Tiêu điểm

Đưa quan hệ hợp tác giữa TANDTC Việt Nam và Tòa Trọng tài Thường trực lên một tầm cao mới

Mai Đỉnh 16/11/2023 - 13:22

Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng mong muốn thời gian tới, TANDTC Việt Nam và Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tiếp tục tăng cường tập huấn nâng cao cho các chức danh tư pháp Tòa án không chỉ về nghiệp vụ giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế mà về các quy trình xử lý, công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Sáng 16/11, tại Trụ sở TANDTC, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng có buổi tiếp Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak đang có chuyến thăm Việt Nam nhân dịp 1 năm khai trương Văn phòng PCA tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng chào mừng và trân trọn cảm ơn Ngài Marcin Czepelak, Tổng Thư ký PCA và các cộng sự đã dành thời gian đến thăm và làm việc với TANDTC, cùng chia sẻ kinh nghiệm và cùng thảo luận về quan hệ hợp tác giữa PCA với TANDTC.

trong-tai-thuong-truc-pca-4-.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc.

Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa TANDTC và PCA được tăng cường trong thời gian gần đây, trong đó việc ra đời của Văn phòng PCA tại TP. Hà Nội vào tháng 11/2022 là cầu nối hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn.

Đặc biệt, vào tháng 5/2023, Đoàn đại biểu TANDTC do Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với PCA tại La Hay, Hà Lan. Chuyến thăm đã đặt nền móng cho việc tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng cho biết, thời gian gần đây, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là kết quả của sự quyết tâm, hành động quyết liệt của Chính phủ, môi trường kinh tế, chính trị ổn định.

Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xảy ra các tranh chấp thương mại là điều các bên tham gia quan hệ thương mại không muốn nhưng khó tránh khỏi. Để giải quyết tranh chấp, các bên đã và đang dùng các phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau như: hòa giải, thương lượng, trọng tài và Tòa án. Trên phương diện quốc tế, trọng tài là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp được các bên sử dụng rộng rãi, phổ biến.

trong-tai-thuong-truc-pca-2-.jpg
Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng mong muốn thời gian tới, TANDTC và Văn phòng PCA tiếp tục tăng cường.

Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng cho biết, đối với Việt Nam, theo truyền thống, Tòa án thường được các bên sử dụng để giải quyết tranh chấp thương mại nói chung, thương mại quốc tế nói riêng. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, với sự phát triển của các tổ chức trọng tài tại Việt Nam, xu hướng sử dụng trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp ngày càng được các bên quan tâm nhiều hơn.

Xu hướng này, một mặt, là sự khẳng định bước phát triển mới về hoạt động trọng tài thương mại tại Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế; mặt khác, cũng cho thấy sự ủng hộ, hỗ trợ của hệ thống tư pháp, cụ thể là Tòa án, để trọng tài thương mại tại Việt Nam có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Cảm ơn Phó Chánh án dành thời gian tiếp đoàn, Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak bày tỏ ấn tượng với thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời cho rằng với nền kinh tế mở của Việt Nam thì vị trí vai trò của Tòa án hết sức quan trọng. Văn phòng đại diện PCA tại Hà Nội có thể trở thành một phần khuôn khổ pháp lý trong bối cảnh của Việt Nam.

trong-tai-thuong-truc-pca-3-.jpg
Tổng Thư ký Tòa Trọng tài Thường trực Marcin Czepelak.

Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak nhấn mạnh về mong muốn của Việt Nam sẽ là nơi trung tâm hòa giải tranh chấp quốc tế. Trong đó, Văn phòng PCA tại Hà Nội không chỉ giải quyết các tranh chấp của Việt Nam mà các tranh chấp của các nước trong khu vực cũng được mang đến đây để giải quyết. Điều đó sẽ mang lại rất nhiều quyền lợi cho Việt Nam.

Với sự ra đời của Văn phòng đại diện PCA tại Hà Nội, Ngài Marcin Czepelak hi vọng có được nhiều sự quan tâm, trợ giúp từ phía TANDTC Việt Nam. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký PCA mong muốn phía TANDTC Việt Nam sẽ có những xem xét trong việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại của Việt Nam để làm sao phù hợp với hoạt động của trong tài quốc tế nói chung, trong đó có PCA nói riêng.

Tại buổi tiếp, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng đồng ý với những ý kiến của Ngài Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak và đánh giá cao vai trò của PCA trong việc thúc đẩy các biện pháp hòa bình nhằm giải quyết tranh chấp quốc tế, bao gồm cả các biện pháp trung gian, hòa giải bên cạnh thủ tục trọng tài.

Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng mong muốn thời gian tới, TANDTC và Văn phòng PCA tiếp tục tăng cường tập huấn nâng cao cho các Thẩm phán, cán bộ và chức danh tư pháp Tòa án không chỉ về nghiệp vụ giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế mà về các quy trình xử lý, công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Kết thúc buổi tiếp, Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak cảm ơn sự hỗ trợ của TANDTC Việt Nam trong quá trình hoạt động của Văn phòng PCA tại Hà Nội trong năm qua; đồng thời nhất trí với đề xuất của Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng về các hoạt động trợ giúp trong đào tạo đối với các chức danh tư pháp của Tòa án.

trong-tai-thuong-truc-pca-1-.jpg
Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng Thư ký Tòa Trọng tài Thường trực Marcin Czepelak.

Toà Trọng tài thường trực (PCA) là tổ chức quốc tế liên chính phủ với 122 quốc gia thành viên, có chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa quốc gia với pháp nhân nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế - đầu tư. PCA đã hỗ trợ giải quyết nhiều tranh chấp quốc tế trên các lĩnh vực như biên giới, lãnh thổ, phân định biển, kinh tế - đầu tư. PCA hiện có trụ sở chính tại Cung điện Hòa Bình, thủ đô La Hay của Hà Lan và 5 văn phòng tại Mauritius, Buenos Aires (Argentina), Singapore, Vienna (Áo) và Hà Nội.

Mai Đỉnh