Văn hóa - giải trí

Đời sống văn hóa người Hà Giang là chủ đề sáng tác cho nhiều nghệ sĩ

Nguyễn Liên 11/11/2023 - 16:50

Nằm ở cực Bắc mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, Hà Giang là nơi có nhiều sản phẩm văn hóa đặc sắc từ truyền thống lịch sử lâu đời của 19 dân tộc anh em sinh sống. Mỗi dân tộc mang đến cho Hà Giang một nét văn hoá độc đáo riêng. Vì điều này đã thu hút đông đảo nghệ sĩ, nhạc sĩ,ca sĩ, đạo diễn,… đến với Hà Giang

Ngày 24 tháng 11 năm 1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sứ mệnh cao cả của văn hóa là: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Trong quá trình lãnh đạo các lĩnh vực xã hội, Đảng luôn dành cho văn hóa, văn nghệ những chỉ đạo từ tầm vĩ mô đến cụ thể trong từng bối cảnh, từng giai đoạn. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người ở vị trí tương xứng với các lĩnh vực quan trọng của đất nước, trong đó, lĩnh vực Văn học nghệ thuật được nhìn nhận đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của sự nghiệp phát triển văn hóa, con người.

2_20231028134459.jpg
Hội nghị Văn hóa Hà Giang năm 2023

Mới đây, tại Hà Giang đã diễn ra Hội nghị Văn hóa với mục tiêu bảo tồn giá trị văn hóa để phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó trọng tâm Bảo tồn giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần bảo tồn, phát huy, bản sắc văn hóa các dân tộc; đẩy lùi hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống cộng đồng; hình thành nếp sống mới văn minh, lành mạnh, giàu bản sắc để thu hút khách du lịch đến khám phá, trải nghiệm. Đây là điều mà tỉnh Hà Giang trong những năm qua đã và đang làm rất tốt, được Nhân dân ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình vì mục tiêu phát triển, mỗi người dân đều có thể duy trì bản sắc nhưng vẫn phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, bảo tồn văn hóa cho dân tộc của mình

Nằm ở cực Bắc mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, Hà Giang là nơi có nhiều sản phẩm văn hóa đặc sắc từ truyền thống lịch sử lâu đời của 19 dân tộc anh em. Trải qua lịch sử hàng nghìn năm bền bỉ, kiên cường lao động sáng tạo, đấu tranh chống thiên tai, giặc dã, ở nơi “đất lành”, các dân tộc đã hội tụ về đây, khai sơn phá thạch, dựng xây nên những bản làng trù phú; cùng nhau sáng tạo, gìn giữ, phát triển những giá trị văn hóa quý báu, đặc sắc, đóng góp xứng đáng vào nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng.

11.jpg
Hơn 200 nghệ sĩ có mặt tại Liên hoan âm nhạc toàn quốc được diễn ra tại Hà Giang năm 2023

Với sự đa dạng về bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, sự phong phú về tiềm năng, lợi thế phát triển các loại hình du lịch, Hà Giang hấp dẫn và lôi cuốn các du khách gần xa, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật, không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn vì những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nơi đây, đã khơi dậy niềm cảm hứng sáng tác của biết bao thi nhân, nhạc sĩ.

Bên cạnh đó, Hà Giang là vùng đất được ví như một bức tranh thủy mặc, với nhiều địa danh nổi tiếng, một điểm du lịch đáng nhớ bởi cảnh quan thiên nhiên và con người ở đây, vẻ đẹp của những cung đường quanh co uốn lượn trên sườn núi dẫn đến các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Xín Mần,…

Hà Giang có nền âm nhạc đậm chất bản sắc văn hóa cực Bắc, đại diện cho nền văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc Hà Giang, là vùng đất gây thương nhớ bởi sự kết hợp hài hòa giữa cảnh đẹp thiên nhiên, con người và văn hóa. Hà Giang - vùng đất của đá và hoa, của lòng người mến khách. Nơi đây là nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao thế hệ các nhạc sĩ Việt Nam, đã cho ra đời nhiều tác phẩm đặc sắc về Hà Giang để bày tỏ tình cảm với vùng đất này, đặc biệt là hàng trăm ca khúc viết về Hà Giang của các nhạc sĩ trong và ngoài tỉnh trong suốt quá trình sáng tác, góp phần cổ vũ, động viên đồng bào Hà Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện công cuộc đổi mới.

apao-cly.jpg
Nghệ sĩ A Páo - người có sức ảnh hưởng cộng đồng mạng rất lớn, với 3.000 MV ca nhạc, hình ảnh A Páo được xem là người thổi hồn cho miền cao nguyên đá khi du khách đến Hà Giang

Gần đây, tác giả Ngô Sỹ Ngọc (A Páo) – được mệnh danh là người thổi hồn vào đá, một nhạc sĩ, ca sĩ trẻ, Youtuber nổi danh với hơn 3.000 MV ca nhạc “A Páo” truyền tải trên kênh YouTube. Anh đã miệt mài lan toả hình ảnh cao nguyên đá tới mọi người qua những bản nhạc hay, những ca từ đẹp, hình ảnh những cảnh quay núi rừng hùng vĩ, càng tô đậm thêm cho phong cảnh hữu tình những giá trị văn hóa, như các ca khúc “Về miền đá tìm em”, “Phiên chợ vùng cao”… Tác giả đã thổi hồn cho miền núi đá bằng những cả xúc của tình yêu với Hà Giang

