Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Sửa luật để khách quan, công tâm trong xét xử
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) chiều 9/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình - đồng thời là Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) khẳng định, việc sửa luật đảm bảo hệ thống Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, nguyên tắc suy đoán vô tội được thực hiện, Thẩm phán được tận tâm cống hiến.
Phát biểu tại tổ, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, Quốc hội cho phép sửa Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) dựa trên căn cứ quan trọng là Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, trong đó có cải cách tư pháp.
Ngoài ra, theo Chánh án, hệ thống Tòa án đã tham khảo kinh nghiệm thế giới rất nhiều; đã dịch 16 Luật Tổ chức Tòa án của các nước và cử các đoàn đi tham khảo các nước, với kỳ vọng nâng tầm nền tư pháp nước nhà, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.
Hiểu đúng quy định “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử”
Về quy định mới trong dự thảo về chức năng, nhiệm vụ của TAND được “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử”. Theo Chánh án, dự thảo quy định như vậy, nhưng bị hiểu là “giải thích pháp luật”.
Chánh án nhấn mạnh, “giải thích pháp luật” với “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” là khác nhau. “Giải thích pháp luật” được Hiến pháp giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Còn “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” đã giao cho Tòa án lâu nay.
“Xưa nay chúng ta đã làm, làm từ khi thành lập Tòa án đến giờ. Trong một vụ án dân sự hay hình sự, luật sư này nói sẽ áp dụng luật này, điều này, khoản này; còn luật sư kia thì áp dụng điều khoản kia. Thậm chí, điều tra viên với kiểm sát là ý kiến khác nhau; nhưng Tòa án lại căn cứ, tuyên bản án từ điều này, khoản này. Trong bản án phải giải thích cho người dân là tại sao áp dụng điều này mà không phải áp dụng điều kia”, Chánh án giải thích cặn kẽ.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, “giải thích của Hội đồng xét xử chỉ trong xét xử và phù hợp với tình huống pháp lý cụ thể”.
Người đứng đầu hệ thống Tòa án khẳng định, “việc này không phải là tăng quyền mà là tăng trách nhiệm của Thẩm phán".
Chánh án cũng khẳng định, việc thêm nhiệm vụ này không thay thế được nhiệm vụ "giải thích pháp luật của UBTVQH và cũng không thay thế được Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC khi ban hành các Nghị quyết”.
Không thu thập chứng cứ để khách quan, công tâm trong xét xử
Về việc dự thảo Luật quy định “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”…, Chánh án nhấn mạnh, theo khoa học pháp lý, ở vụ án hình sự chia làm hai bên, một bên buộc tội, bao gồm Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát - với các chủ thể buộc tội. Một bên gỡ tội bao gồm bị cáo và luật sư.
“Chúng ta lựa chọn nguyên tắc tố tụng là nguyên tắc tranh tụng thì trọng tài phải công bằng, đứng giữa các bên, không được nghiêng về bên nào. Trong dân sự cũng vậy, nếu như Tòa án thu thập chứng cứ cho một bên, có lợi cho một bên nào đó, có nghĩa là không vô tư khách quan. Và sau đó, Tòa xét xử theo chứng cứ đã thu thập, như vậy là có lợi cho một bên, vi phạm quy tắc của Tòa án là công tâm, khách quan”, Chánh án khẳng định.
Chánh án chỉ rõ “không có nước nào trên thế giới quy định giao cho Tòa án thu thập chứng cứ”.
Đặc biệt, vụ án hình sự thì Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thu thập chứng cứ. Luật sư, bị cáo cũng thu thập. Hai bên ra Tòa tranh tụng với nhau, Tòa án là trung tâm phán xử trên cơ sở tranh tụng.
Theo Chánh án, khi xét xử, tất cả các bên bình đẳng trước pháp luật, trước Tòa. Đối với người yếu thế, khó khăn trong thu thập chứng cứ thì dự thảo Luật quy định được “hỗ trợ”, việc này đảm bảo các nguyên tắc tranh tụng, khách quan, vô tư của Tòa. Từ đó, dự thảo Luật bỏ quy định “Tòa án thu thập chứng cứ”.
