Giáo dục

Cô giáo hơn 22 năm miệt mài “gieo chữ” trên non

Nguyễn Sự 17/11/2023 - 23:31

Hơn 22 năm gắn bó với nghề, cũng là ngần ấy thời gian cô giáo Bùi Anh Đào dành cả thanh xuân của mình để cắm bản, miệt mài “gieo chữ”, mang yêu thương đến với các thế hệ học trò nghèo ở xã Thanh Tân, huyện miền núi Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá.

co_giao_gieo_chu_len_no1.jpg
Hơn 22 năm, cô giáo Bùi Anh Đào tận tụy vì học trò miền núi.

Cô giáo Bùi Anh Đào (SN 1980, ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Sau khi tốt nghiệp khoa Sư phạm của Trường Đại học Vinh, năm 2001, cô được phân công về điểm trường lẻ tại thôn Trung Tiền - Trường Tiểu học Thanh Tân 2, xã Thanh Tân, huyện miền núi Như Thanh để công tác.

Thời bấy giờ, nơi đây còn hoang sơ, người dân còn sống trong cảnh 3 không “không đường, không điện, không trường”. Khó khăn hơn khi tất cả học sinh ở điểm trường lẻ đều là đồng bào dân tộc thiểu số, còn chưa đọc thông viết thạo tiếng phổ thông nên hành trình “gieo chữ” càng gian nan hơn đối với một giáo viên trẻ vừa tốt nghiệp như cô Đào.

Nhớ lại những ngày đầu mới nhận công tác, cô Bùi Anh Đào bộc bạch: “Lúc đầu khi tôi vừa đặt chân lên đây, bản làng còn thưa thớt, giao thông đi lại toàn đường rừng, đường đất nên các em học sinh đi học không đều, nhiều em nói tiếng Việt chưa rõ nên rất khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức. Nhiều đêm đi dạy về, đối mặt với cảnh tối om của núi rừng, tôi đã khóc. Lúc đó, tôi chỉ mong rằng thời gian trôi thật nhanh để có thể xin về dưới xuôi”.

Nhưng tình yêu và niềm đam mê đối với nghề dạy học đã thôi thúc cô giáo Đào phải cố gắng vượt qua. Cùng với đó, chứng kiến những khó khăn, vất vả của các em nhỏ nơi đây, cô càng thấy mình phải có trách nhiệm, đem sức trẻ truyền "con chữ" để giúp các em có tương lai tươi sáng hơn.

co_giao_gieo_chu_len_non2.jpg
Cô giáo Bùi Anh Đào trong chương trình trao mũ bảo hiểm cho em.

Ngoài giờ lên lớp, cô Đào lại tiếp chuyện với những giáo viên cũ, hoặc những người bản địa để học dần tiếng địa phương. Cứ thế, chỉ trong thời gian ngắn, cô đã có thể trò chuyện với các em một cách cởi mở, thân mật. Từ đó, lớp học của cô trò trở nên sôi động hơn, học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.

Thấm thoát thời gian công tác tại vùng cao của cô Đào đã trọn vẹn, điều cô mong mỏi là được trở về công tác tại quê nhà, được sống cùng gia đình, người thân cũng đã đến. Nhưng rồi vì nặng tình với vùng đất khó và trách nhiệm với những học trò thân yêu đã níu giữ chân cô ở lại. Cũng vì vậy, những lá đơn xin chuyển trường của cô chỉ đành gác lại, xem nó như một kỷ niệm của những ngày đầu đứng lớp trong hành trình làm nghề giáo.

Không chỉ truyền đạt kiến thức cho các em học sinh, những cô giáo vùng cao như cô Đào còn phải đảm nhiệm nhiều vai trò khác như tư vấn tâm lí, người làm dân vận, thợ cắt tóc,...

Cô Đào chia sẻ: “Để có thể hoàn thành tốt công tác của mình, những cô giáo vùng cao như chúng tôi ngoài việc đứng lớp nhiều khi còn phải làm cả nhân viên y tế, lẫn thợ cắt tóc. Thậm chí có những lần phải làm chuyên gia tâm lí bất đắc dĩ cho cha mẹ học sinh yên tâm.

Do ở vùng núi cao, bà con quanh năm sống trong nghèo đói, dân trí lại không đồng đều nên mỗi lần về thăm nhà, trong cặp của tôi đi trường ngoài giáo án còn lỉnh kỉnh nào kéo để sẵn sàng cắt tóc cho trẻ, nào là kìm cắt móng tay, là kim chỉ khâu mỗi khi trò có chỗ quần áo bị đứt chỉ mà mẹ chưa kịp vá...rồi dầu gió, các loại thuốc hạ sốt, đau bụng tôi đều mua dự trữ để phòng khi các em đau ốm”.

co_giao_gieo_chu_len_non3.jpg
Ngoài giờ lên lớp, cô Đào còn giúp học sinh có mái tóc gọn gàng, sạch sẽ.

Tính đến nay, hơn 22 năm “cắm bản”, cô giáo Bùi Anh Đào cùng đội ngũ nhà giáo đã “chèo đò” đưa biết bao thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức. Với những cống hiến thầm lặng ấy, cô giáo Đào luôn được thầy cô, đồng nghiệp yêu mến, học sinh và phụ huynh tin cậy.

Hơn 22 năm trong nghề, cô Đào đã nhận được rất nhiều giấy khen, chiến sĩ thi đua cấp huyện, cấp tỉnh. Đặc biệt, niềm vui được nhân lên khi ngay trong dịp kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, cô Đào được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất trong lòng cô chính là nhìn những học sinh của mình trưởng thành hơn.

co_giao_gieo_chu_len_non4.jpg
Hơn 22 năm “cắm bản”, cô giáo Bùi Anh Đào cùng đội ngũ nhà giáo đã “chèo đò” đưa biết bao thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

Chia sẻ về những cống hiến của cô giáo Bùi Anh Đào trong hành trình “gánh chữ” lên non, bà Nguyễn Thị Dự, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Tân 2 cho biết: “Cô giáo Đào là một giáo viên rất tâm huyết với nghề, trên cương vị nào cô cũng luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô Đào là một trong những giáo viên tiêu biểu được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp và được cấp trên ghi nhận”.

Nguyễn Sự