Đà Nẵng tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết
UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành Văn bản số 6104/UBND-SYT về việc tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH).
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 29/10/2023, toàn thành phố đã ghi nhận 2.432 trường hợp mắc, 155 ổ dịch nhỏ, chưa có trường hợp tử vong.
Riêng trong tuần 43 (từ ngày 23/10-29/10/2023), đã ghi nhận 103 trường hợp mắc, 10 ổ dịch nhỏ, tăng 31 trường hợp mắc so với tuần 42. Số trường hợp mắc SXH tăng liên tục trong 4 tuần gần đây.
Mặc dù số ca mắc 10 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm 2022 (2.432 so với 7.593 trường hợp năm 2022), nhưng hiện nay thời tiết đang vào mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển nên dự báo bệnh SXH có nguy cơ gia tăng và bùng phát trong thời gian đến, nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hiệu quả và kịp thời.
Nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng chống bệnh SXH, với mục tiêu chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy; khống chế kịp thời, không để bệnh SXH lây lan và bùng phát thành dịch; hạn chế thấp nhất các trường hợp từ vong, góp phần nâng cao và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, UBND thành phố yêu cầu Sở y tế chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng chống SXH;
Trong đó, tăng cường công tác giám sát, xử lý ca bệnh, khoanh vùng xử lý ổ dịch, các khu vực, cơ quan, đơn vị có nguy cơ cao bùng phát dịch SXH theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chỉ đạo cơ quan y tế dự phòng, y tế cơ sở phối hợp với các lực lượng địa phương thực hiện điều tra các chỉ số véc tơ truyền bệnh SXH hàng tuần làm cơ sở phân vùng nguy cơ để chính quyền các địa phương triển khai hiệu quả công tác diệt lăng quăng, bọ gậy.
Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa trường hợp biến chứng nặng và tử vong do bệnh SXH. Thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến viện muộn không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện.
Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH, trong đó đặc biệt chủ trọng vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy phòng, chống dịch bệnh.
Đảm bảo đủ nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị... để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân chủ động đạt hiệu quả.
UBND các quận, huyện chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra, giám sát công tác diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn. Huy động các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, Cộng tác viên Dân số - Y tế - Trẻ em, Tổ dân phố và các lực lượng khác tại địa phương tích cực ra quân dọn bỏ các vật dụng phế thải như: lốp xe, vỏ lon, hộp nhựa, chum vại, chậu, thùng nhựa vỡ... đậy kín các vật dụng chứa nước mưa, nước sinh hoạt, thường xuyên thay nước bình hoa, thả cá để cá ăn lăng quăng, bọ gậy, khơi thông cống rãnh, hố nước tù, đọng.
Kiểm tra, có phương án diệt lăng quăng, bọ gậy tại cơ an các cơ sở có phát sinh lốp xe, dụng cụ phế thải, điểm tập kết, cơ sở kinh doanh lốp xe, dụng cụ phế thải, nhà trọ, nhà cho thuê, bãi đất trống, công trình xây dựng. Có biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở, đơn vị, cá nhân bọ gậy để phòng, chống dịch bệnh.
Căn cứ vào kết quả điều chỉ số véc tơ truyền bệnh SXH của ngành y tế để triển khai duy trì hoạt động 01 tuần/01 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 02 tuần/01 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và 01 tháng/01 lần tại các khu vực còn lại.
Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vận động người dân thường xuyên dành 10 – 15 phút/ngày kiểm tra, diệt lăng quăng, bọ gậy tại khu vực sinh sống và thực hiện các biện pháp khác để phòng, chống bệnh SXH.
Cử cán bộ hỗ trợ ngành y tế địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền tới người dân trong cộng đồng về các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, nằm màn, chống muỗi đốt... và tích cực phối hợp với cơ quan y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi tại các hộ gia đình. Khi có dấu hiệu của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.
Sở Giáo dục và Đào tạo Chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn huy động giáo viên, học sinh tích cực tham gia các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi tại gia đình, trường học, cộng đồng... Phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền tại các trường học về biện pháp phòng chống SXH; thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh để phối hợp xử lý.
Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp tuyên truyền bằng nhiều hình thức (tổ chức nói chuyện, phát tờ rơi, chiếu video...) nhằm vận động công nhân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH tại nơi làm việc và nơi sinh sống theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Vận động công nhân tích cực phối hợp với ngành y tế và chính quyền địa phương trong các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gây và phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực sinh sống. Hằng tuần, tổ chức các hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống bệnh SXH trong khuôn viên các khu công nghiệp.
Trường hợp phát hiện có nhiều công nhân cùng nghi bị mắc SXH hoặc các bệnh truyền nhiễm khác tại khu nhà trọ hoặc tại khu công nghiệp phải thông báo ngay với Trung tâm Y tế quận, huyện hoặc Trạm Y tế pháp phòng chống dịch kịp thời.
Các ban, ngành, đoàn thể, các bệnh viện bộ, ngành, trường học, các đơn vị trung ương, quân đội đóng trên địa bàn thành phố phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với ngành y tế, UBND các quận, huyện triển khai hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch bệnh SXH.