Tòa án địa phương

Chánh án Nguyễn Bá Thắng: “Xét xử trực tuyến có ý nghĩa quan trọng, là bước đột phá lớn trong cải cách tư pháp”

Mạnh Hùng 15/11/2023 - 14:24

“Việc xét xử trực tuyến có ý nghĩa rất quan trọng, là bước đột phá lớn trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án Việt Nam. Hiệu quả của việc tổ chức phiên tòa trực tuyến thể hiện rõ nét, nổi bật từ nhận thức đến thực tiễn hoạt động…”, đó là chia sẻ của Thẩm phán Nguyễn Bá Thắng, Chánh án TAND huyện Thanh Oai (TP. Hà Nội) khi nói về vai trò của việc xét xử trực tuyến trong giai đoạn hiện nay.

05ceff19-01ba-4dd6-9659-e0295091fd58.jpeg
Thẩm phán Nguyễn Bá Thắng, Chánh án TAND huyện Thanh Oai.

PV: Thưa Chánh án, được biết việc xét xử trực tuyến được nhận định sẽ là xu thế trong thời kỳ chuyển đổi số. Vậy Chánh án có ý kiến chia sẻ gì về việc này?

Chánh án Nguyễn Bá Thắng: Trước hết, để có thể nhận định việc xét xử trực tuyến là một xu thế trong thời kỳ chuyển đổi số, chúng ta cần phải hiểu rõ chuyển đổi số là gì và xét xử trực tuyến là gì. Chuyển đổi số có thể hiểu là quá trình thay đổi tư duy và mô hình quản lý truyền thống sang mô hình kĩ thuật số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống điều hành, quản lý.

Còn phiên tòa trực tuyến (hay còn gọi là xét xử trực tuyến) là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm. Có thể nói, xét xử trực tuyến là một hình thức cụ thể hóa khái niệm “chuyển đổi số” trong hoạt động của hệ thống Tòa án.

Tại một số nước phát triển trên thế giới, việc xét xử bằng hình thức trực tuyến khá là phổ biến. Một ví dụ điển hình như trong pháp luật nước Áo, việc ứng dụng phương tiện thông tin điện tử trong quá trình xét xử, cho phép các bên trong vụ việc trình bày quan điểm, ý kiến qua video đã trở thành một đặc điểm phổ biến trong pháp luật tố tụng của Áo từ năm 2004. Còn tại Việt Nam, nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới và khu vực, ngày 12/11/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Từ đó, việc xét xử trực tuyến đã từng bước được đưa vào thực hiện.

Đặc biệt, hệ thống Tòa án Việt Nam đã và đang trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng và tiến tới xây dựng mô hình Tòa án thông minh, Tòa án điện tử, thì xét xử trực tuyến sẽ là một xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp, đặc biệt là trong “thời đại số” hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp của thế giới. Đây cũng là việc thực hiện cam kết của TANDTC Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng tòa án điện tử.

PV: Thưa Chánh án, hiện TAND huyện Thanh Oai đã chuẩn bị như thế nào cho quá trình chuyển đổi số của ngành?

Chánh án Nguyễn Bá Thắng: Để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý, xét xử, TAND huyện Thanh Oai đã chuẩn bị những phương tiện, thiết bị điện tử cần thiết, tập huấn và phổ biến cách ứng dụng mô hình chuyển đổi số trong hoạt động của Tòa án đối với cán bộ, công chức. Thay vì quản lý án bằng sổ sách và bằng những cách thủ công, chúng tôi tiến hành quản lý án và phân công giải quyết án bằng hệ thống quản lý án của TANDTC.

Như vậy, không chỉ Tòa án huyện có thể quản lý, mà các Tòa án cấp trên cũng có thể theo dõi, kịp thời chỉ đạo, tránh tình trạng “đơn tồn” từ nhiều năm trước gây bức xúc cho người dân. Đồng thời tiến hành công bố bản án đã có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, thể hiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử, để nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của Tòa án. Đây cũng là một hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hữu hiệu trong thời đại hiện nay.

Bên cạnh đó, TAND huyện Thanh Oai còn tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến đối với những vụ án đơn giản, nhằm tạo cơ hội cho các Thẩm phán và các cán bộ Tòa án có thể từng bước tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động xét xử.

Ngoài ra, nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ của các Thẩm phán, tạo cơ hội cho các Thẩm phán trong Tòa án có thể trao đổi chuyên môn nghiệp vụ với các Thẩm phán khác trên cả nước, TAND huyện Thanh Oai đã tổ chức các buổi tập huấn với tần suất 1 buổi/tháng về việc sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo Tòa án” đối với các Thẩm phán và cả các Thư ký, cán bộ khác trong Tòa án. Như vậy, nếu trong quá trình sử dụng phần mềm mà có vướng mắc hoặc gặp khó khăn, các Thư ký và cán bộ Tòa án có thể hỗ trợ các Thẩm phán, kịp thời xử lý các khó khăn trong trường hợp cần thiết.

PV: Thưa Chánh án, để xét xử trực tuyến được hiệu quả, yếu tố đường truyền, cùng đội ngũ nhân sự CNTT được đánh giá là yếu tố then chốt. Chánh án có ý kiến gì về việc này? Và đơn vị đã có kế hoạch gì cho việc phát triển đội ngũ nhân lực CNTT của Tòa án để phục vụ tốt cho quá trình chuyển đổi số?

Chánh án Nguyễn Bá Thắng: Để có thể đảm bảo cho việc xét xử trực tuyến được hiệu quả, yếu tố đường truyền, cùng đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin là yếu tố then chốt. Điều này là hoàn toàn chính xác và hợp lý. Theo đó, việc đảm bảo phiên tòa xét xử trực tuyến được diễn ra tốt đẹp nhất cần phải có đội ngũ công nghệ thông tin am hiểu rõ về lĩnh vực này, như vậy mới phát huy được hết hiệu quả và đảm bảo chất lượng của phiên tòa, là bước đầu quan trọng trong việc triển khai quá trình chuyển đổi số.

Đồng thời, yếu tố đường truyền cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức xét xử trực tuyến. Bởi việc xét xử trực tuyến được diễn ra chủ yếu thông qua hệ thống mạng Internet kết nối nơi này với nơi khác. Đường truyền không ổn định thì việc xét xử sẽ bị ngắt quãng, nếu không khắc phục kịp thời thì có thể phiên tòa sẽ bị kéo dài, gây mất thời gian, công sức của cả Tòa án và những người tham gia tố tụng. Nếu yếu tố đường truyền được đảm bảo thì quá trình xét xử sẽ được diễn ra một cách trôi chảy, mạch lạc và không gây bức bối cho người tham dự cũng như HĐXX.

Đơn vị TAND huyện Thanh Oai cũng đã lên những kế hoạch cụ thể cho việc phát triển đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin của Tòa án. Cụ thể, sắp tới đơn vị tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xét xử trực tuyến, ưu tiên những đồng chí có năng lực về mảng công nghệ thông tin đã có kinh nghiệm, sẵn sàng khen thưởng với những cá nhân tích cực trong việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, chuẩn bị tốt các công tác phục vụ cho việc xét xử trực tuyến, cũng như lắng nghe ý kiến góp ý khách quan để thay đổi và hoàn thành tốt quá trình chuyển đổi số.

Xây dựng đội ngũ công nghệ thông tin lớn mạnh, đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu về kỹ thuật số, công nghệ và xử lý tình huống trục trặc hoặc các tình huống khác phát sinh có thể xảy ra trong phiên tòa một cách nhanh chóng; đảm bảo phương tiện trao đổi thông tin, thống nhất sự phối hợp giữa Tòa án với các cơ quan, tổ chức có liên quan được thực hiện thông qua phần mềm tác nghiệp điện tử.

PV: Thưa Chánh án, được biết hiện nay TAND huyện Thanh Oai vẫn chưa có phòng xét xử trực tuyến, mỗi khi có phiên tòa trực tuyến đơn vị đều phải liên hệ mượn phòng xử trực tuyến của TAND TP. Hà Nội nên việc xét xử vẫn còn có những khó khăn, tuy nhiên đơn vị mình đã vượt qua những khó khăn đó để hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành đề ra, Chánh án có thể chia sẻ bí quyết để đơn vị mình có được sự thành công đó?

Chánh án Nguyễn Bá Thắng: Hiện nay, TAND huyện Thanh Oai chưa được trang bị phòng xét xử trực tuyến vì trang thiết bị không đảm bảo, do vậy, mỗi khi có phiên tòa xét xử trực tuyến, đơn vị đều phải mượn phòng xét xử trực tuyến của TAND TP. Hà Nội. Đây là một khó khăn khá lớn đối với các Thẩm phán và cả đơn vị, vì vị trí giữa Tòa án huyện và Tòa án thành phố không gần, mất khoảng một tiếng để di chuyển đến phòng xét xử trực tuyến.

