Giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Campuchia
Chính trị - Ngày đăng : 06:52, 14/11/2023
Cùng đi có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn và đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Pháp luật, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công an và đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông. Về phía tỉnh Kon Tum có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc cùng lãnh đạo các sở, ngành.
Kon Tum có 4 huyện thuộc khu vực biên giới gồm: Đắk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H'Drai với 13 xã, 106 thôn. Trên địa bàn có 43 dân tộc sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 54,9%.
Kon Tum có đường biên giới tiếp giáp với các tỉnh của Lào và Campuchia dài 292,913km, trong đó đoạn biên giới tiếp giáp với tỉnh Sê Kông và tỉnh Ăt-ta-pư (Lào) dài 154,222km; đoạn biên giới giáp với tỉnh Ratanakiri (Campuchia) dài 138,691km; có 140 vị trí mốc/160 cột mốc và cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam- Lào- Campuchia.
Báo cáo của tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh đã và đang rà soát việc thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ trên đất liền với các địa phương của Lào và Campuchia. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với phía Campuchia tổ chức bàn giao và tiếp nhận khu vực đất quản lý quá sang nhau so với đường biên giới đã hoàn thành phân giới cắm mốc được ghi nhận tại 2 văn kiện pháp lý, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân bị ảnh hưởng, không để xảy ra khiếu kiện phức tạp liên quan đến đền bù đất đai ở khu vực biên giới.
Tỉnh Kon Tum cũng đề nghị các cơ quan Trung ương sớm phối hợp với các cơ quan của Campuchia đẩy nhanh và hoàn thành dứt điểm công tác phân giới cắm mốc đoạn qua tỉnh Kon Tum.
Qua khảo sát thực tế đường vành đai biên giới tại Đồn Biên phòng Sa Thầy, huyện Ia H'Drai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn đề nghị tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, ngăn chặn âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, tổ chức phản động hoạt động phá hoại an ninh khu vực biên giới; chú trọng xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc tại khu vực biên giới.
Tiếp đó, Đoàn giám sát đã làm việc với UBND tỉnh Kon Tum. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc cho biết, việc thực hiện tốt các điều ước quốc tế tại tỉnh Kon Tum đã góp phần bảo đảm an ninh biên giới, phát huy tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia nói chung, Kon Tum - Ratanakiri nói riêng, tạo điều kiện hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa 2 tỉnh.
Sau khi nghe ý kiến của đại diện các bộ, ngành và địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục chỉ đạo các ngành, cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức quán triệt đầy đủ nội dung, ý nghĩa của các Hiệp định, Quy chế quản lý biên giới và 2 văn kiện pháp lý có liên quan về biên giới lãnh thổ Việt Nam trên vùng biên giới cho nhân dân 2 bên khu vực biên giới, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác quản lý bảo vệ biên giới, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình nội, ngoại biên; tích cực, chủ động, tham mưu triển khai các phương án, kế hoạch trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là tội phạm liên quan đến an ninh chính trị, tội phạm ma túy có vũ trang, tội phạm mua bán người, buôn lậu quan biên giới và các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Công tác thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý biên giới quốc gia, tạo mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, tinh thần đoàn kết, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào nội bộ của nhau, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi và đoàn kết giúp đỡ nhau vì một đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, đi lại và sản xuất của cư dân biên giới, góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới.