Sắn được mùa, người dân vùng biên Mường Lát ước thu hơn 100 tỷ đồng
Ngày 15/11, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) Nguyễn Văn Bình cho biết, sắn năm này được mùa, giá cao, với diện tích 3.000 ha, toàn huyện Mường Lát sẽ thu được hơn 100 tỷ đồng, người dân rất phấn khởi
“Năm đầu tiên đưa sắn vào trồng đại trà trên địa bàn huyện Mường Lát, lại được thương lái bao tiêu, thu mua tại điểm tập kết với giá trên 2.000 đồng/kg, với sản lượng hơn 18 tấn/ha, toàn huyện sẽ thu được khoảng 110 tỷ tiền sắn. Đây là điều chưa từng thấy ở huyện biên giới này. Người dân rất phấn khởi, tranh thủ nắng ráo ra đồng thu hoạch”, ông Bình nói.
Trước đó, các đồn biên phòng Tam Chung, Pù Nhi, Trung Lý cùng với chính quyền địa phương phối hợp với Công ty CP sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh đã ký kết chương trình phối hợp triển khai mô hình trồng sắn năng suất cao trên địa bàn các xã biên giới thuộc huyện Mường Lát.
Công ty sẽ đầu tư giống sắn, phân bón và phối hợp cùng các đồng chí biên phòng hướng dẫn nhân dân địa phương kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn đạt hiệu quả cao nhất; ký hợp đồng thu mua và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Người dân khi tham gia chương trình sẽ nâng cao trình độ, chăm sóc cây. Đồng thời, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Có mặt tại xã Mường Lý (Mường Lát), trên những quả đồi nhiều người đang hối hả thu hoạch sắn, một số thì tất bật chất lên xe để vận chuyển ra điểm tập kết. Từ phía xa, nhìn lên những quả đồi trọc trước đây được phủ trắng bởi các bao sắn.
Chàng trai người Mông có tên Moa Sì ở bản Xi Lô (Mường Lý) hôm nay tranh thủ lên đồi cùng nhóm bạn chở sắn về cho gia đình. “Nhà em trồng hơn 1 ha, thu hoạch được khoảng 1 nửa rồi. Sắn nhiều củ to, đóng bao xong là có người thu mua, nhà có tiền nên ai cũng vui. Bản em cũng có nhiều nhà trồng sắn, được mùa lại có giá nên năm nay ăn Tết to là cái chắc”, Moa Sì phấn khởi chia sẻ.
Bí thư- Trưởng bản Sa Lung (Mường Lý) Sùng Seo Sểnh vui vẻ ra mặt khi người dân bản có hơn 100 ha trồng sắn đến ngày thu hoạch lại được giá. “Được cán bộ xã, phía công ty hướng dẫn tận tình, lại được đầu tư giống, phân bón, cách chăm sóc nên sắn tốt, củ to. Phía công ty lại thu mua nhanh chóng và trả tiền tận tay, nên gia đình nào cũng phấn khởi lắm. Đúng là ơn Đảng, ơn Nhà nước. Cứ cái đà này thì chẳng mấy chốc mà dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu thôi.”
Toàn xã Mường Lý có hơn 300 ha trồng sắn chất lượng cao, tính sơ sơ số tiền thu được khoảng 10 tỷ đồng là con số đáng mơ ước của nhiều gia đình. Xã có hơn 1000 hộ khoảng 5500 nhân khẩu chủ yếu là người Mông, Thái, Mường… có tới 80% hộ nghèo, cận nghèo.
Cây sắn được mùa là thắng lợi đầu tiên khi Thanh Hóa tổng lực để đưa Mường Lát thoát nghèo. Trong đó, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa hoàn thành và chuyển giao bản đồ thổ nhưỡng - chứa đựng các thông tin về số lượng, sự phân bố không gian, đặc điểm chất lượng cùng đặc điểm sử dụng của từng loại đất, sau đó là bản đồ nông hóa phản ánh thực trạng độ phì của từng khoảnh đất thông qua một số chỉ tiêu nông hoá học... cho huyện Mường Lát.
Đây là những thông tin quan trọng không chỉ phục vụ thống kê tài nguyên, hoạch định chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và kinh tế - xã hội của từng đơn vị lãnh thổ mà còn giúp người trực tiếp sản xuất biết được cần bố trí cây gì, vào thời vụ nào, đầu tư vật chất và chăm sóc ra sao... để đạt được hiệu quả cao nhất trên ruộng đất của mình.
Mường Lát có tổng diện tích tự nhiên khoảng 81,2 nghìn ha, gồm hầu hết là đất đồi núi dốc, địa hình chia cắt, hiểm trở với 85,2% diện tích được che phủ bởi rừng đầu nguồn. Vì thực tế này, tu bổ, bảo vệ phát triển diện tích rừng hiện có, sử dụng bền vững, hiệu quả cao rừng sản xuất là nhiệm vụ cấp thiết trong quản lý sử dụng tài nguyên của huyện.
Điều tra bổ sung, chỉnh lý, thành lập bản đồ Thổ nhưỡng-Nông hóa tỷ lệ 1/10.000 của 8 xã/thị trấn thuộc huyện và tỷ lệ 1/25.000 huyện Mường Lát, nhằm kiểm kê số lượng, xác định chất lượng tài nguyên đất, làm căn cứ đánh giá phân hạng mức độ thích hợp của đất đai với một số cây trồng (trọng tâm là cây trồng rừng).
Trước mắt, phục vụ xây dựng đề án “Phát triển rừng bền vững huyện Mường Lát giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045” và về lâu dài, phục vụ quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất đai của huyện.
Ngoài tên đất, các yếu tố đi kèm ở mỗi khoanh đất (gồm độ dốc địa hình, độ dày tầng đất mịn, thành phần cơ giới lớp đất mặt, tỷ lệ kết von, đá lẫn và độ sâu xuất hiện, hay địa hình tương đối (với đất đồng bằng, thung lũng, đất ruộng bậc thang) … và chỉ tiêu phân cấp được thực hiện thống nhất theo quy trình điều tra.
Bản đồ Thổ nhưỡng- Nông hóa được xem là chiếc chìa khóa để huyện Mường Lát triển khai trồng các loại cây trên từng khu đất cho phù hợp với loại đất, khí hậu. Cũng như giúp việc chăn nuôi thích ứng với các kiểu khí hậu thời tiết khắc nghiệt nơi đây.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Mường Lát xác định 3 chương trình trọng tâm là: Quy hoạch lại vùng sản xuất, để phát triển nông, lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng; phát triển một số cây trồng chủ lực gỗ lớn như lát, trẩu, thông... và các loại cây ăn quả như đào, mận, chuối; rau, củ, quả, các cây dược liệu, gắn với phát triển chăn nuôi.
Theo điều tra xã hội học mới nhất, toàn huyện có khoảng 8.800 hộ dân (41.000 nhân khẩu), trong đó hơn 65% là hộ nghèo, cận nghèo. Nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc vào thời tiết, khi được mùa thì bị tiểu thương, người thu mua ép giá. Chăn nuôi thường xảy ra dịch bệnh do người dân không có kiến thức chăm sóc. Thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2023 ước đạt 25,02 triệu đồng.
Kết quả, qua kiểm tra rà soát hiện nay trên toàn huyện Mường Lát có 8.000,78ha đất trống (trong đó: Đất canh tác nương rẫy luân phiên 1.718,50ha; đất trống sau khai thác rừng trồng, hiện nay nhân dân đang làm nương rẫy, trồng cây nông nghiệp 6.283,28ha). Diện tích đất trống này cần phải đầu tư trồng cây lâm nghiệp theo đúng mục đích sử dụng đất.
Ngoài phát triển cây sắn, hiện Mường Lát đang triển khai trồng hàng chục ha quế, cả trăm ha trẩu, cỏ để phục vụ chăn nuôi gia súc, rau sạch, các loại dưa, cà… Từ những mô hình này sẽ phá bỏ được thành trì trông chờ, ỷ lại, người dân tự lực, tự cường tìm tòi, học hỏi, phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và quê hương.