Ngoài ra, việc xét xử trực tuyến chỉ có điểm cầu trung tâm là tại TAND TP. Hà Nội, thông thường các Tòa án quận, huyện sẽ tập trung xét xử trực tuyến ở điểm cầu trung tâm nên việc chờ đợi và đăng ký thủ tục xét xử trực tuyến còn gặp nhiều vấn đề và chưa có sự nhất quán.

Đứng trước những khó khăn, thách thức, thay vì bỏ qua nó, cả đơn vị đều đồng lòng đối mặt với nó. Chúng tôi không ngại khó khăn, vì trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ công lý và duy trì pháp luật trong xã hội.

TAND huyện Thanh Oai thường tổ chức những buổi họp đánh giá, rút kinh nghiệm, những việc đã làm được và những việc chưa làm được, đề ra mục tiêu trong tháng và báo cáo trước toàn thể đơn vị về công tác của mình. Đối với những vụ án có thể đưa ra xét xử trực tuyến, chúng tôi coi đây là cơ hội để trau dồi thêm các kỹ năng mềm, học hỏi thêm cách ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động xét xử, từ đó có thể linh hoạt hơn, ứng phó với các trở ngại khách quan như đại dịch Covid-19 vừa qua, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ và xây dựng niềm tin của người dân đối với hệ thống Tòa án.

PV: Thưa Chánh án, qua một thời gian đi vào triển khai cũng như nhiều phiên tòa xét xử trực tuyến được thực hiện, Chánh án có thể chia sẻ những ưu, nhược điểm, cũng như giá trị từ phiên tòa xét xử trực tuyến mang lại cho ngành Tòa án?

Chánh án Nguyễn Bá Thắng: Có thể nói, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là một giải pháp đột phá nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tố tụng của Tòa án, tạo đòn bẩy thúc đẩy quá trình giải quyết vụ việc, vụ án được nhanh chóng, thuận lợi hơn, đáp ứng đầy đủ quyền công dân, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân.

Việc xét xử trực tuyến cũng có ý nghĩa rất quan trọng, là bước đột phá lớn trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án Việt Nam. Hiệu quả của việc tổ chức phiên tòa trực tuyến thể hiện rõ nét, nổi bật từ nhận thức đến thực tiễn hoạt động.

Xét xử trực tuyến là một trong những hình thức thể chế hóa chủ trương của Đảng, trên tinh thần xây dựng hệ thống Tòa án thông minh, Tòa án điện tử và đi sâu vào tiến trình hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 đang bùng nổ. Và trong bối cảnh giao tiếp không biên giới qua các phương tiện công nghệ thông tin như hiện nay, khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án sinh sống ở những nơi xa xôi, không thể đến Tòa án xét xử trực tiếp, thì việc áp dụng hình thức xét xử trực tuyến là một công cụ hữu hiệu, giúp giảm thiểu chi phí đi lại của người dân, nhưng vẫn đáp ứng được việc họ có thể tham gia phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Việc này cũng tạo điều kiện cho Tòa án có thể linh hoạt trong hoạt động xét xử, đẩy nhanh quá trình giải quyết vụ án mà vẫn đảm bảo được chất lượng giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, việc xét xử bằng hình thức trực tuyến còn góp phần giải quyết kịp thời những khó khăn, bất cập về phòng xét xử, giảm tải cho phòng xét xử, đồng thời cũng giảm gánh nặng cho những người có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa.

Bên cạnh những ưu điểm nổi bật không thể phủ nhận của hình thức xét xử trực tuyến, thì hình thức xét xử này cũng có khá nhiều bất cập. Tại Việt Nam, hình thức xét xử trực tuyến mới chỉ được áp dụng từ năm 2021, đây là một hình thức khá mới mẻ.

Đối với việc bố trí phòng xét xử, các trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến của các Tòa án, cơ sở giam giữ chưa được đầu tư đồng bộ, phần lớn thiết bị là đi mượn, cho thuê và tận dụng các thiết bị từ phòng họp trực tuyến hiện có, chuyển công năng để tổ chức xét xử khiến cho việc xét xử trực tuyến vẫn còn thụ động. Không những vậy, việc am hiểu để lựa chọn những vụ án có tình tiết, tính chất đơn giản vẫn còn tùy thuộc vào nhận thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi Thẩm phán.

Một vụ án đơn giản tưởng chừng có thể đưa ra xét xử bằng hình thức trực tuyến, song những thông tin, tài liệu trong hồ sơ vụ án lại không hề đơn giản, rõ ràng trở thành một rào cản để quyết định xét xử trực tiếp hay trực tuyến…

PV: Xin cảm ơn Chánh án!

Mạnh Hùng