Phát triển Đại học Quốc gia TPHCM vào nhóm hàng đầu châu Á
Chính trị - Ngày đăng : 06:54, 17/11/2023
Chiều 16/11, sau khi dự lễ khai khóa 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM.
Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM Vũ Hải Quân; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo TPHCM, tỉnh Bình Dương.
3 tiêu chí dẫn đầu các đại học tại Việt Nam
Theo báo cáo và ý kiến tại cuộc làm việc, ĐHQG TPHCM được thành lập năm 1995 nhằm kiến tạo một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trình độ tiên tiến, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.
Với tổng diện tích gần 644 ha theo mô hình đô thị đại học hiện đại, ĐHQG TPHCM là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất Việt Nam với 36 đơn vị, trong đó có 7 trường đại học thành viên, 1 viện nghiên cứu khoa học thành viên, 2 khoa trực thuộc, 1 Phân hiệu tại tỉnh Bến Tre và 25 đơn vị trực thuộc là các tổ chức KHCN, thư viện, các tổ chức phục vụ đào tạo, dịch vụ.
ĐHQG TPHCM đào tạo gần 91.000 sinh viên đại học, gần 8.000 học viên cao học, trên 1.000 nghiên cứu sinh, cùng đội ngũ học giả với 37 giáo sư, 312 phó giáo sư và 1.140 tiến sĩ.
Là hệ thống giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam, chương trình đào tạo của ĐHQG TPHCM gồm các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh tế-luật, khoa học sức khỏe và khoa học nông nghiệp... với 3 trình độ: Đại học (139 ngành), thạc sĩ (141 ngành) và tiến sĩ (98 ngành).
Sau hơn 28 năm xây dựng và phát triển, từ 3 trường đại học thành viên nòng cốt trong 3 lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghệ, đến nay ĐHQG TPHCM đã trở thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng, tạo được uy tín trong cộng đồng khoa học trên thế giới.
ĐHQG TPHCM là đơn vị tiên phong cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn quốc tế (tính đến tháng 8/2023, ĐHQG TPHCM có tổng cộng 126 chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế).
Trong giai đoạn 2018-2022, đã đào tạo và cung cấp cho TPHCM và các tỉnh phía Nam hơn 60 nghìn cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ. Đây là đội ngũ trí thức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, tham gia xây dựng và phát triển TPHCM nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung.
Đến nay, ĐHQG TPHCM thuộc top 1.000 các trường đại học tốt nhất thế giới (QS World). Trong đó, ĐHQG TPHCM có 3 tiêu chí đạt thứ hạng tốt, gồm: Danh tiếng với nhà tuyển dụng (hạng 366), Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (hạng 386) và Danh tiếng với đồng cấp học thuật (hạng 524). Đây là 3 tiêu chí ĐHQG TPHCM đang dẫn đầu các đại học tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ĐHQG TPHCM còn gặp những khó khăn, thách thức về vấn đề cân đối nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm đạt mục tiêu nằm trong nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á; việc thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành; áp lực đổi mới sáng tạo để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Phát triển ĐHQG TPHCM theo hướng trọng tâm, trọng điểm
Phát biểu tại cuộc làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích mà ĐHQG TPHCM đã đạt được thời gian qua.
Những kết quả tích cực đó thể hiện sự quan tâm, sát sao của các thế hệ lãnh đạo nhà trường; sự nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm của tập thể cán bộ, nhà khoa học, giảng viên, người lao động, học viên, sinh viên ĐHQG TPHCM.
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ yêu cầu phát triển ĐHQG TPHCM theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á.
Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, trong đó giao ĐHQG TPHCM chủ trì xây dựng Đề án "Phát triển ĐHQG TPHCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á".
Thủ tướng đánh giá cao ĐHQG TPHCM đã nhanh chóng xây dựng Đề án phát triển ĐHQG TPHCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á. ĐHQG TPHCM cần sớm hoàn thiện Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trên cơ sở đó phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để đến năm 2030, nằm trong nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.
Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, hoạt động đào tạo của ĐHQG TPHCM theo hướng "đúng, trúng", bám sát quy hoạch, nhu cầu phát triển của đất nước, của vùng, các ngành, lĩnh vực đang cần. Hoạt động nghiên cứu khoa học tập trung vào những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, những vấn đề mới nổi, xu thế của thời đại và những vấn đề có tính dự báo.
Cùng với đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực con người – nguồn lực lớn nhất của ĐHQG TPHCM, gồm đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên. Đồng thời, thương mại hóa các sản phẩm của ĐHQG TPHCM. Nâng cao năng lực quản trị theo hướng hiệu quả, tiết kiệm.
Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện quy hoạch, các địa phương sớm bàn giao 100% mặt bằng cho các dự án xây dựng của ĐHQG TPHCM. Xây dựng cơ chế, chính sách hoạt động của trường phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về nguồn lực, cần xây dựng các chương trình, dự án, đề án cụ thể với mục tiêu, giải pháp, trong đó có giải pháp tài chính (như nguồn lực nhà nước, hợp tác công tư, hợp tác với các địa phương, nghiên cứu xây dựng đại học dân lập phi lợi nhuận…).
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời và Thủ tướng đã cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của ĐHQG TPHCM, như nâng cấp Khoa Y của ĐHQG TPHCM thành Trường Đại học Sức khỏe, thành lập Trường Đại học Bến Tre trên cơ sở phân hiệu tại Bến Tre; cho phép biệt phái viên chức là nhà khoa học thuộc ĐHQG TPHCM để thành lập các doanh nghiệp khởi nguồn; cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho ĐHQG TPHCM về đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ vi mạch, công nghệ sinh học và môi trường, trí tuệ nhân tạo...
Cơ bản đồng ý với các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ ngành, cơ quan, địa phương, cần giải quyết dứt điểm trước tháng 6/2024; với những nội dung vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi và mục tiêu tổng quát của ĐHQG TP HCM
Tầm nhìn: Trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài, lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam.
Sứ mệnh: Đào tạo, bồi dưỡng nhân tài có kiến thức toàn diện, có trách nhiệm xã hội, có năng lực lãnh đạo, tư duy khởi nghiệp; Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới; Thực hiện thí điểm các chính sách mới trong giáo dục đại học; Đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy tiến bộ xã hội, làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại và nền văn hóa Việt Nam.
Giá trị cốt lõi: Xuất sắc, tiên phong, chính trực trong đào tạo, nghiên cứu; Trách nhiệm, hiệu quả trong hoạt động; Gắn kết, phục vụ cộng đồng.
Mục tiêu tổng quát: Đến năm 2030, ĐHQG TPHCM thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới, nhanh và bền vững cho vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung thông qua các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, gắn kết và phục vụ cộng đồng.
Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt trên 75%; Đào tạo tốt nghiệp khoảng 140.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ có kiến thức toàn diện, có trách nhiệm xã hội, có tư duy khởi nghiệp và có kỹ năng lãnh đạo; Đạt hơn 10 huy chương vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế; Công bố hơn 35.000 bài báo khoa học trong danh mục Scopus; Các chương trình đào tạo và nghiên cứu về công nghệ bán dẫn, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học nằm trong tốp 50 của châu Á…