Liên hệ thực tiễn, Chánh án cho biết, hiện nay, mỗi năm Tòa án xét xử hơn 600.000 vụ án với 15.000 biên chế “gây nên sự quá tải”.
“Bây giờ giao cho các Thẩm phán thu thập chứng cứ của 600.000 vụ này, cũng không khả thi; khiến vụ án kéo dài vì không thu thập được chứng cứ. Nhiều vụ việc không thực tế, không đúng với thông lệ quốc tế".
Không khởi tố tại Tòa vì lựa chọn mô hình “suy đoán vô tội”
Tương tự như vậy, dự thảo Luật cũng bỏ quy định Tòa được quyền khởi tố trước tòa. Theo Chánh án, “nếu Tòa khởi tố, sau đó xét xử bị cáo do chính mình khởi tố, chắc chắn bị cáo có tội”.
Đặc biệt, Chánh án nhấn mạnh, đã lựa chọn mô hình “suy đoán vô tội”, nếu chứng cứ không đủ chứng minh thì Tòa trả hồ sơ hoặc tuyên vô tội.
Tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử
Về tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Chánh án cho biết, quy định này nhằm đổi mới về tổ chức, các đổi mới về Tòa án chuyên biệt, Tòa án tối cao, Tòa án cấp cao nhận được sự ủng hộ.
Giải thích về việc đổi tên Tòa án cấp tỉnh thành Tòa phúc thẩm, Tòa án huyện là Tòa sơ thẩm, Chánh án cho biết đã tuân thủ Nghị quyết 27 của Đảng về “tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử” .
Theo Hiến pháp, có 2 cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm. Trường hợp đặc biệt có giám đốc thẩm và tái thẩm. Thêm nữa, trong lịch sử hình thành Tòa án, Hiến pháp 1946 cũng quy định 2 hình thức xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm.
“Đây không phải là câu chuyện mới, từ thời thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng đã tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử. Điều này đúng về bản chất, phù hợp với thẩm quyền, đảm bảo tính độc lập và cũng phù hợp với với tổ chức Tòa án quốc tế", Chánh án lưu ý.
Đặc biệt, theo Chánh án “Các nước tổ chức theo thẩm quyền xét xử, theo nguyên tắc Tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, thực hiện quyền tài phán quốc gia. Chúng ta tổ chức theo huyện, theo tỉnh dễ bị ngộ nhận là tỉnh chỉ đạo huyện về mặt hành chính, như thế không đảm bảo tính độc lập”.
Ngoài ra, việc đổi tên Tòa án theo thẩm quyền xét xử phù hợp với nội hàm của luật, đồng thời phù hợp với quy định chung của thế giới.
Đáng chú ý, trước ý kiến đổi tên gọi sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan khác, Chánh án khẳng định không ảnh hưởng. Lý do, Đảng cũng giám sát, các cơ quan khác vẫn phối hợp chặt chẽ, không có sự thay đổi.
“Bây giờ các Bộ luật như Bộ luật Tố tụng hình sự có ghi Tòa án huyện, Tòa án tỉnh. Trong điều khoản thi hành đã nói rõ Tòa án huyện được hiểu là Tòa án sơ thẩm, Tòa án tỉnh được hiểu là Tòa án phúc thẩm. Cho nên nếu luật này như thế, thì các đạo luật khác không có gì phải sửa đổi lại”, Chánh án nói.
Tại sao phúc thẩm vẫn xử các vụ sơ thẩm?
Theo Chánh án, cũng có ý kiến băn khoăn, tại sao luật hiện hành “phúc thẩm vẫn xử sơ thẩm”. Vì đối với những vụ án tham nhũng lớn, Tòa án huyện chưa đủ năng lực thì đưa lên Tòa án tỉnh xử. Điều này hiểu là phúc thẩm vẫn xử sơ thẩm.
Theo Chánh án, trong một số trường hợp luật giao thì Tòa án tỉnh vẫn có quyền xử sơ thẩm.
