Tọa đàm “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An”
Sáng ngày 18/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Tọa đàm “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An” từ đó nhận rõ tiềm năng, lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu để thu hút đầu tư.
Miền Tây Nghệ An là địa bàn còn nhiều khó khăn
Với diện tích tự nhiên vùng lên đến trên 13,728 triệu km2, dân số toàn vùng khoảng 1,237 triệu người, gồm nhiều đồng bào dân tộc ít người sinh sống như: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Đan Lai, Ơ Đu, Kinh... miền Tây Nghệ An là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Miền Tây Nghệ An có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của tỉnh Nghệ An, với tiềm năng và lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, miền Tây Nghệ An có 11 huyện, với 211 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 27 xã biên giới với 468,281 km đường biên giáp 3 tỉnh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, với 5 cửa khẩu; 4 đường quốc lộ nối hành lang kinh tế Đông - Tây và đường Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi trong giao thông với Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan và các nước trong khu vực. Có 9 huyện nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO chính thức công nhận vào ngày 18/9/2007.
Theo ông Quý, ở miền Tây xứ Nghệ còn có khoảng 41 vạn người đồng bào dân tộc thiểu số, như: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Đan Lai, Ơ Đu, Kinh... Và đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung bộ và cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của tỉnh; có tiềm năng và lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu.
"Một vùng đất rộng lớn như thế, nhưng vì sao vẫn mãi khó khăn. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đang rất trăn trở, tìm hướng để khai phá tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội 11 huyện miền Tây", ông Quý bày tỏ.
Trao đổi về tiềm năng, lợi thế của miền Tây Nghệ An cũng như các cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, địa phương đang tập trung rà soát, xây dựng bổ sung các cơ chế, chính sách và các nguồn lực tài chính cho phát triển và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 3 hành lang kinh tế gắn với địa bàn miền Tây Nghệ An là hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Quốc lộ 7; hành lang kinh tế Quốc lộ 48A…
Đồng thời tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái; phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng; phát triển lâm nghiệp, kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến.
“Miền Tây Nghệ An là địa bàn còn nhiều khó khăn về kinh tế, phát triển còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ, tính liên kết thấp, tiềm năng thế mạnh nổi trội chưa phát huy hiệu quả hạ tầng kinh tế. Bên cạnh đó tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Nhiệm vụ phát triển miền Tây Nghệ An vững mạnh toàn diện để đồng bào các dân tộc ở miền Tây thoát đói giảm nghèo có cuộc sống ngày càng tốt hơn luôn là trăn trở của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An và là nhiệm vụ chính trị lâu dài, có tính chiến lược trong quá trình phát triển của tỉnh”, Bí thư Thái Thanh Quý nêu rõ.
Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 chỉ rõ: “Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây Nghệ An trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hóa; tăng khả năng chống chịu trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”, trong đó tập trung “phát triển rừng cùng với thị trường tín chỉ carbon; chú trọng phát triển sản xuất lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại cây dược liệu”.
Cần định hướng rõ cho sự phát triển của miền Tây Nghệ An
PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, Nghệ An là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế thuộc tốp đầu cả nước. "Nghệ An có biển, sông, núi, rừng, cửa khẩu... đặc biệt cả một vùng miền Tây rộng lớn", ông nói. "Độ khó phát triển thì Nghệ An cũng đứng hàng đầu, điều này gây nhức nhối từ rất lâu rồi. Nếu chỉ có tháo gỡ không thôi thì liệu Nghệ An có phát triển được không?", ông Thiên đặt câu hỏi.
Theo ông Thiên, không chỉ phát triển những vấn đề lịch sử để lại, Nghệ An còn phải chuẩn bị cho một "tương lai" mà Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển của tỉnh. Bởi vậy, để phát triển ông cho rằng, cơ chế cũng phải khác chứ không chỉ còn là "tháo gỡ".
Trần Đình Thiên chia sẻ, Nghệ An có thể học hỏi từ cách làm của tỉnh Sơn La, theo đó định vị lại các tài nguyên, lợi thế hiện có của miền Tây, từ đó lựa chọn hướng phát triển. Khi đã có tầm nhìn chiến lược cần chính sách đột phá thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có những trao đổi về quan điểm, định hướng và sự hỗ trợ cho tỉnh Nghệ An, nhất là vùng miền Tây Nghệ An.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mọi việc đều có giải pháp, nếu cứ tư duy cũ đã là miền núi là nghèo, đồng bào dân tộc thu nhập thấp sẽ không có những thái độ tích cực để thay đổi. Vì vậy, cần có sự phối hợp và hành động từ Trung ương đến địa phương, mang tính chất liên ngành, đa ngành để khơi dậy tiềm năng từ tài nguyên bản địa, văn hóa cộng đồng các dân tộc miền Tây. Không chỉ đo lường tài nguyên bản địa của phía Tây Nghệ An ở xã nào, huyện nào mà phải tư duy về không gian lớn hơn để gia tăng giá trị từ vùng đất này.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, muốn có không gian lớn hơn tư duy phải mở, tư duy mở sẽ có không gian mở, không gian mở giá trị tích hợp nhiều. Rào cản và thể chế cũng có một phần làm khó khăn cho các địa phương.
“Chúng ta đang hướng tới phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, qua trao đổi với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Nghệ An, cho phép Bộ NN&PTNT chọn phía Tây Nghệ An để thí điểm những Đề án mà Bộ đã trình Trung ương, trình Chính phủ để có cái nhìn tích hợp đa tầng giá trị cho ngành nông nghiệp. Nông nghiệp ở đây không chỉ là trồng trọt, chăn nuôi mà còn là văn hóa”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Thông qua tọa đàm “Định hướng chiến lược phát triển kinh trế - xã hội miền Tây Nghệ An” và trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của miềm Tây Nghệ An, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần đưa ra tầm nhìn mới lạc quan hơn trên cơ sở phối hợp hành động có hệ thống từ Trung ương đến địa phương, mang tính chất liên ngành, đa ngành để vừa khơi dậy tiềm năng tài nguyên bản địa, tiềm năng văn hóa, cấu trúc xã hội miền Tây Nghệ An.
Tại Tọa đàm các đại biểu đã trao đổi, cung cấp thêm những góc nhìn cụ thể hơn về thực trạng, tiềm năng, lợi thế, những khó khăn trong phát triển khu vực, những yếu tố tác động phát triển, đồng thời gợi mở những giải pháp vừa tổng thể, vừa cụ thể, thích hợp để có được định hướng rõ hơn cho sự phát triển của miền Tây Nghệ An...