Thầy giáo khuyết tật về cơ thể nhưng trọn vẹn về tâm hồn
Bị di chứng chất độc da cam khiến thầy Hương bị khuyết tật 2 bàn chân và 1 phần cánh tay trái. Thế nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, thầy Hưng đã đứng trên bục giảng gần 30 năm và có câu chuyện tình đẹp như mơ cùng nữ đồng nghiệp.
Viết tâm thư xin được đi học
Thầy Đào Thanh Hương (SN 1976, tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), sinh ra trong 1 gia đình có 3 anh chị em. Thế nhưng có lẽ cuộc đời như muốn thử thách lòng người, bởi từ khi sinh ra thầy Hương đã bị khuyết tật bẩm sinh, khuyết đi đôi bàn chân và 1 phần cánh tay trái.
Gia đình đã rất đau xót nhưng không thể cưỡng lại, bởi do di chứng chất độc da cam từ người bố mắc phải khi chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Cả nhà có 3 anh chị em, chỉ mình thầy Hương là con trai và cũng chỉ mình thầy Hương bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Đến khi khoảng 3 tuổi, thầy Hương tập đi, thế nhưng cứ đứng lên bước đi là bị ngã, chỉ đến khi phần chân tiếp xúc với đất chai lì mới có thể tập tễnh bước đi.
Trong suốt quá trình học mầm non, tiểu học rồi trung học, thầy Hương học gần nhà nên được gia đình hỗ trợ nhiều trong việc đi lại. Đến khi nhận kết quả đậu vào trường THPT Hậu Lộc 1, niềm vui đan xen lẫn với nỗi lo sợ, bởi lẽ trường cách nhà chừng 10km, gia đình không thể hỗ trợ thầy Hương được nhiều như trước. Và thầy Hưng quyết tâm học đi xe đạp.
“Lúc đó tôi chỉ có 1 quyết tâm duy nhất, muốn đi học thì phải học đi xe đạp. Và cứ thế, tôi lên xe là ngã, không nhớ ngã bao nhiêu lần, bao nhiêu lần chảy máu, sưng tấy nhưng rồi tôi cũng đã biết đi xe đạp. Nhưng cũng thật may mắn, thời điểm đó tôi có 1 người bạn thân gần nhà, cũng học cùng trường nên bạn giúp đỡ tôi rất nhiều, đó cũng là người bạn thân nhất cuộc đời tôi” – thầy Hương chia sẻ.
Tốt nghiệp cấp 3 với thành tích xuất sắc, Đào Thanh Hương quyết tâm thi đậu đại học với 1 ước mơ cháy bỏng là được làm thầy giáo, để về “gieo chữ” cho trẻ em nghèo quê hương. Một lần nữa, kết quả đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa (nay là Trường Đại học Hồng Đức) lại đi kèm với 1 tin buồn.
“Nhà trường không nhận tôi vì khiếm khuyết cơ thể, không còn cách nào khác tôi chỉ còn cách viết “tâm thư” gửi Ban giám hiệu, xin được đi học và cam kết chỉ học hai năm đầu đại cương ở trường, sau đó sẽ xin liên hệ học tập nơi khác”, thầy Hương nói.
Sau 1 tuần ngóng đợi tin, thầy Hương vỡ òa sung sướng khi nhà trường đã tiếp nhận và thầy đã có cơ hội được thực hiện ước mơ của cuộc đời.
Trong quá trình học tập tại trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, sinh viên Đào Thanh Hương luôn đạt kết quả xuất sắc, luôn tham gia nhiệt tình các hoạt động khác của nhà trường. Chứng kiến nỗ lực đó, nhà trường đã quyết định cho Đào Thanh Hương tiếp tục theo học để hiện thực hóa ước mơ.