Ở Hà Giang, người dân đã quá quen thuộc với hình ảnh chàng trai dân tộc tày Xuân Hữu, sinh năm 1991- với cây đàn tính rong ruổi trên những cung đường, đến tận những bản làng xa xôi nhất để tìm hiểu, lan tỏa phát triển đàn tính và chắp cánh những điệu Then của dân tộc mình mãi ngân vang.

xuan-huu.jpg
Nghệ sĩ Xuân Hữu, chàng trai 9X đam mê bảo tồn giai điệu dân ca, bước chân của anh trên từng thôn bản để dạy cho lớp lớp em nhỏ duy trì hát then, đàn tính

Xuân Hữu sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hà Giang, nơi nổi tiếng với những điệu Then, đàn Tính mượt mà, những thanh âm ấy tự bao giờ đã thấm dần vào tâm hồn anh. Đối với Hữu, đó là những giai điệu thần tiên đẹp đẽ nhất của tuổi thơ.

Và nhắc đến Hà Giang không thể không nhắc đến ca sĩ Quách Beem đặc biệt để lại ấn tượng lớn với người dân Hà Giang khi chính anh là người sáng tác, thể hiện ca khúc “Hà Giang ơi”. Ca khúc này đạt hàng trăm triệu view trên các nền tảng mạng xã hội, được rất nhiều bạn trẻ nước ngoài biết đến và tìm đến Hà Giang. Bằng tình yêu miền đất đá cũng như tấm lòng người Hà Giang, bài hát đã ghi lại chân thực cảm xúc, giai điệu ngọt ngào đắm say lòng người, nhẹ nhàng sâu lắng, xúc động lòng người, chuyển tải ca từ thể hiện chất âm nhạc trữ tình mà rất sâu sắc; quảng bá bản sắc văn hóa địa phương với vẻ đẹp của cao nguyên núi đá và tình cảm nồng hậu của bà con đồng bào nơi đây. Bài hát ấn tượng cả với những người chưa từng đến Hà Giang nhưng khi nghe bài hát này, nhiều người mong có dịp được đến thăm mảnh đất nên thơ, giàu bản sắc văn hóa các dân tộc ngày càng tươi đẹp.

quach-ben.jpg
Ca sĩ Quách Beem gắn bó với Hà Giang như quê hương của mình, anh đã sáng tác ca khúc "Hà Giang ơi" trong giai điệu ngọt ngào, sâu lắng

Nhưng tiêu biểu hơn cả phải kể đến nhạc sĩ Nguyễn Thanh Phúc – một nhạc sĩ của núi rừng Hà Giang, tác giả đã viết hơn 60 bài hát về Hà Giang – mảnh đất tươi đẹp, ấm tình người nơi cực Bắc Tổ quốc, tiêu biểu như những ca khúc: “Hà Giang quê hương tôi; Nhớ mãi quê em Hoàng Su Phì”, “Xín Mần quê em”, “Một thoáng Bắc Quang”, “Hát về Quản Bạ quê tôi”, “Hoan hô Lò Giàng Páo”… Ông đã đưa vào bài hát những gì đặc trưng nhất của Hà Giang như hình ảnh núi đồi, rừng cây, nương chè, đoàn ngựa thồ hàng, những phiên chợ đầy màu sắc… có biết bao tâm tình ẩn chứa trong lời ca, âm điệu rất tự nhiên, không chỉ có thiên nhiên giàu đẹp, có nhịp sống tươi vui, lời bài hát còn mở ra tương lai tươi sáng…

23.jpg
Có thể thấy đời sống văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn là nguồn sáng tác cho các văn, nghệ sĩ bởi sự độc đáo, ấn tượng và thu hút

Hay “Chuyện tình Khau Vai” âm nhạc Trọng Đài (lời thơ Nguyễn Thế Kỷ). Bài hát đưa người nghe đắm mình vào không gian chợ tình Khau Vai đầy màu sắc ở cao nguyên đá Hà Giang, thấm đẫm chất men say tình của những đôi trai gái người H’Mông, Dao, Giáy, Nùng…, là một bản tụng ca huyền tích về tình yêu bất diệt vượt lên những hủ tục lạc hậu, những cách biệt địa vị xã hội; khẳng định giá trị vĩnh cửu của tình yêu trong sáng, lòng chung thủy, đức hy sinh.

Cùng với các nhạc sĩ gạo cội của Hà Giang: Đào Thế Y, Đinh Tiến Bình, Nguyễn Trùng Thương…, nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay như: Ngô Sĩ Tùng, Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Ngọc Nguyện… đã cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc hay, giá trị nghệ thuật cao, được công chúng đón nhận. Qua đó, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà, góp phần giới thiệu, quảng bá về con người, mảnh đất Hà Giang qua âm nhạc.

Nguyễn Liên