Lạng Sơn: Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), sáng 8/11, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở (Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII, thông qua ngày 20/6/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014).
Dự hội nghị có đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; báo cáo viên pháp luật tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh.
Theo đó, sau quá trình 10 năm thực hiện luật, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả, khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 1.687 tổ hoà giải với hơn 10.800 hoà giải viên, đạt 100% thôn, tổ dân phố có tổ hòa giải hoạt động.
Trong 10 năm thi hành các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã hòa giải thành 22.093/29.340 vụ việc, đạt tỉ lệ 75,2%; xây dựng được 395 tổ hòa giải điển hình tiên tiến…
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn đã ghi nhận, biểu dương kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đồng chí đề nghị, thời gian tới, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các cấp cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở; quan tâm đầu tư cho công tác hoà giải ở cơ sở về cơ sở vật chất, phương tiện, nguồn nhân lực cũng như kinh phí hoạt động; tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Trong dịp này, để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), đồng chí đề nghị ngành tư pháp tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục chú trọng, đổi mới công tác PBGDPL đến với đông đảo các tầng lớp Nhân dân; phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong học tập, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là chấp hành pháp luật. Công tác tổ chức thi hành pháp luật phải hướng về cơ sở; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đặc biệt quan tâm đến các nhóm đối tượng yếu thế, khó khăn trong tiếp cận pháp luật. Cùng đó đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng, PBGDPL và tổ chức thực hiện pháp luật; phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, trong tuyên truyền, thực thi pháp luật.
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện một số tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đã tham luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Tổng kết sau 10 thực hiện, đợt này có 6 tập thể, 4 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vì đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2018 – 2023.