Tình yêu bắt nguồn từ … duyên số
Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy giáo Đào Thanh Hương được phân công về giảng dạy tại trường THCS Đa Lộc, cũng là quê hương của mình. Tại đây, thầy Hương đã cống hiến cho ngành giáo dục, luôn cố gắng hết mình với nghề giáo và đặc biệt chính tại ngôi trường này, thầy Đào Thanh Hương đã tìm được mảnh ghép còn thiếu trong cuộc đời mình.
Cô giáo Trần Thị Hương, sau quá trình học tập, công tác thì được phân công về giảng dạy tại trường THCS Đa Lộc. Với vẻ ngoài dịu dàng, xinh xắn, cộng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, đam mê, cô Hương là “đích đến” của nhiều đồng nghiệp khác trong trường.
“Khi đó cô Hương được rất nhiều đồng nghiệp trong trường “nhòm ngó”, tôi cũng chẳng hiểu vì sao cô ấy lại lựa chọn 1 người như tôi, có lẽ là do ... duyên số” – thầy Hương bật cười.
Nghĩ lại về chuyện tình của mình, nét mặt thầy bỗng dưng trầm xuống, bởi lẽ hai người đã phải mất hơn 3 năm ròng mới có thể thuyết phục được gia đình bên vợ.
“Bố mẹ cô Hương ngăn cản cô yêu và lấy tôi, bởi bố mẹ cô đặt rất nhiều kỳ vọng vào cô, giờ lấy tôi nên bị ngăn cản, nhiều lúc nghĩ tôi cũng rất tủi thân. Hôm ngày cưới, tôi tổ chức ngay tại nơi ở (khu tập thể của nhà trường – PV), dưới sự chứng kiến của nhà trường, đồng nghiệp và bạn bè, tuy nhiên bố mẹ cô Hương không đến. Mãi sau này, khi các cháu được sinh ra khỏe mạnh, bố mẹ cô mới dần thay đổi, chấp nhận và yêu thương tôi cũng như các cháu.
Từ trước đến giờ, tôi vẫn không hề trách móc bố mẹ cô Hương, vì khi có con tôi lại càng hiểu được lòng cha mẹ, mới hiểu tình thương dành cho con cái nhiều thế nào, đặc biệt khi cô Hương lại chọn tôi, 1 người khiếm khuyết” - thầy Hương tâm sự.
Chia sẻ với PV, cô Trần Thị Hương cũng không thể giải thích được lý do vì sao lại lựa chọn thầy Hương làm bến đỗ cuộc đời.
“Tôi không hiểu vì sao lại yêu, lại chọn anh ấy, ở bên anh ấy mấy chục năm nay rồi, nhiều lúc khó khăn, vất vả lắm, nhưng rồi cũng qua. Hiện giờ chúng tôi có 1 gia đình hạnh phúc, con cái khỏe mạnh, thông minh. Chúng tôi còn thành lập 1 quỹ khuyến học nho nhỏ, được trích từ tiền lương hàng tháng của 2 vợ chồng. Chúng tôi sẽ dành nó để mua đồ dùng học sinh cho các cháu khó khăn, khi học sinh cần tiền gấp chúng tôi sẽ hỗ trợ, sau này các cháu đi làm lại sẽ hỗ trợ vào quỹ khuyến học này để tiếp tục giúp đỡ các trường hợp khó khăn” – cô Hương cho biết.
Thầy Trần Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Đa Lộc cho biết, thầy giáo Đào Thanh Hương có chuyên môn giỏi, trách nhiệm với công việc, đồng nghiệp và học trò. Trong công tác giảng dạy, thầy liên tục có học sinh đoạt giải cấp huyện; bản thân thầy cũng đạt được nhiều thành tích cao quý, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
“Mặc dù bị khuyết đôi bàn chân và một phần cánh tay trái do di chứng chất độc da cam, song thầy luôn nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thầy Đào Thanh Hương là tấm gương điển hình cho nghị lực vươn lên trong công việc, cuộc sống”, thầy Sơn chia sẻ.