Quảng Ngãi: Thương lái ồ ạt thu mua cau non bán sang Trung Quốc
Đời sống - Ngày đăng : 17:26, 28/08/2015
Ông Bùi Đức Thạch, Chủ tịch UBND xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên tiếp nhiều ngày qua, thương lái khắp nơi đổ về xã Sơn Dung mua cau non bán lại cho thương lái Trung Quốc. Hiện, toàn xã Sơn Dung có khoảng 60 ha cau. Chưa có năm nào bất thường như năm nay khi thương lái khắp nơi về thu mua cả cau non.
Người dân Quảng Ngãi ồ ạt thu bán cau non cho thương lái.
Không riêng xã Sơn Dung, tại các xã khác như Sơn Mùa, Sơn Liên của huyện Sơn Tây cũng như các huyện khác ở Quảng Ngãi, tình trạng người dân hái cau non bán cho thương lái diễn ra khá phổ biến. Hiện giá cau non các thương lái thu mua của người dân dao động từ 14.000 - 16.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với những năm trước.
Thông tin từ các tỉnh miền Tây cũng cho hay, không rõ mục đích thu mua cau non của các thương lái Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai (Cần Thơ) là gì. Tuy nhiên, tình trạng này ngày càng lan rộng ra các huyện Châu Thành, Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Kiên Giang và An Giang.
Trước đó, đỉa cũng từng là một mặt hàng gây sốt tại nhiều địa phương. Người dân tìm mọi cách để thu mua đỉa bán cho thương lái với giá 10.000 đồng/con. Mọi người xôn xao việc đỉa được Trung Quốc mua về để tán làm vị thuốc, tuy nhiên không ai biết rằng những thứ thuốc đó được bán đi đâu, Trong khi đó, theo nhiều tài liệu thì đỉa là loài sinh vật lưỡng tính, ngoài hình thức sinh sản như thông thường, đỉa còn có thể sinh sản theo phương thức sinh sản vô tính phân mảnh, nói đơn giản thì nếu ta cắt con đỉa ra làm nhiều mảnh nhỏ, thì từ mỗi mảnh đó lại có thể phát triển thành một con đỉa mới, hình thức này giống hệt với sao biển mà chúng ta từng biết. Hay như câu chuyện lá ớt cũng vậy, có một thời gian người dân từng ồ ạt trồng ớt chỉ với mục đích lấy lá để bán cho thương lái Trung Quốc, mà không cần biết hậu quả rồi lại ồ ạt trồng giống ớt của Trung Quốc. Từ chỗ bán 30.000đ/kg vụ trước, đến vụ sau chỉ 3.000 đồng/kg khiến không ít người dân điêu đứng vì lỗ nặng.
Trước đó thương lái cũng ồ ạt thu mua đỉa tại nhiều địa phương.
Liên quan tới việc thương lái thu mua cau non một cách ồ ạt, ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cho biết, việc mua cau non là bất thường, cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, nếu biết họ mua để làm gì, đưa đi đâu tiêu thụ thì mới yên tâm cho dân bán. Thế nhưng thực tế, do có lợi trước mắt nên người dân vẫn ồ ạt thu mua cau non bán mà không nghĩ đến hậu quả.
Tình trạng trên đã không ít lần xảy ra với nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, nhưng rốt cuộc, các cơ quan chức năng cũng chỉ dừng ở mức đưa ra cảnh báo cho người dân: Không nên vì ham lợi trước mắt mà thu hoạch sớm các loại nông sản, sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Và ở mức độ cảnh báo này, các cơ quan chức năng vẫn chưa đủ sức để giúp người dân tránh được những hậu quả đáng tiếc như mất mùa vì thu hoạch sớm, hay được mùa những vẫn điêu đứng vì không có người thu mua; thậm chí là mất trắng cả công sức và thành quả lao động vất vả trong suốt mùa vụ.