Đáng chú ý, ở các nước, Tòa án tối cao vẫn xử sơ thẩm, trong trường hợp Tổng thống, Thủ tướng, nghị sĩ Quốc hội, Bộ trưởng bị bắt.
Trong tương lai, Chánh án cho biết, khi năng lực của Tòa án sơ thẩm (Tòa án huyện) tốt lên, sẽ giao cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vụ án có mức án cao như chung thân, tử hình hoặc trên 15 năm. Thay vì chỉ xử mức án dưới 15 năm như quy định hiện nay.
Chánh án cũng khẳng định, khi năng lực các Thẩm phán sơ thẩm nâng lên, sẽ hướng tới giao thêm nhiệm vụ.
Tạo điều kiện để Thẩm phán phấn đấu chuyên môn
Về chế định Thẩm phán, luật hiện hành quy định Thẩm phán cấp huyện gọi là Thẩm phán sơ cấp; Thẩm phán cấp tỉnh gọi là Thẩm phán trung cấp; Thẩm phán Tòa cấp cao gọi là Thẩm phán cao cấp; Thẩm phán Tòa tối cao gọi là Thẩm phán tối cao… Theo Chánh án, quy định như vậy gây khó khăn trong công việc hiện nay.
Đặc biệt, liên quan đến niềm tin của người dân, Tòa án nhận rất nhiều đơn kiện của người dân yêu cầu vụ án phải được xét xử bởi Thẩm phán cao cấp, không giao trung cấp. Sau đó kháng cáo khiến vụ án kéo dài.
Theo Chánh án, điều đáng tiếc là nhiều Thẩm phán sơ cấp đã làm hai chục năm, kinh nghiệm, kiến thức hơn Thẩm phán cao cấp. Nhưng vì mang ngạch sơ cấp nên bị nghi ngờ cấp xét xử.
Nói thay tâm tư, nguyện vọng của gần 6.000 Thẩm phán cấp huyện (sơ cấp), theo Chánh án, từ lúc vào ngành đến khi về hưu chỉ được hưởng một chế độ.
“So sánh với lực lượng vũ trang, người ta lên cấp tá, còn ngành mình mãi sơ cấp khiến nhiều người rất tâm tư, cho nên không khuyến khích được việc chuyên tâm phấn đấu cho con đường chuyên môn. Thế nên lần sửa luật này chúng tôi bỏ ngạch bậc như hiện nay, để Thẩm phán phấn đấu", Chánh án bộc bạch.
Tạo nguồn lãnh đạo Tòa án từ địa phương
Cũng theo Chánh án, quy định của luật hiện hành là Tòa án tối cao thì chỉ có Thẩm phán tối cao, hiện nay số lượng là 17 Thẩm phán do Quốc hội bầu.
“Án lên đến Tòa tối cao thường là án phức tạp, khó. Tham mưu cho Hội đồng Thẩm phán phải là người có kinh nghiệm. Muốn có kinh nghiệm phải kinh qua xét xử từ huyện, tỉnh. Nhưng điều họ lên thì mất luôn ngạch Thẩm phán, trở thành cán bộ thường. Điều này khiến không chọn được cán bộ đỉnh cao để về Toà làm công tác tham mưu. Đây là điều bất cập của luật hiện hành”, Chánh án nói.
Ngoài ra, Chánh án nêu việc bổ nhiệm Phó Chánh án TANDTC chỉ được lựa chọn ở 17 Thẩm phán được Quốc hội bầu. Nhiều người trong số này quá tuổi, nên sự lựa chọn rất ít.
“Hiền tài ở cả nước, nhưng nguồn lựa chọn theo luật chỉ được vài người. Các bộ ngành khác, bổ nhiệm Thứ trưởng từ Giám đốc Sở, còn Tòa lấy từ nguồn địa phương là không thể. Đây là điều bất cập của thực tiễn, giảm cơ hội phấn đấu. Lần này sửa theo hướng bổ nhiệm trong nguồn Thẩm phán đủ điều kiện. Và bổ nhiệm trước rồi mới báo cáo Quốc hội bổ nhiệm làm Thẩm phán TANDTC”, Chánh án nói.