Tin nhanh

5 luật gia được bầu làm Thẩm phán Tòa án công lý quốc tế

Hà Mai 10/11/2023 - 15:50

Ngày 9/11, Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng đã bầu 5 Thẩm phán mới của Tòa án công lý quốc tế (ICJ), thay thế 5 Thẩm phán sắp mãn nhiệm.

Những người được bầu bao gồm Bogdan-Lucian Aurescu của Romania, Hilary Charlesworth của Úc, Sarah Hull Cleveland của Hoa Kỳ, Juan Manuel Gomez Robledo Verduzco của Mexico và Dire Tladi của Nam Phi. Những Thẩm phán này sẽ phục vụ nhiệm kỳ 9 năm bắt đầu từ ngày 6/2/2024.

thamphanquocte.jpg
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu bầu các Thẩm phán của Tòa án công lý quốc tế, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, vào ngày 9/11/2023. (Ảnh: Liên hợp quốc)

Trong số 5 người này, Thẩm phán Charlesworth của Úc đã tái đắc cử. Luật gia Kirill Gevorgian của Nga, người cũng tìm cách tái tranh cử, đã thất bại trong nỗ lực của mình.

Năm nay có 9 ứng viên cho 5 vị trí. Ngoài luật gia Gevorgian của Nga, ba ứng cử viên khác - Chaloka Beyani của Zambia, Ahmed Amin Fathalla của Ai Cập và Antoine Kesia-Mbe Mindua của Cộng hòa Dân chủ Congo - đã không giành được đủ phiếu bầu.

Theo Quy chế của ICJ, cơ quan tư pháp chính của Liên hợp quốc, việc bầu chọn các Thẩm phán ICJ được thực hiện thông qua bỏ phiếu kín tại Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng. Một ứng cử viên phải đạt được đa số tuyệt đối ở cả hai viện để được bầu. Việc bỏ phiếu ở hai viện phải được tiến hành đồng thời nhưng riêng biệt.

Năm nay, Đại hội đồng đã đạt được kết quả thuyết phục trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an đã phải tiến hành 5 vòng mới có được kết quả cuối cùng.

ICJ có trụ sở tại Hague có 15 Thẩm phán được bầu với nhiệm kỳ 9 năm. Để đảm bảo tính liên tục, cứ ba năm lại bầu ra 5 Thẩm phán. Thẩm phán có quyền được bầu lại. Nếu một thẩm phán qua đời hoặc từ chức trong thời gian đương nhiệm, một cuộc bầu cử đặc biệt sẽ được tổ chức để chọn một Thẩm phán đảm nhiệm phần nhiệm kỳ chưa hết hạn.

15 ứng cử viên phải đến từ 15 quốc gia khác nhau có hệ thống Tòa án nói chung phải đại diện cho các hình thức văn minh chính và các hệ thống pháp luật chính của thế giới.

Hà Mai