Kinh tế

Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững

Minh Lý 10/11/2023 - 20:52

Chiều 10/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các Đối tác tổ chức Hội nghị “Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống Lương thực thực phẩm (LTTP) theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam”.

Việt Nam xác định chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong đảm bảo an ninh lương thực của khu vực và thế giới.

Mục tiêu của hội nghị lần này, nhằm thúc đẩy thực hiện kế hoạch hành động chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững tại Việt Nam. Đồng thời trao đổi, tham vấn về việc thành lập đối tác hệ thống thực phẩm và các tổ công tác kỹ thuật. Chia sẻ, giới thiệu hoạt động các đối tác tiềm năng trong thực hiện kế hoạch chuyển đội hệ thống lương thực, thực phẩm.

toan-canh-hoi-nghi..png
Quang cảnh Hội nghị.

Đại sứ các quốc gia, đại diện tổ chức quốc tế khẳng định Hội nghị là cần thiết để cập nhật định hướng, mục tiêu của Bộ NN&PTNT trong xây dựng hệ thống LTTP. Các chuyên gia chúc mừng thành công về sản xuất lương thực của Việt Nam, đặc biệt với kỷ lục mới về doanh thu xuất khẩu gạo trong 10 tháng đầu năm 2023, đạt gần 4 tỷ USD. Những tiến bộ đáng kể của ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam trong 3 thập kỷ qua cũng được nhiều bạn bè quốc tế ghi nhận. Sự tăng trưởng của riêng Việt Nam đã góp phần đảm bảo thương mại thị trường cho phân bón, nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất…

Ở Việt Nam, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định xã hội và kinh tế quốc gia, đóng góp 12% GDP trong năm 2022. Tuy nhiên, chuyển đổi hệ thống nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất quy mô nhỏ, manh mún, bên cạnh những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và biến động thị trường. Đồng thời, phát triển nông nghiệp thiếu khoa học đã ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái. Sự lãng phí tài nguyên thiên nhiên và lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tác động tới sức khỏe nước, đất trồng trọt.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Để triển khai Kế hoạch, Bộ NN&PTNT đã ban hành quyết định phân công các cục, vụ, viện làm đầu mối triển khai 30 nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch, đồng thời dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Đối tác hệ thống LTTP bền vững gồm Bộ NN&PTNT, một số bộ, ngành liên quan, các địa phương, một số tổ chức quốc tế về nông nghiệp, doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan nghiên cứu… nhằm tăng cường hợp tác, phát huy thế mạnh của từng đối tác trong việc chuyển đổi hệ thống LTTP của Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Bộ trưởng cũng chia sẻ một số nội dung trọng tâm Việt Nam mong muốn được tăng cường hợp tác cùng các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy chuyển đổi hệ thống LTTP thời gian tới.

Ngoài ra, Việt Nam đặt nhiều ưu tiên về chuyển đổi theo hướng xanh, phát triển hạ tầng nông nghiệp, liên kết đổi mới sáng tạo, cập nhật bảng cân đối dinh dưỡng quốc gia và thúc đẩy tiêu dùng thông minh.

Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác đa phương, đa ngành với hy vọng sẽ tạo ra sự đồng lòng và hành động từ cộng đồng quốc tế và trong nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

bo-truong-bo-nn-ptnt-le-minh-hoan-cho-biet-se-trinh-chinh-phu-cho-phep-thanh-lap-doi-tac-he-thong-lttp-ben-vung..png
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết sẽ trình Chính phủ cho phép thành lập Đối tác hệ thống lương thực thực phẩm bền vững.

Các quốc gia như Pháp, Ailen và tổ chức quốc tế sẵn sàng hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia. Các đại biểu đều hoan nghênh sáng kiến của Bộ NN&PTNT về thành lập nhóm Đối tác chuyển đổi hệ thống LTTP và mong muốn sớm có bộ mục tiêu hoàn chỉnh và cho rằng, tăng cường quan hệ đối tác luôn là chìa khóa để chuyển đổi hệ thống LTTP. Sự hợp tác giữa liên ngành, liên khu vực sẽ giúp giải quyết những thách thức phức tạp liên quan đến hệ thống thực phẩm.

Trưởng đại diện Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO) Rémi Nono Womdim nhấn mạnh: “Chuyển đổi hệ thống LTTP đòi hỏi cách tiếp cận có khoa học, bài bản. Tôi có niềm tin vào sự chuyển đổi mạnh mẽ của Việt Nam, rằng chúng ta sẽ đoàn kết, phát huy lợi thế sẵn có, hỗ trợ những gì còn thiếu, từ đó đạt mục tiêu phát triển bền vững. Mong rằng, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực”.

“Đã đến lúc chúng ta phải hành động. Chúng ta cần chuyển đổi hệ thống LTTP để bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng tốt hơn cho tất cả mọi người, bền vững về mặt kinh tế, toàn diện và có tác động tích cực đến khí hậu và môi trường”. - Ông Rémi Nono Womdim trích lời của Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, cơ quan quản lý, đối tác song phương, đa phương, tổ chức, doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan về chế độ ăn lành mạnh, đa dạng thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý trong thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng; tiêu dùng xanh và chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam; thất thoát và lãng phí lương thực, thực phẩm ở Việt Nam; hỗ trợ của Liên hợp quốc trong triển khai Kế hoạch... để Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng để triển khai Kế hoạch trong thời gian tới.

Minh Lý