuyến khích việc sử dụng tiết kiệm điện, thế nhưng phải có sự sửa đổi”, ông Long nêu ý kiến.
Cụ thể theo ông, nên điều chỉnh hệ số theo phân khúc giảm bớt đi bởi biểu giá lũy tiến từng bậc hiện nay còn chênh nhau quá lớn, ví dụ như từ bậc 1 là hơn 1.400 đồng/kWh nhưng bậc 4 lên tới hơn 2.200 đồng/kWh.
Theo ông Long, VN là nước nghèo, phân tầng xã hội lớn. Nên công cụ giá phải phân ra, để người dân có thể dùng được theo đúng thực trạng của họ.
Cho rằng trong 6 bậc hiện nay, thì hai bậc đầu chỉ giảm khoảng 5% so với giá bình quân. Mức giá này chỉ không có lãi, trong khi các bậc sau, có cái tăng khoảng 50% so với giá bình quân.
Với cơ chế này, ông Long nghi ngờ sẽ vi phạm mức giá bình quân điện sinh hoạt 1.747 đồng/kwh. Cho rằng đời sống đã nâng lên, vì vậy nên để các bậc thang giãn ra nhiều hơn. Bậc giá tăng 1,5 lần chỉ nên áp dụng cho người dùng trên 600kwh/tháng…
Giá nào là hợp lý?
PSG.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Việt Nam cũng đồng ý với lũy tiến bậc thang nhưng chỉ nên ở khoảng từ 3 hoặc 4 bậc, và nên nâng mức giãn cách giữa các bậc về lượng điện và giảm mức độ chênh lệch giữa các mức giá của các bậc.
Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính) cho rằng: “Giá điện bậc thang vẫn là ưu việt, phù hợp với điều kiện ở VN hiện nay”. Theo ông Thụy, tại VN, cung điện mới vừa cân bằng với cầu nên biểu giá bậc thang sẽ khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Mặt khác, trong thị trường điện cạnh tranh, nếu tổng nhu cầu sử dụng điện thấp thì giá điện bậc thang cũng phù hợp. Việc áp giá điện bậc thang cũng không mâu thuẫn với quy luật thị trường là hàng hóa dùng càng nhiều, giá phải càng rẻ, bởi quy luật này chỉ đúng trong trường hợp cung đã vượt cầu, nhưng với mặt hàng điện thì ngược lại.
Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Ngô Tuấn Kiệt - Nguyên Viện trưởng Viện khoa học năng lượng cho rằng, vấn đề không nằm ở giá là bao nhiêu mà mấu chốt là cơ sở để đưa ra giá sao cho minh bạch, tâm phục khẩu phục.
Nói cách khác là bài toán quy hoạch phát triển ngành điện đã làm chưa tốt. Và đây chính là nguyên nhân khiến người tiêu dùng đang phải chịu điện giá cao. Trước hết là về quy hoạch phát triển. Quy hoạch chưa tốt do dự báo nhu cầu điện năng không sát. Hệ luỵ phải đến là nhà máy thủy điện xây dựng tràn lan. Vốn đã đổ vào đầu tư xây dựng nhà máy điện, nhưng chưa ra được sản phẩm dẫn đến tổng chi phí gia tăng do phải trả lãi và hệ luỵ tất yếu là giá thành sản xuất điện năng phải tăng theo. Người tiêu dùng phải chịu.
Trường hợp nhà đầu tư phải chịu, thì sẽ không ai tiếp tục đầu tư và hệ luỵ sẽ là khủng hoảng thiếu và đến thời điểm nào đó giá điện sẽ phải tăng vọt.
Thứ hai là bài toán tối ưu hóa vận hành. Điện trong nước giá rẻ không mua được phải đi mua điện Trung Quốc giá cao là vì các nguồn điện nhỏ, sản phẩm do họ sản xuất ra thường nhỏ, không ổn định và phức tạp thêm vấn đề quản lý vận hành của ngành điện. Mặc dù hiện nay, nguồn cung trong nước khá ổn định, nhiều thủy điện nhỏ muốn bán được điện cho EVN, nhưng nhu cầu phụ tải thấp, EVN chưa thể đáp ứng được tất cả là điều có thể hiểu được.
Thẩm quyền làm giá của EVN?
Chưa bàn đến biểu giá mà bàn đến giá điện cụ thể, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - nói thẳng không hiểu biểu giá điện, không hiểu sao EVN đưa ra được các con số biểu giá.
Vấn đề, theo ông Cung, là phải tăng tính thị trường, chứ hiện tại cả khía cạnh về thể chế và kỹ thuật đều chưa thấy cách giải quyết để tiến đến thị trường cạnh tranh. Vì thế đến năm 2021-2022 VN sẽ có thị trường bán lẻ cạnh tranh theo lộ trình Bộ Công Thương đưa ra.
Đặc biệt, ông Cung nói ông ngạc nhiên khi EVN đứng ra làm hội thảo về biểu giá. "Đúng ra phải là Bộ Công Thương, vì EVN không thể làm giá điện cho Nhà nước. EVN chỉ làm giá điện cho chính EVN chứ không nên làm giá cho cả ngành điện. Cần xem xét đúng chức năng, thẩm quyền của EVN", ông Cung nói và đề nghị phải thúc đẩy cạnh tranh để giảm chi phí… Cũng bởi giá điện thuộc thẩm quyền quản lý của Nhà nước.
“EVN không phải là người thực hiện, mà EVN làm giá trong ngành điện cũng không phải. Cần phân biệt rất rõ chức năng và thẩm quyền làm việc này, nếu không mọi người sẽ quy vào EVN đại diện cho Nhà nước”, ông Cung nói.
Cùng quan điểm, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng đang có sự nhầm lẫn về chức năng, nhiệm vụ trong xây dựng giá điện. Bởi giá điện là vấn đề nhạy cảm, nên phải do cơ quan chức năng có nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ trong xây dựng phương án và quản lý giá điện là Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đảm nhiệm. “Cục Điều tiết Điện lực cần phải đứng ra thực hiện việc này. Nên có sự phân biệt rõ ràng chức năng, cách tiếp cận khác”, ông Thiên khuyến nghị.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN thì cho rằng EVN không phải là đơn vị sản xuất bình thường về điện, mà còn là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp điện cho toàn ngành kinh tế.
Do đó, EVN có trách nhiệm làm sao để thị trường phát triển và giảm bớt vai trò độc quyền. Vì thế việc xây dựng biểu giá điện cũng là một trong những nhiệm vụ mà Tập đoàn phải thực hiện. Do đó, buổi Hội thảo lấy ý kiến này được EVN thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Thừa nhận trách nhiệm chính trong xây dựng biểu giá bán lẻ điện là trách nhiệm của Bộ Công Thương, song theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), trước đó Bộ Công Thương đã giao cho EVN xây dựng các phương án để trình lên lấy ý kiến.