Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Giảm 10% biên chế giáo viên nhưng không cào bằng
Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng nay (8/11), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc thiếu giáo viên thường xảy ra ở bậc mầm non và tiểu học, ở các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Do vậy, chủ trương giảm 10% biên chế sẽ không đặt ra một cách cào bằng, máy móc, giống nhau ở các địa phương.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên các cấp học, nếu vẫn tiếp tục giảm 10% viên chức theo trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong phiên chất vấn ngày 7/11, thì đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa không có điều kiện thực hiện tự chủ, việc thiếu giáo viên sẽ càng thiếu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào giải quyết thiếu giáo viên trong thời gian tới?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, để giải quyết được vấn đề này, cần có giải pháp đồng bộ. Việc thiếu giáo viên thường xảy ra ở bậc mầm non và tiểu học, ở các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Bộ trưởng cho rằng, dù 5 năm qua, chúng ta đã sắp xếp, dồn dịch được nhiều điểm trường, tuy nhiên, công tác dồn dịch điểm trường này cần được tiếp tục thực hiện ở nhiều khu vực.
Với việc giảm biên chế 10%, qua trao đổi với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên, Bộ trưởng đề nghị tỷ lệ này không nên đặt ra một cách cào bằng, máy móc, giống nhau ở các địa phương.
Theo đó, đối với các nơi tỷ lệ biên chế viên chức giáo dục lớn hơn, thì cần cân nhắc việc giảm này để đảm bảo đủ giáo viên. Đối với những vùng có điều kiện kinh tế khá hơn, có khả năng xã hội hóa tốt hơn, cần có giải pháp chia sẻ với các tỉnh miền núi và khó khăn.
Ngoài ra, cần có những giải pháp về nguồn tuyển, chuẩn bị nguồn tuyển, đầu vào, để khi các tỉnh miền núi, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn tiến hành tuyển dụng thì sẽ sẵn có nguồn ứng tuyển.
Phòng chống bạo lực học đường phải từ chính học sinh
Trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vai trò của nhà trường và xã hội trong việc ngăn chặn bạo lực học đường, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH Kon Tum nêu, mặc dù bạo lực học đường là vấn đề mà chúng ta đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn xảy ra với tính chất ngày càng phức tạp hơn.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, trong bối cảnh hiện nay có những giá trị văn hóa truyền thống đang bị cạnh tranh, còn những giá trị mới đang hình thành và chưa rõ, chưa được khẳng định. Do đó, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, vấn đề này không chỉ của ngành Giáo dục mà còn là vấn đề của ngành văn hóa.
Cảm ơn ý kiến góp ý của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là ý kiến đúng đắn và sẽ được tiếp thu nghiêm túc.
Trước đó, nói về bạo lực học đường, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ cần tăng cường tập huấn kỹ năng sống cho học sinh khi có vấn đề nguy cơ phát sinh bạo lực với chính mình…
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng cho giáo viên phụ trách về vấn đề này; bổ sung bố trí vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học đường vào trong các cơ sở giáo dục; tăng cường triển các hoạt động vui chơi, giải trí tích cực, góp phần hạn chế, giảm khả năng phát sinh các vấn đề bạo lực, tiêu cực…
Đồng thời, đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, khâu quan trọng tạo nền tảng gốc rễ để giải quyết được vấn đề này đó là triển khai thật tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển con người, nâng cao nhân cách đạo đức con người Việt Nam...
Xã hội hóa sách giáo khoa, giá sách lại tăng
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm, xã hội hóa sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn, với sự tham gia của các nhà khoa học, nhưng trong quá trình thực hiện có nhiều vấn đề, tại sao tiến hành xã hội hóa sách giáo khoa, giá sách giáo khoa lại tăng?.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Nghị quyết 88 và Nghị quyết 122 của Quốc hội cũng không quy định Bộ GD&ĐT không được quyền sản xuất sách giáo khoa. Đại biểu cho rằng, Bộ GD&ĐT nên biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng để cùng cạnh tranh với các nhà xuất bản, các đơn vị sản xuất sách giáo khoa khác.
Đại biểu nêu thực tế, trước mỗi năm học, học sinh và phụ huyng rất buồn và lo lắng bởi giá sách giáo khoa tăng giá. “Mỗi năm đến hè, học sinh man mát buồn; mỗi năm đến khai giảng phụ huynh cũng man mát buồn vì sách giáo khoa” đại biểu Hòa ví von.
Vì vậy, việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa để cùng cạnh tranh với các nhà xuất bản khác, khi nhà nước cần thiết định giá tiến tới nhà nước không thu phí sách giáo khoa mà trợ cấp hoàn toàn.
Đối với ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng cho rằng, trong thực tế, giá sách giáo khoa khi xã hội hóa chưa rẻ như mong muốn, tuy nhiên, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm thẩm định về mặt chuyên môn, còn vấn đề tài chính thì duyệt giá trên cơ sở kê khai của các nhà xuất bản.
Về vấn đề biên soạn sách giáo khoa của Nhà nước, Bộ trưởng cho biết đã bày tỏ đầy đủ quan điểm về vấn đề này trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại Kỳ họp.